“Giang hồ” Khá Bảnh bị bắt: Vì sao các video nhảm, lệch chuẩn vẫn hút “triệu view”?
Mới đây, Ngô Bá Khá hay còn gọi là Khá Bảnh (sinh năm 1993, Bắc Ninh) vừa bị Công an huyện Từ Sơn bắt giữ do liên quan đến đánh bạc. Trước đó, Khá Bảnh “khá nổi” và được xem như hiện tượng mạng nhờ những video livestream gây sốc và phản cảm. Kênh Youtube của Khá sở hữu cả triệu lượt người theo dõi, đăng ký xem.
Nhan nhản các video theo mô típ “giang hồ cộm cán”
Khá Bảnh bắt đầu nổi tiếng trên mạng xã hội nhờ điệu nhảy múa quạt trên Youtube. Sau đó, Khá được cư dân mạng chú ý nhờ hàng loạt các video nổi loạn, khoe chiến tích tù tội, chửi tục tĩu phản cảm.
Mới đây, Khá Bảnh đăng tải một video clip lên trang youtube với tựa đề: “Anh Bảnh đi xe bị ngã, nên bực mình đốt xe luôn”. Trong clip, Khá Bảnh rủ bạn của mình dùng gậy sắt đập nát và đổ xăng đốt xe. Vụ việc này khiến Khá Bảnh bị công an triệu tập lên làm việc.
Khá được cư dân mạng chú ý nhờ hàng loạt các video nổi loạn, khoe chiến tích tù tội, chửi tục tĩu phản cảm. Ảnh cắt từ clip
Ngoài ra, Khá còn dàn dựng nhiều video khoe lối sống phản cảm như: Khá Bảnh ra tù anh em xã hội lên đón đông như phim Trung Quốc, Khá Bảnh dạy dỗ em út hay Khá Bảnh đi Sài Gòn về tặng quà cho các em mỗi đứa 50 triệu đồng… Trong các video, Khá Bảnh được tung hô như “đại ca giang hồ” với nhiều đàn em vây quanh.
Các nhân vật xuất hiện trong video của Khá liên tục có những ngôn từ tục tĩu, phì phèo thuốc lá. Đáng nói, các video này luôn nhận về hàng triệu lượt xem và bình luận, nhiều người thậm chí còn coi Khá như thần tượng, anh hùng và là hình mẫu để hướng đến ngoài đời thực.
Ngoài Khá Bảnh thời gian gần đây tại Việt Nam, xuất hiện nhiều kênh Youtube xây dựng các nhân vật theo hình mẫu “giang hồ cộm cán”, xã hội đen với lối sống tiêu cực.
Các video theo mô típ giang hồ thời gian gần đây trở thành hiện tượng với hàng triệu lượt xem, theo dõi
Các video này hầu như không có nội dung gì đáng chú ý ngoài các yếu tố gây sốc như: giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực, đòi nợ thuê, khoe hình xăm, rượu chè, cờ bạc… nhưng vẫn thu về từ vài trăm nghìn cho đến cả triệu lượt người đăng ký, theo dõi.
Chủ nhân của các kênh Youtube này còn sẵn sàng công khai danh tính, giới thiệu làm nghề đòi nợ thuê, bảo kê, cho vay nặng lãi, lô đề… và có mối quan hệ thân thiết với các tay anh chị, xã hội đen ngoài đời. Điều đáng nói là nhiều người lại cổ xúy cho những hành vi gây phản cảm, lối sống sa đọa này.
Đơn cử như Dương Minh Tuyền hay còn được gọi là “Thánh chửi” (SN 1986, Bắc Ninh) cũng được xem như hiện tượng mạng khi sở hữu kênh Youtube với trên 500 nghìn lượt theo dõi.
Tuyền nổi tiếng và được chú ý nhờ những video chửi tục, gây sốc. Trong các video, Tuyền thường xuất hiện với hình ảnh một gã giang hồ, xăm trổ. Những video giải quyết, thách đố đánh nhau đều được Tuyền ghi lại và tung lên mạng. Năm 2016, đối tượng này từng bị Công an TP Bắc Ninh bắt giữ và khởi tố vì hành vi “Gây rối trật tự công cộng”.
Không chỉ được xem là hiện tượng mạng, mới đây khi xuất hiện tại Hưng Yên, Tuyền còn được cả trăm người vây quanh xin chụp ảnh, chữ ký như “ngôi sao”, thần tượng của giới trẻ
Ngoài Khá Bảnh và Dương Minh Tuyền, hàng loạt kênh youtube được xây dựng theo mô típ “xã hội đen” với lối sống phản cảm tương tự như: D. Trọc H.Đ (64 nhìn lượt theo dõi), H. hoa hồng (31 nghìn lượt theo dõi), Ng. Trọc Official (147.000 subscribe)… cũng được xem là các hiện tượng mạng, thu hút sự chú ý của cộng đồng.
Các video nhảm, lệch chuẩn vì sao vẫn hút “triệu view”?
Chia sẻ với PV Dân trí, ông Nguyễn Trí Tài, đại diện một đơn vị sở hữu kênh YouTube khá nổi tiếng trong giới trẻ cho biết, sở dĩ hiện tượng Khá Bảnh hay một loạt các kênh theo mô tip xã hội đen thu hút lượng người xem đông đảo bởi nó thỏa mãn một bộ phận giới trẻ muốn “nổi loạn trong tư tưởng”. Các nội dung này dùng tính tò mò và đánh vào “bản ngã” của người xem để thu hút.
Ở đây, câu chuyện trong giới giang hồ, trước đây vốn được xem là kín đáo, bị che đậy, ít người biết thì nay được phơi bày ra công khai thậm chí thách thức dư luận, nên càng thu hút sự hiếu kỳ của nhiều người.
Tuy nhiên, theo ông Tài sự nguy hiểm ở nội dung các video tiêu cực này ở chỗ nó không phải chỉ mơ hồ như một câu chuyện của các nhân vật được hư cấu trên phim ảnh mà nó chân thực với “nhân vật sống” ngay trước mắt khiến các em bắt chước và học tập theo. Sự bắt chước này có thể về ngoại hình như: cắt tóc, ăn mặc… xa hơn nữa là nói năng, hành xử.
“Những bạn trẻ đang còn ngồi trên ghế nhà trường, bị quản thúc bởi nhà trường và xã hội, do đó hình ảnh Khá Bảnh giúp họ thoả mãn tính nổi loạn này, cũng đơn giản như việc “con nhà người ta” học giỏi hay giỏi một bộ môn năng khiếu nào đó thì được coi là hình mẫu mà những bạn khác mong muốn đạt được. Người trẻ nếu không có sự chọn lọc hoặc kèm cặp kĩ lưỡng dễ bị cuốn vào các câu chuyện này thậm chí là học hỏi theo”, ông Tài nói.
Bà Nguyễn Phương Linh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD), cũng cho rằng, hiện tượng Khá Bảnh không phải là mới. Trước đó, nhiều nhân vật như: Bà Tưng, Lệ Rơi… cũng được tung hô như những thần tượng trong giới trẻ, dù không phải là những người nổi bật, có cống hiến xuất sắc cho xã hội.
Tuy nhiên theo bà Linh, điều đáng lo ngại là những nhân vật được xây dựng theo hình tượng xã hội đen gần đây có vẻ không còn là đơn lẻ, tự phát nữa mà bắt đầu phát triển thành xu hướng cổ xúy cho những thứ lệch chuẩn và thậm chí là các hành vi vi phạm pháp luật. Đây là điều không thể chấp nhận được và cần phải xử lý nghiêm.
“Tôi thấy lo lắng khi có xu hướng giới trẻ coi việc sử dụng các hành vi lệch chuẩn để làm màu và sống ảo, nổi tiếng trên mạng bất chấp. Việc này sẽ dẫn đến sự lung lay các nền tảng giá trị đạo đức hay thậm chí dẫn tới việc vi phạm pháp luật và trở thành vấn đề thực sự nghiêm trọng.
Mạng ảo nhưng ảnh hưởng rất thật, các hành vi ứng xử trên mạng cũng định hình các dấu ấn cá nhân của những công dân số. Do đó, việc cố xuý cho các hành vi lệch chuẩn một cách thiếu suy nghĩ cũng phần nào ảnh hưởng đến cả hình ảnh và suy nghĩ của người tương tác chứ không đơn giản chỉ cho vui”, bà Linh bày tỏ.
Cần phải rèn luyện kỹ năng cho giới trẻ trong thời đại số
Bà Nguyễn Phương Linh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững cho rằng, cần phải chú trọng rèn luyện kỹ năng cho giới trẻ trong thời đại số thay vì các khẩu hiệu hô hào
Theo bà Linh, ngoài việc kêu gọi tẩy chay, báo cáo vi phạm đối với các kênh video tiêu cực, cổ xúy lối sống lệch lạc để tránh phát tán, lan truyền rộng rãi gây ảnh hưởng xấu thì về lâu dài cần quay lại việc giáo dục cho cả cộng đồng đặc biệt là giới trẻ về các giá trị nhân văn và các kỹ năng số trên môi trường mạng.
“Việc giáo dục đạo đức để tránh cổ xuý các hành vi lệch chuẩn và vi phạm pháp luật không thể chỉ bằng kêu gọi các khẩu hiệu, rập khuôn các đức tính, việc giáo dục đạo đức cần bắt đầu bằng việc rèn luyện kỹ năng và tư duy phản biện của giới trẻ. Trên cơ sở có tư duy logic và phản biện, cả trong cuộc sống thực tại hay trên mạng ảo, giới trẻ mới có khả năng phân biệt đúng sai, phù hợp hay không phù hợp để có tương tác phù hợp, xây dựng những giá trị đạo đức tích cực”, bà Linh bày tỏ.
Liên quan đến các chế tài xử lý đối với các kênh video với nội dung nhảm, tiêu cực, cổ xúy lối sống không lành mạnh, Luật sư Lê Văn Hồi, giám đốc công ty Luật My Way cho rằng có thể áp dụng một số chế tài theo luật pháp hiện hành để xử lý.
Cụ thể, một số nội dung mô tả hành động bạo lực, kích động bạo lực xuất hiện trong thời gian qua có thể bị xử phạt từ 3 – 40.000.000 VND theo quy định tại điểm a, Khoản 4 Điều 4 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP do có hành vi “sản xuất phim có nội dung kích động bạo lực, truyền bá tệ nạn xã hội”.
Với những video lồng ghép, quảng cáo các tệ nạn như: cá cược bóng đá, lô đề, xóc đĩa… là những sản phẩm, dịch vụ bị cấm quảng cáo, trường hợp cá nhân vi phạm có thể bị xử phạt từ 40 – 50.000.000 VND theo quy định tại điểm đ, khoản 1 Điều 50 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP do có hành vi “Quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo khác.”
Hà Trang