Gặp ứng cử viên đại biểu Quốc hội trẻ nhất Nghệ An
Tác giả: coaynoiĐăng ngày: 15/05/2011Lần cập nhập cuối: 01/01/2021
Mục tiêu lớn nhất của ứng cử viên đại biểu quốc hội trẻ nhất Nghệ An là nâng cao vai trò của tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp
Nguyễn Thị Quỳnh Trang, sinh năm 1986, quê xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc (Nghệ An). Tốt nghiệp Đại học Công đoàn, Trang tham gia thi tuyển công chức và trúng tuyển vào Liên đoàn lao động Tỉnh Nghệ An, được phân công công tác lại huyện miền núi Nghĩa Đàn.
Mặc dù còn rất trẻ nhưng Trang đã được Liên đoàn lao động huyện Nghĩa Đàn tin tưởng giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII. Sau 3 vòng hiệp thương Nguyễn Thị Quỳnh Trang trở thành ứng cử viên đại biểu Quốc hội trẻ nhất tỉnh Nghệ An.
Trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và HĐND các cấp sẽ được tổ chức vào ngày 22/5 tới Trang được phân công vào tổ bầu cử số 5 bên cạnh 2 ứng cử viên “nặng ký” khác. Thế nhưng đối với Trang đó không phải là áp lực mà là cơ hội được học hỏi kinh nghiệm cũng nhưng phương châm, tác phong làm việc của những người đi trước.
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về chương trình hành động, Trang đã có 6 buổi tiếp xúc cử tri vận động bầu cử tại Nghi Lộc, Diễn Châu và Cửa Lò. Nội dung trọng tâm của cô cán bộ LĐLĐ huyện Nghĩa Đàn là tập trung vào việc vận động thành lập tổ chức công đoàn cơ sở; các vấn đề nhằm đảm bảo các quyền lợi cơ bản của người lao động đặc biệt là lao động nữ; vấn đề đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn.
Ngoài ra Trang còn tập trung đến các vấn đề như chính sách cho người có công, chế độ ưu đãi cho cán bộ bán chuyên trách tại các xã, phụ cấp cho cán bộ xóm, vấn đề bình đẳng giới.
Trang tâm sự: “Một thực tế hiện nay là số lượng tổ chức công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp ngoài quốc doanh rất ít, tại những doanh nghiệp đã thành lập được tổ chức công đoàn thì hoạt động của tổ chức này chưa phát huy hiệu quả do chưa nhận được sự phối hợp của chủ doanh nghiêp. Bởi vậy các quyền lợi cơ bản chính đáng của người lao động nhiều nơi vẫn chưa được đảm bảo.
Muốn đảm bảo được quyền lợi cho người lao động thì cần thiết phải làm cho công nhân cũng như chủ doanh nghiệp hiểu đúng vai trò của tổ chức công đoàn. Khi đã có tổ chức công đoàn làm cầu nối, chủ doanh nghiệp sẽ có những điều chỉnh hợp lý nhằm phát huy cao nhất năng suất lao động của công nhân. Ngược lại công nhân sẽ phấn khởi yên tâm sản xuất góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm của doanh nghiệp”.
Theo Trang cơ hội việc làm cho thanh niên nông thôn rất lớn, không nhất thiết phải vào làm việc ở các cơ quan nhà nước mới phát huy được năng lực bản thân.
Bên cạnh đó, phải thường xuyên tổ chức sinh hoạt công đoàn, tổ chức ký kết các thỏa ước lao động tập thể nhằm đạt được sự thỏa thuận có lợi nhất cho người lao động. Ngoài ra Trang cũng hết sức quan tâm đến quyền lợi của lao động nữ.
Tại một số doanh nghiệp các quyền lợi chính đáng của lao động nữ thường chưa được quan tâm đúng mức như: lao động nữ được về trước 1 tiếng nếu đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng, phải có khu vệ sinh riêng cho lao động nữ, được hưởng các chế độ thai sản kịp thời… Các chủ doanh nghiệp cần có cách nhìn nhận, đánh giá năng lực của các lao động nữ một cách bình đẳng để bổ nhiệm vào các vị trí quan trọng nhằm phát huy tối đa khả năng của họ trong công việc.
Theo Trang đào tạo nghề và tạo việc làm cho thanh niên nông thôn trong giai đoạn hiện nay là nhiệm vụ hết sức cần thiết. Ngoài việc tổ chức các lớp đào tạo nghề, LĐLĐ cần tổ chức các buổi nói chuyện, tư vấn định hướng nghề nghiệp cho thanh niên khi bước vào tuổi lao động.
“Không cứ nhất thiết phải vào làm việc trong các cơ quan Nhà nước mới có thể phát huy được năng lực bản thân, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh cũng là cơ hội việc làm tốt cho thanh niên, đặc biệt là lao động phổ thông.
Bên cạnh đào tạo nghề và tạo việc làm tại chỗ, xuất khẩu lao động ra nước ngoài theo em đó cũng là một hướng đi đúng trong thời điểm hiện nay”, Trang cho biết thêm. Sau 6 buổi tiếp xúc cử tri, Nguyễn Thị Quỳnh Trang đã được các cử tri tin tưởng, gửi gắm nhiều vấn đề còn vướng mắc trong cuộc sống.
Trang tâm sự: “Càng đi, càng tiếp xúc với cử tri em thấy mình cần phải học hỏi nhiều hơn, lắng nghe nhiều hơn. Và đặc biệt là nhận thức sâu sắc hơn về vai trò cầu nối giữa người dân và chính quyền các cấp của người đại biểu nhân dân.
Không chỉ thông tin đến các cơ quan chức năng tâm tư nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của cử tri mà người đại biểu Quốc hội phải không ngừng học hỏi nâng cao tri thức, tích lũy kinh nghiệm, hoàn thiện bản thân để có thể tham mưu, đưa ra các giải pháp, kiến nghị đến các cơ quan chức năng…”.
Không ngại khó, không ngại khổ, phải tự mình nỗ lực để đáp ứng một cách tốt nhất sự kỳ vọng của cử tri đó là phương châm sống và hành động của ứng cử viên đại biểu Quốc hội trẻ tuổi này.
Hoàng Lam