Gặp cậu chủ khiếm thính 9X vừa giành giải “Cây cọ vàng”
Tác giả: coaynoiĐăng ngày: 13/03/2013Lần cập nhập cuối: 30/12/2020
Thái Thành trang điểm cho người mẫu trong Cuộc thi Đẹp cùng cây cọ vàng.
Tôi gặp Thành tại cửa hàng riêng sau khi Thành vừa giành được giải Triển vọng cuộc thi Đẹp cùng cây cọ vàng lần thứ I (cuộc thi tôn vinh các nghệ sĩ trang điểm, đêm chung kết diễn ra vào tối mùng 3/3 vừa qua). Cuộc nói chuyện của chúng tôi bị ngắt quãng nhiều lần bởi lượng khách đến làm tóc khá đông. Cậu chủ quán 9X nhiệt tình kiêm luôn việc dắt xe cho khách.
Một cô bạn gái xinh xắn vừa bước vào đã lấy ngay một mẩu giấy nhỏ, viết rằng mình đang băn khoăn không biết làm kiểu đầu gì để tôn nét trẻ trung. Thành tư vấn trên giấy cho bạn gái kiểu tóc tỉa nhẹ, ôm hai bên má. Cô bạn gái gật đầu rồi ngồi yên để Thành tạo kiểu.
Buổi cắt tóc diễn ra trong im lặng, chỉ có âm thanh của tiếng kéo nhưng dường như chủ và khách rất hiểu ý nhau. Kiểu tóc mới hoàn thiện, cô bạn gái ra dấu hài lòng bằng ngón tay khiến cậu chủ 9X cười tươi rói.
Thái Thành và người mẫu của mình nhận giải Triển vọng “Cây cọ vàng”.
Gian nan hành trình học tiếng… Việt
Nguyễn Thái Thành sinh ngày 12/9/1991 ở Song Mai, Bắc Giang. Thành là con út trong gia đình có 3 anh chị em. 2 anh chị có khả năng nghe nói bình thường nên bố mẹ nghĩ rằng Thành chỉ chậm nói hơn chúng bạn.
Nhưng đến 3 tuổi, cậu con trai vẫn chưa biết nói và không có phản xạ khi được gọi tên. Lúc này gia đình vô cùng lo lắng, sau đó là chuỗi hành trình gian nan chạy chữa nhưng đều vô vọng, bác sỹ kết luận Thành bị khiếm thính bẩm sinh.
“Ngày đó Thành rất đau vì phải châm cứu suốt ngày, và Thành khóc, Thành giận bố mẹ, tại sao cứ bắt Thành gặp hết bác sỹ này đến bác sỹ kia trong khi các bạn khác được đi chơi. Phải đến khi đi học lớp 1, Thành mới lờ mờ nhận ra mình khác với những bạn xung quanh”, Thành kể lại.
Ở quê không có trường dành riêng cho trẻ khiếm thính nên bố mẹ cho Thành đi học ở một trường bình thường. Suốt 5 năm tiểu học, Thành nhìn cô giáo viết và tập lại theo nét. Những câu chữ Thành viết khi ấy cũng rời rạc, khó hiểu, vốn liếng ngôn ngữ mẹ đẻ bập bõm như người nước ngoài học tiếng Việt.
Không nghe được nhưng bù lại khả năng tập trung của Thành rất cao, đôi bàn tay khéo léo trong từng nét vẽ. 13 tuổi, Thành được cho xuống Hà Nội học trường Câm điếc Nhân Chính. Đây là độ tuổi khá muộn để một trẻ khiếm thính bắt đầu học giao tiếp. Nhìn thấy mọi người nói chuyện bằng tay Thành thấy lạ lắm nhưng rồi Thành dần cảm nhận được các bạn ấy giống mình và hòa nhập nhanh.
Nhọc nhằn cây kéo
Tốt nghiệp trường Nhân Chính, Thành được chị gái đưa đến xin học thầy Tuấn vào các buổi tối, đây là một trong những thầy giáo khiếm thính đầu tiên biên soạn cuốn ngôn ngữ kí hiệu. Khả năng viết tiếng Việt của Thành tiến bộ hơn.
Ban ngày hai chị em lại đi khắp nơi xin học vẽ nhưng không có nơi nào nhận dạy nên gia đình quyết định chuyển hướng xin cho Thành đi học cắt tóc nhưng đi đến rất nhiều cửa hàng, vào cả những quán lề đường mà chỉ nhận lại những cái lắc đầu.
Đúng lúc đó có một cửa hàng ở Bắc Giang đồng ý cho Thành theo học. Niềm vui vừa chớm nở lại vụt tắt khi học phí khá đắt và thầy giáo cũng không có thời gian chỉ bảo riêng cho Thành. Thành phải mua manơcanh, nhìn theo thầy và tập chứ không được học một chút lý thuyết nào.
Bố mẹ và cả hàng xóm láng giềng trở thành người mẫu bất đắc dĩ của Thành. Và Thành cũng kiên trì đi hết làng trên, xóm dưới, nhờ bố hỏi ai có nhu cầu cắt tóc miễn phí là tới ngay. Nhờ vậy mà cậu được thực hành khá nhiều.
Sau đó Thành được nhận vào làm thợ phụ ở một cửa hàng khác. Thành làm đủ mọi việc như quét dọn cửa hàng, gội đầu cho khách và kiên trì quan sát cách chủ xử lý hóa chất, pha màu thuốc nhuộm,… Một lần, có một vị khách đã nói rằng: “Cậu này có năng lực đấy”. Đó là một sự động viên tinh thần rất lớn, giải tỏa mọi lo lắng trong Thành bấy lâu và cậu ấp ủ phải trở lại Hà Nội học cao hơn.
Đoạn hội thoại giữa Thành và khách hàng.
Nói là làm, Thành lại theo chị ròng rã khắp các con phố ở Hà Nội xin học. Nhiều lần chị gái đã bật khóc khi thấy mọi cánh cửa đều đóng lại trước mắt em trai mình nhưng Thành vẫn kiên trì đi tìm.
May mắn mỉm cười khi chị gái kể chuyện của Thành với Hiệp sỹ Công nghệ thông tin khiếm thị Khúc Hải Vân, anh Vân đã giúp Thành được học miễn phí ở một cửa hàng làm tóc lớn trên phố Khâm Thiên.
Nhận thấy khả năng của cậu, thầy giáo đã chọn Thành làm nhân viên hỗ trợ ở phòng khách hạng sang và xây dựng được một mạng lưới khách hàng thân thiết. Năm 2010, Thành đạt giải Triển vọng trong Cuộc thi “1000 năm tóc”.
Thái Thành (ngoài cùng bên trái) luôn gây ấn tượng với mọi người
bởi sự lạc quan, yêu đời.
Cũng năm đó, Thành bắt đầu học thêm về trang điểm. Đến tháng 7/2011, Thành đã thuyết phục thành công bố mẹ cho mở cửa hàng riêng. Và giải Triển vọng cuộc thi Đẹp cùng cây cọ vàng là thành quả xứng đáng cho những nỗ lực và quyết tâm của Thành.
Trong suốt cuộc thi, Thành nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của những người bạn từ phiên dịch cho đến chuẩn bị trang phục, chụp hình,… Cô bạn thân Hoài Anh Mango cũng tham gia làm mẫu và đóng góp cho ý tưởng của cậu bạn 9X.
Các thành viên Ban giám khảo như nhà thiết kế Kelly Bùi, chuyên gia trang điểm Kenny Thái,.. nhận xét Thành là một thí sinh thông minh, tuy có ưu thế làm tóc nhưng Thành lại biết tiết chế để làm nổi bật phong cách trang điểm tinh tế và tự nhiên.
Hoài Anh Mango biến tấu với kiểu tóc và trang điểm ấn tượng do Thái Thành thực hiện.
“Thành chỉ đang nói bằng một thứ ngôn ngữ khác thôi”
Với gia đình Thành, cậu chỉ đang nói bằng một thứ ngôn ngữ khác thôi. Cũng giống như trong mắt Thành chúng ta đang nói bằng một thứ ngôn ngữ khác. Gia đình đề cao sự bình đẳng trong cách chăm sóc cậu con trai út, có lẽ chính niềm tin của gia đình đã giúp Thành hòa nhập tốt.
Và có một điều kì diệu hơn, bố mẹ, anh chị chưa từng được học ngôn ngữ kí hiệu nhưng vẫn có thể giao tiếp bình thường với Thành xuất phát từ tình yêu thương và sự thấu hiểu.
Mỉm cười khi được hỏi về ước mơ, Thành chia sẻ muốn được đi du học về trang điểm và làm tóc. Cậu chủ 9X đang trau dồi vốn tiếng Anh và kì vọng tăng mức thu nhập, mở rộng quy mô cửa hàng để giúp đỡ được nhiều hơn những người bạn có chung cảnh ngộ. Ở cửa hàng của Thành hiện tại cũng có một nhân viên khiếm thính, cậu bạn ấy đang kiên trì học từ những công việc nhỏ nhất.
Hoài Anh ưng ý với kiểu tóc mới mà cậu bạn thân làm tặng.
Các tuyến phố: Thái Hà, Hoàng Cầu sau khi được UBND quận Đống Đa (Hà Nội) cải tạo, chỉnh trang đã dần trở lên đẹp đẽ hơn và được người dân đánh giá cao.
Đoàn thanh niên Thủ đô đã gặt hái được nhiều kết quả nổi bật trong công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi thành phố năm 2019. Từ nhiều hoạt động đã thực hiện, Đoàn thanh niên TP. Hà Nội tuyển chọn 10 hoạt động để lại dấu ấn quan trọng nhất trong năm.
Bạn bè cho hay, sau khi ly dị Mã Y Lợi, Văn Chương thực sự chán nản và thất vọng. Anh lao vào rượu để quên đi nỗi buồn. Ngày 30/7, giới săn tin còn chụp được hình ảnh Văn Chương liêu xiêu rời khỏi một quán ăn.
Do Thủ đô đang trải qua đợt nắng nóng kéo dài, nên mỗi buổi chiều, người dân ngoại thành Hà Nội lại đổ ra một con đập để tắm giải nhiệt. Nhiều người coi đây là "thiên đường" trong đợt nắng nóng đỉnh điểm.
Giữa cái nắng nóng oi bức của mùa hè, nhiệt độ ngoài trời lên tới hơn 40 độ C, ông Trần Đình Long và ông Lương hai người thợ rèn trên phố Giảng Võ (Hà Nội) vẫn tay đe tay búa bên bếp lò đỏ rực.
Nếu ngày nào còn chạy xe đạp đi hát, được khán giả cho đồ ăn vì quá xanh xao thì giờ đây Ngọc Sơn đã có trong tay những gia tài nhiều người phải ao ước. Nhìn lại chặng đường 30 năm, cảm nhận tình cảm của khán giả và học trò, Ngọc Sơn bật khóc trên sân khấu.