Duy trì cuộc hôn nhân không hạnh phúc là tình yêu hay sự sợ hãi?
Nhiều người tự thuyết phục mình rằng một ngày nào đó mối quan hệ sẽ trở nên tốt đẹp hơn, sự nhẫn nhịn và chịu đựng của họ sẽ được đền đáp.
Hãy nghĩ lại về quãng thời gian trước khi bạn quen nửa kia của mình. Cả hai tự do, hạnh phúc và làm những việc của riêng mình.
Rồi hai người gặp nhau, yêu nhau, cưới nhau và mọi thứ bắt đầu thay đổi
Ban đầu mọi thứ thật tuyệt vời. Hai người xây dựng một thế giới hộp của riêng mình, yêu thương và gắn kết chặt chẽ.
Nhưng cuộc sống bắt đầu thay đổi vì nhiều lý do khác nhau. Bạn chịu đựng nỗi buồn, sự mệt mỏi và một cuộc sống không trọn vẹn vì bạn sợ hãi phải rời khỏi “cái hộp” ấm áp và quen thuộc mà cả hai đã xây dựng lên.
Bạn tìm cách hợp lý hóa sự ở lại của mình bằng nhiều lý do. Hai bạn có những đứa con, hai bạn có những kỷ niệm chung, hai bạn đã sống với nhau trong nhiều năm và cùng chung tay xây dựng cuộc sống như hiện nay. Cả hai đã mất nhiều công sức và tình cảm để có một “chiếc hộp” như hiện nay và cả hai không muốn vứt bỏ đi những công sức của mình.
Cả hai nghĩ rằng mình có thể cải thiện mối quan hệ tốt hơn. Bạn đánh giá lại mọi điều và nghĩ rằng mình có thể sửa chữa những trục trặc giữa hai người. Bạn tin rằng cần phải nỗ lực để tìm lại tình yêu. Và bạn chưa cố gắng đủ.
Con người là một sinh vật của những thói quen. Một khi bạn tìm thấy điều gì khiến bạn dễ chịu, bạn sẽ tìm mọi cách để giữ nó. Ở lại bao giờ cũng dễ dàng hơn. Đó là một điều hiển nhiên với nhiều người. “Chiếc hộp này” này là gia đình của bạn, là sự an toàn và tiện nghi.
Vấn đề của chiếc hộp
Vấn đề của chiếc hộp là nó giam giữ hai người, không cho họ nhìn thấy điều gì đã diễn ra bên trong và bên ngoài mối quan hệ của họ.
Ngoài một số lý do như những đứa con, bạn cần đánh giá sâu hơn để tìm ra lý do thật sự mình muốn ở lại với cuộc hôn nhân không hạnh phúc là gì.
Nếu bạn chỉ nghĩ đến những nỗ lực đã bỏ ra để xây dựng “chiếc hộp” này, những kỷ niệm, cảm xúc và những gì hai bạn đã chia sẻ trong suốt thời gian qua và bạn ghét phải rời bỏ tất cả những điều đó; bạn đang hy sinh cơ hội để được sống hạnh phúc hơn. Bạn đã đầu tư thời gian, tiền bạc và tình cảm để xây dựng gia đình này và bạn sẽ vẫn tiếp tục đầu tư vào nó cho dù nó chẳng đi đến đâu. Bạn không muốn bỏ phí những công sức của mình nhưng nó lại đang ngăn cản bạn tìm kiếm và đầu tư vào những cơ hội tốt hơn.
Rất nhiều người hiểu sai câu nói “nỗ lực hết sức”. Không ai nên nỗ lực như một nô lệ để cải thiện mối quan hệ vợ chồng. Những nỗ lực này không làm cho hai bạn yêu thương và trân trọng nhau hơn.
Bạn có thể hỏi “Nhưng làm sao tôi có thể biết nếu tôi không bao giờ cố thử? Nếu tôi cố gắng nhiều hơn, mọi chuyện rất có thể sẽ khác.” Không ai có thể biết chắc chắn điều gì trong tương lai. Bất cứ điều gì chưa hoàn thành đều khiến chúng ta băn khoăn liệu nó có thay đổi khác đi được không, nhưng những người mạnh mẽ nhất là những người có khả năng không để những câu hỏi nghi hoặc quyết định điều gì tốt nhất cho họ. Bạn không bao giờ biết bạn có hạnh phúc hơn hay không nếu bạn không bao giờ bước chân ra khỏi mối quan hệ không hạnh phúc.
Làm thế nào để ra khỏi “chiếc hộp”?
Điều đầu tiên và quan trọng nhất khi suy nghĩ về việc chấm dứt mối quan hệ là hãy có một cuộc nói chuyện cởi mở với bạn đời của mình. Bất kể họ cảm thấy thế nào và bạn sẽ quyết định điều gì, người kia hoàn toàn có quyền biết rằng bạn đang suy nghĩ đến việc chấm dứt cuộc hôn nhân giữa hai người. Cuộc nói chuyện này chắc chắn không dễ dàng và thú vị gì. Nhưng đó là điều cần thiết đối với cả hai người. Trung thực luôn là điều tốt nhất.
Nhấn nút “Tạm dừng”
Sau cuộc trò chuyện không mấy thú vị đó, cả hai bạn có lẽ cần thời gian để tạm dừng lại, nhìn lại mình và đánh giá lại mối quan hệ của hai người. Thời gian tạm dừng này không phải là lý do để lừa dối và cũng không phải là một cơ hội để bạn tìm kiếm xem có ai tốt hơn người kia hay không. Hãy đặt ra một thời gian cần thiết và sau thời gian đó, hai người hãy ngồi lại với nhau và thảo luận về các bước tiếp theo. Bạn có thể thực hiện một chuyến đi một mình để suy nghĩ. Nếu như bạn tình cờ tìm được ai đó trong thời gian hai vợ chồng đang tạm xa nhau, hãy luôn trung thực với chính mình, nếu tình cảm đó đủ lớn, bạn nên chủ động nói chuyện lại và quyết định chia tay với người bạn đời của mình chứ không phải đan xen hai mối quen hệ cùng một lúc để chờ đến khi bạn có thể có quyết định cuối cùng.
Cuộc nói chuyện khó khăn
Khi thời gian “tạm nghỉ” kết thúc là lúc hai người ngồi lại để nói những gì mình nghĩ về mối quan hệ của hai người. Nếu bạn quyết định chấm dứt cuộc hôn nhân, đừng đặt những kỳ vọng sai lầm, hãy nói rõ suy nghĩ của bạn và mong muốn kết thúc trong hòa bình. Đừng để người kia nghĩ rằng nếu anh ấy, hay cô ấy thay đổi thì mối quan hệ của hai người sẽ vẫn tiếp tục. Bạn cũng đừng đổ lỗi cho họ về điều này. Hãy cho anh ấy/ cô ấy biết rằng quyết định này không phải do lỗi của anh ấy/ cô ấy mà đơn giản chỉ vì cả hai không còn hòa hợp với nhau.
Nếu ở lại, ở lại vì tình yêu chứ không phải vì nỗi sợ hãi
Quyết định chấm dứt cuộc hôn nhân chưa bao giờ dễ dàng – đặc biệt là khi bạn vẫn quan tâm đến người kia của mình.
Nếu bạn muốn một cuộc hôn nhân trọn vẹn, hạnh phúc và tràn đầy, bạn phải sẵn sàng chấp nhận thử thách. Duy trì một mối quan hệ chỉ vì sự sợ hãi phải sống một mình, vì bọn trẻ, hay vì bất kỳ lý do nào khác ngoài sự chân thành và tình yêu thật sự sẽ hủy hoại bạn, chồng/ vợ của bạn và cả cuộc hôn nhân giữa hai người.
Nếu bạn thật sự vẫn còn yêu chồng/ vợ mình, hãy can đảm ở lại. Nếu không, hãy can đảm để chia tay.
Hữu Nguyên
Theo Lifehack