Du học sinh làm thêm: Xót cảnh “nhắm mắt làm chui”
Việc làm thêm cho du học sinh Việt ở nước ngoài hiện nay được chia làm hai loại. Loại thứ nhất là làm thêm hợp pháp, làm trong trường. Du học sinh có thể xin đi làm việc ở phòng thư tín, giấy tờ, tại các quán ăn, quán cà phê, hay phụ trách tại các phòng thí nghiệm, đi dạy kèm… Những bạn du học sinh học giỏi, khả năng ngoại ngữ tốt, có thể được đi làm trợ giảng nếu có ấn tượng tốt với nhà trường và thầy cô.
Lưu học sinh tại Bách khoa Tomsk, Nga với công việc sơn ký túc xá.
Tuy nhiên, những công việc làm thêm hợp pháp thường khá ít, nhận được lương thấp, do vậy nhiều du học sinh đã tìm đến những công việc ngoài trường, việc làm “chui”. “Làm chui” thường hấp dẫn sinh viên bởi có thể nhận tiền công ngay khi làm xong, không phải qua các thủ tục giấy tờ rắc rối tuy nhiên có rất nhiều rủi ro.
Lợi bất cập hại
Vì đi làm chui là bất hợp pháp nên hầu hết các chủ sử dụng lao động đều lợi dụng, trả lương thấp hơn quy định và còn “bóc lột”, ra điều kiện phải việc gấp đôi mà không bạn trẻ nào dám phản ánh, vì họ “dọa báo thanh tra”.
Thậm chí nhiều chủ lao động còn không đăng kí, hoặc đăng kí có nhận người làm nhưng chỉ khai báo làm từ 1-2h/ngày. Vì ở nhiều nước, chủ lao động phải đóng thuế 50% khoản tiền họ trả cho sinh viên.
Tại Nga, kể từ 1/1/2014, chính phủ Nga bắt đầu cho phép sinh viên nước ngoài đang theo học chương trình chính quy ở các trường đại học, trường dạy nghề của nhà nước Nga đều có quyền làm việc trên cơ sở quyền lao động.
Mặc dù được cho phép nhưng công việc làm thêm ở Nga không đa dạng, nhiều bạn du học sinh chấp nhận làm chui, không khí hợp đồng lao động, không được hưởng bất cứ quyền lợi lao động nào tại các cửa hàng ăn nhanh với đồng lương ít ỏi 40-50rub/giờ, theo tỷ giá hiện tại thì chưa được 1 USD (21.000 VNĐ) .
Nỗi lo bị trục xuất
Điều lo sợ nhất của du học sinh là bị bắt vì đi làm chui. Mỗi khi thấy có người mặc đồng phục công sở, hay thoáng thấy bóng của cảnh sát, thanh tra vào chỗ làm việc, nói chuyện lâu lâu với chủ quán một chút là các bạn trẻ “tim đập loạn nhịp”.
Một bữa ăn “tạm bợ” giữa các giờ làm thêm của du học sinh tại Nhật
Tại Pháp, nếu du học sinh đi làm không khai báo rất nguy hiểm bởi nếu có thanh tra hay các cơ quan chức năng đến kiểm tra giấy tờ đột xuất, sinh viên có nguy cơ bị trục xuất về nước, thậm chí nếu không hoàn trả tiền vé máy bay trục xuất còn bị cấm quay lại trong 5 năm; chủ sử dụng lao đông có thể bị 3 năm tù giam, nộp phạt 45.000 Euro và đóng cửa tiệm trong vòng 5 năm.
Vì đâu nên nỗi?
Khi đi du học bạn trẻ nào cũng muốn tập trung học hành, sau này về nước có thể giúp đỡ gia đình, phát triển sự nghiệp. Nhưng vì thiếu tiền, hoặc ham kiếm lợi trước mắt và cả thiếu hiểu biết… nên việc các du học sinh đi làm “chui” vẫn rất phổ biến.
Nhà trường cảnh báo những hành vi lừa đảo sinh viên làm thêm tại Nhật
Nhiều trường hợp được các công ty môi giới, công ty tư vấn du học giới thiệu rằng đi nước ngoài học, cụ thể là ở Nhật Bản, có thể kiếm được 40-60 triệu/ tháng . Với mức thu nhập khủng này thì một ngày những bạn theo diện tu nghiệp sinh phải làm 10-14 tiếng, liên tục cả tuần với cường độ công việc vô cùng vất vả. Chưa kể để trả được số nợ vay mượn ở quê để đi du họ, nhiều sinh viên chấp nhận làm chui, làm thêm giờ.
Làm việc với cường độ lớn, thời gian lên lớp là thời gian duy nhất trong ngày để ngủ. Vì thế, nhiều du học sinh chưa bị đuổi về nước vì đi làm chui thì đã bị đuổi về nước vì thành tích học tập kém.
Thế Quyết