Dư âm 20/10: Cử nhân, chuyên viên BĐS cũng đi… bán hoa

Tác giả: coaynoiĐăng ngày: 21/10/2012Lần cập nhập cuối: 31/12/2020

Sinh viên đi bán hoa để kiếm thêm thu nhập cũng như thử tài kinh doanh của mình là hình ảnh dễ thấy tại TPHCM vào các dịp lễ 20/10, 8/3 hay Valentine… Thế nhưng ít ai biết rằng khi đời sống khó khăn, công ăn việc làm khó không ít người là cử nhân hay đã có “thâm niên” trong các ngành nghề khác cũng tranh thủ dịp lễ để mưu sinh.

Cặm cụi tỉa từng bông hoa, bó hoa rồi đứng vẫy tay mời mọc khách mua ở khu công viên Gia Định (Q. Gò Vấp), H cũng như bao người bán hoa khác ở khu vực này. Thế nhưng, ít ai biết cô là cựu SV tốt nghiệp chuyên ngành ngoại ngữ cách đây 2 năm.

Không ít bạn trẻ bán hóa dịp lễ 20/10 là cử nhân đã tốt nghiệp ở các trường ĐH, CĐ. 
Không ít bạn trẻ bán hóa dịp lễ 20/10 là cử nhân đã tốt nghiệp ở các trường ĐH, CĐ. 
Mới đầu, H khá e dè khi nói về mình, chỉ khi cô em bán cùng nói rằng “Bán hoa có gì xấu mà chị phải ngại”, H mới trở nên lởi xởi hơn. Cô cho biết mình ra trường đã được 2 năm 3 tháng nhưng công việc vẫn còn bấp bênh.
 
H từng làm phiên dịch cho một khách sạn ở Q.1 với mức lương ổn định nhưng cũng sớm nghỉ việc vì cắt giảm nhân sự. Hiện H có nhận dịch sách cho một công ty nhưng theo diện “tính đầu sản phẩm”, việc lúc có lúc không với thu nhập dao động chưa đến 2 triệu đồng/tháng.

Thời gian này, H vẫn gửi hồ sơ xin việc đến nhiều nơi nhưng chưa có kết quả. Khá rảnh rỗi, lại đang bí tiền chi tiêu cho cuộc sống nên H đã rủ thêm hai em SV ở cùng phòng trọ hùn vốn đi bán hoa.

“Nếu các em SV đi bán hoa còn để lấy thêm kinh nghiệm thì với mình là để kiếm thêm đồng tiền chi tiêu. Không ai muốn ra trường đã lâu mà có khi vẫn phải xin tiền bố mẹ”, H buồn bã.

Cách chỗ H bán không xa, người đi đường cũng dễ ấn tượng với những bó hoa đẹp mắt do bạn Lê Đức Tình, là cựu SV ngành kế toán của trường ĐH V. Nhờ sự khéo tay nên cửa hàng hoa lưu động của Tình khá đắt khách, chiều ngày 19/10 Tình còn bán hết hoa phải lên chợ Hồ Thị Kỷ lấy thêm để bán vào ban đêm.

Hay cả những nhân viên đã làm việc trong nhiều ngành nghề khác. 
Hay cả những nhân viên đã làm việc trong nhiều ngành nghề khác. 

Theo dự tính của Tình, cậu sẽ kiếm được khoảng 2 triệu đồng trong trong dịp này từ tiền bán hoa, một khoản tiền không nhỏ nhưng Tình vẫn không vui lên nổi. “Em muốn được làm đúng ngành mà mình đã theo học nhưng từ ngày ra trường vì không xin được việc nên làm đủ thứ như chạy bàn, bán hàng, giao hàng và hôm nay thì đi bán hoa thế này để bám trụ ở thành phố”, Tình nói.

Cũng hoàn cảnh như Tình, Nguyễn Tiến An và Trần Công Thắng cùng hùn vốn bán hoa trước công viên Lê Văn Tám (Q.1) cho biết cả hai đã tốt nghiệp trường ĐH H. Một bạn đang việc làm ở nhà hàng, một là cộng tác viên công ty bất động sản, không đến mức chưa có việc làm nhưng cũng rất chông chênh vì thu nhập không ổn định. Thế nên, họ tranh thủ thu xếp thời gian đi bán hoa vào dịp này để kiếm đồng ra đồng vào, nhất là khi có chút tay nghề nhờ trước đây làm thêm ở cửa hàng hoa nên “học lỏm” được.

“Tuy đi bán lần đầu nhưng nhờ có kinh nghiệm tính toán, lên kế hoạch mua bán nên cũng có lãi, có thêm để chi tiêu cho sinh hoạt là vui rồi. Hơn nữa công việc này cũng đem đến niềm vui cho người khác nên rất thú vị”, cả hai lạc quan.

Nam, SV ĐH Ngoại thương tiết lộ, người bán hoa cùng mình là chuyên viên về bất động sản, có nghề hơn 5 năm nay. Gần đây công việc khó khăn, khó kiếm hợp đồng nên anh này thường xuyên ở nhà và luôn trong tình trạng hết tiền, chưa kể công ty đang lại tiếp tục cắt giảm nhân sự, đi xin nơi khác về công việc này thời gian này rất khó.

Thắng làm việc ở nhà hàng, còn người bạn bán cùng anh là làm việc trong ngành bất động sản
Thắng làm việc ở nhà hàng, còn người bạn bán cùng anh là làm việc trong ngành bất động sản

“Từng kiếm được những hợp đồng hàng tỷ nhưng giờ mấy dự án công ty giao toàn bị bê trễ vì không bán được nhà đất. Có khi anh không có nổi trăm ngàn trong người, phải vay tiền đổ xăng”, Nam cho hay. Việc cùng Nam đi bán hoa cũng là để kiếm cho được khoản tiền thanh toán nhà trọ nợ dồn hai tháng nay. 

Cũng chính vì thế khi đứng bán hoa, chuyên viên bất động sản này rất ngại, đeo khẩu trang kín mít và thường lánh mặt khi có đông khách mua vì sợ “đụng” phải người quen.

Kinh tế khó khăn, khi nhiều SV ra trường vẫn còn nhiều thiếu kỹ năng, chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp nên việc khó tìm kiếm việc làm phù hợp thời điểm này rất khó tránh.
 
Trong hoàn cảnh đó, việc làm thêm ngoài chuyên ngành để giải quyết khó khăn trước mắt cần thiết nhưng các chuyên gia lưu ý, không vì thế mà để sao nhãng việc trau dồi thêm các kỹ năng chuyên môn và nắm bắt khi cơ hội đến.

Phương Hà – Hoài Nam