Định mệnh của mỗi chúng ta là phải cô đơn
Bởi vì thà cô đơn còn hơn mắc kẹt trong một mối quan hệ vụng về không đầu không cuối.
Chẳng có sự thừa nhận nào trên đời này đớn đau như phải tự thừa nhận rằng bản thân mình đang cô đơn cả. Theo những gì mà chúng ta đã được nhận thức, một người đáng trọng vọng hay nhân cách tốt sẽ chẳng bao giờ phải chịu cảnh cô đơn, trừ khi họ mới thay đổi chỗ ở đến miền quê hẻo lánh, hoặc chẳng may mất đi người thân yêu.
Và chúng ta ai cũng muốn mình là người tử tế trong mắt mọi người.
Nhưng sự thật là, thường xuyên cảm thấy mình cô đơn ở mức độ cao là một phần không thể thiếu trong cuộc đời của loài người thông minh. Đương nhiên, cái gì cũng có lý do của nó.
Chúng ta ai cũng muốn được nhận thấy, và được công nhận bởi người khác. Chúng ta có quá nhiều thứ cảm xúc và câu chuyện muốn được sẻ chia. Nhưng đó là sự phiền nhiễu đối với xã hội, rất tiếc. Rất nhiều ý tưởng trong đầu chúng ta quá kỳ cục, quá trái ngược với quy chuẩn xã hội, hoặc quá tinh tế, hoặc mang sự trái ngang nhiều đến nỗi việc trưng ra cho người ta xem sẽ không được an toàn. Chúng ta buộc phải đối mặt với sự lựa chọn giữa việc thể hiện bản chất (vốn không phải ai cũng hiểu được) và sự chấp nhận từ cộng đồng và sự thấu hiểu đến từ người khác. Phần lớn chúng ta chọn vế sau: được thấu hiểu.
Việc lắng nghe câu chuyện của một người khác và tiến vào quá trình đồng cảm với tâm lý của họ lúc đó tiêu hao của bạn rất nhiều năng lượng. Chúng ta không nên đổ lỗi cho người ta chỉ vì người ta không quan tâm đến chúng ta. Họ – tức những người xung quanh, có thể muốn gặp gỡ chúng ta, nhưng chúng ta sẽ nên nhận cái nguồn năng lượng của câu chuyện phong ba bão táp đời họ (và luôn là trung tâm của cuộc gặp gỡ giữa bạn và họ) như một sự trao đổi để có được một người bên cạnh mình.
Chúng ta rồi đến lúc chết cũng sẽ chỉ chết một mình mà thôi. Nỗi đau mà chúng ta mang, cũng chỉ mình chúng ta gánh chịu. Những người xung quanh có thể thảy vào nỗi đau ấy những lời động viên khích lệ, chứ họ đâu thể gánh chịu nỗi đau thay chúng ta? Trong cuộc đời tất cả chúng ta, ai cũng như đang lênh đênh trên một cái ghe nhỏ, chìm dần vào xoáy nước trong khi ở bến bờ, mọi người – kể cả những người tốt thật sự đi nữa, chỉ đơn thuần là vẫy tay khích lệ. Không ai có khả năng kéo được chúng ta vào bờ. Tất cả chỉ phụ thuộc vào ý chí nỗ lực mỗi người.
Không có ý muốn làm các bạn tuyệt vọng, nhưng xác suất để chúng ta gặp gỡ được một người được coi là mảnh ghép cuối cùng ta còn thiếu gần như vô vọng. Chúng ta mưu cầu một sự tương hợp hoàn hảo, tuy nhiên kể từ lúc biết đến nhau, giữa tất cả mọi người đã tồn tại sự bất hoà sẵn có. Thời điểm chúng ta có mặt trên cõi đời này chẳng giống nhau. Chúng ta là những “sản phẩm” đến từ các gia đình khác biệt. Trải nghiệm cuộc sống của mỗi người cũng không được dệt nên từ cùng một chất vải. Bởi vậy, đừng hy vọng khi bước ra từ rạp phim, người bên bạn sẽ cùng có một suy nghĩ sâu xa về một chi tiết nhân văn trong cuốn phim ấy. Người ta có khi đơn thuần chỉ muốn chui thật nhanh vào toilet để giải phóng sự tồn đọng đến từ ly nước cỡ lớn được mua trước khi vào rạp.
Ngước mắt lên đêm đầy sao kia, bạn trở nên lãng mạn và hy vọng người bên cạnh cũng sẽ có cùng hành động, và trong cái thời khắc chỉ có đôi ta ấy, bạn muốn người ta lãng đãng thả một câu nói khiến đôi chân mày bạn phải nhướn lên cùng gò má đỏ ừng e ấp. Nhưng không, cùng lúc ấy trong họ miên man những suy nghĩ về một quá khứ đau thương hoặc khung cảnh quán điện tử. Chuyện hai trái tim một suy nghĩ, thường chỉ có trong truyện tranh lãng mạn.
Chúng ta gần như chẳng ai có được cái diễm phúc gặp gỡ người có đầy đủ đức tính cùng phẩm giá như chúng ta mong đợi. Nhưng đúng là họ có tồn tại trên đời đấy. Chỉ là đôi khi họ bước ngang qua đời ta mà chẳng kịp để lại ý niệm gì. Hoặc mới qua đời trong một ngôi nhà lạnh giá trong cánh rừng thông tận bên đẩu đâu hai tuần trước đó. Hoặc đến tận thế kỷ 22, khi mà chúng ta già như quả cà rồi họ mới sinh ra. Thế đấy, xác suất rất là thấp.
Vấn đề đương nhiên sẽ luôn trở nên tệ hơn, nhưng bù lại chúng ta sẽ học được cách thấu hiểu và nhận thức được đà tăng cao hơn. Sẽ không có nhiều người giống-như-ta lượn quanh. Cuộc đời này thực tế chẳng phải một câu chuyện lãng mạn diệu kỳ. Sự cô đơn giống như thứ thuế phí mà con người phải trả để duy trì một trí thông minh vượt trội so với các loài động vật thảnh thơi khác.
Đôi lúc, khát vọng được ngã vào vòng tay một người, được quyện hoà ái ân trở nên lấn át nhu cầu cùng trải qua những cuộc hội thoại ý nghĩa để tìm đến sự thấu hiểu. Thế là chúng ta, bằng một sự ngu ngốc bản năng, trở nên mắc kẹt trong mối quan hệ với những con người chúng ta chẳng buồn để mắt tới, hay mở lòng ra trải một tấm sớ thật dài. Chúng ta thà mê mẩn khuôn ngực đầy đặn kia, hay đôi mắt mở to thô lố trong veo như bát súp cua góc chợ quận Tư. Chúng ta yêu dáng hình, bỏ qua tâm hồn rồi gào thét về sự cô đơn. Nghịch lý.
Thế nên, sao lại phải sợ sự cô đơn nhỉ.
Trong những giây phút cuối đời, cận kề với cái chết, nhà văn lỗi lạc người Đức – Goethe, người mà lúc sinh thời có rất nhiều bạn bè vây quanh, mới cay đắng thốt lên rằng: “Chẳng một ai thật sự hiểu tôi. Tôi cũng chưa bao giờ hiểu thấu ai; và cũng chẳng ai hiểu thấu bất cứ ai cả!”
Một cái nấc nghẹn hữu ích đến từ người đàn ông lỗi lạc của văn học thế giới. Đó không phải lỗi của chúng ta, không phải lỗi của bất cứ ai nếu như họ không thấu hiểu được những cá thể khác. Sự xa cách, sự không thấu hiểu không phải những dấu hiệu cho thấy cuộc đời này đang đi chệch hướng. Thực tế, đó là những điều mà con người nên mong đời kể từ lúc sinh ra. Nghe hơi kỳ cục, nhưng nó cho con người nhiều lợi ích hơn bạn tưởng.
Khi chúng ta chấp nhận sự cô đơn, chúng ta bỗng chốc trở nên thật sáng tạo. Chúng ta biết cách gửi thư thông qua những cái lọ thả ra biển. Chúng ta biết ca hát, biết làm thơ ca, biết viết sách, biết gõ blog, tóm lại là những hành động phát sinh từ việc bất mãn với cuộc đời rằng chẳng ai hiểu mình, nên chính chúng ta buộc phải tự bộc lộ bản thân theo nhiều cách riêng biệt sáng tạo.
Nếu bạn chưa biết, lịch sử nghệ thuật đơn thuần là sự ghi chép về cuộc đời của những con người không thể tìm ra một nửa tri kỉ để có thể chia sẻ tâm hồn. Không khó để bạn đọc được những dòng thơ ai oán rền rĩ trong nỗi cô đơn, hoặc nghe lời nhạc được viết chỉ một vài giờ trước khi tác giả giơ súng lên kết liễu đời mình.
Sự cô đơn khiến chúng ta trở nên mở lòng hơn trong trường hợp có cơ hội tốt ở đâu tìm đến. Nó nâng tầm các cuộc hội thoại của ta, cho chúng ta chiều sâu và một cá tính độc đáo. Chúng ta không phải tua đi tua lại những điều mà người khác nói. Chúng ta tự tìm cho mình một góc nhìn quan điểm. Chúng ta có thể bị cô lập trong sự đơn côi ở thời điểm này, nhưng chính điều ấy cho chúng ta những lợi ích về lâu dài, chính là sự tôi dũa tâm hồn đó.
Bạn đừng buồn vì người ta nói bạn cô đơn. Chính những người ấy cũng cô đơn đó. Nhiều năm sau, những thành viên trong các hội nhóm dường như chẳng bao giờ phải ở một mình, luôn cười tươi rạng rỡ kia có khi sẽ bắt chuyện với bạn, trong sự hoảng hốt lạ kỳ, rằng họ luôn cảm thấy mình bị hiểu lầm. Tình bằng hữu và tiếng cười hào sảng không nhất thiết là minh chứng cho câu trả lời mà họ đã tìm ra; nó là bằng chứng cho thấy họ cũng đang tuyệt vọng giấu đi sự thật đau buồn rằng chính họ cũng cực kỳ đơn côi.
Sự cô đơn rèn cho chúng ta cái duyên dáng và cuốn hút lạ kỳ. Nó gợi mở về một thế giới diệu kỳ ẩn giấu bên dưới cái độc lập của chúng ta; thay vì chỉ đơn giản là tham giao vào quá trình giao tiếp tầm thường giữa người và người – về những câu chuyện tầm phào không đầu chẳng cuối. Sự nhận thức về cô độc, thực tế là phản ứng của con người trước nỗi sợ bản thân trở nên cao ngạo bốc phét, chính là một dấu hiệu cho thấy bạn có chiều sâu tâm hồn. Khi chúng ta chấp nhận rằng bản thân cô độc, chúng ta như đặt bút ký vào thẻ hội viên của một câu lạc bộ nơi người ta hiểu thế nào là nghệ thuật đương đại, từng lớp lang ý nghĩa ẩn sau bức tranh nàng Mona Lisa. Một cách đơn độc, chúng ta tìm thấy bản thân mình đang được vây quanh bởi những con người cũng đơn độc như mình.
Thà chịu đựng sự cô đơn còn hơn cố gò mình trong một mối quan hệ không thực sự tương thích. Cảm giác này, đơn giản là cái giá mà ta phải trả để giữ những tiêu chuẩn về sự chân thành, sự tận tâm mà một mối quan hệ cần phải có. Mối quan hệ đẹp là mối quan hệ xứng đáng để đợi chờ. Trong sự cô đơn.
AgenT.P/Theo Trí thức trẻ