Điều trị bằng thuốc ARV cho người nhiễm HIV – Một mũi tên trúng nhiều đích
AIDS là bệnh mạn tính do HIV gây ra. HIV phá huỷ các tế bào của hệ miễn dịch – tức hệ thống đề kháng của cơ thể, khiến cơ thể không còn khả năng chống lại các vi-rút, vi khuẩn và nấm gây bệnh. Do đó bệnh nhân dễ dàng mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội mà bình thường cơ thể có thể đề kháng được như: lao, viêm phổi, viêm gan B, nấm… khiến tình trạng sức khoẻ ngày càng suy yếu, tăng cao nguy cơ tử vong.
ARV – hiệu quả cao
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo sử dụng thuốc ARV trong nhiều hình thức điều trị HIV/AIDS từ những năm 1990. Bác sĩ Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Bệnh viện 09 Hà Nội cho biết, ở Việt Nam, thử nghiệm điều trị HIV bằng thuốc ARV cũng bắt đầu trong khoảng thời gian này. Đến năm 2004 với sự hỗ trợ tài chính của các tổ chức nước ngoài, thuốc ARV được cấp phát rộng rãi và miễn phí ở các cơ sở y tế và bệnh viện có khám chữa HIV/AIDS.
Theo Hướng dẫn của Bộ Y tế, người nhiễm HIV khi tới các cơ sở điều trị này được chỉ định điều trị bằng thuốc ARV dựa vào tình trạng lâm sàng và số lượng tế bào CD4. Bệnh nhân điều trị bằng thuốc ARV ngay khi phát hiện mà không cần dựa vào số lượng CD4 cho tất cả trẻ em dưới 5 tuổi, phụ nữ nhiễm HIV đang mang thai hay đang cho con bú, người có bạn tình hay vợ/chồng là người âm tính, bệnh nhân đồng nhiễm với viêm gan B nặng, người nhiễm HIV là người tiêm chích ma tuý, phụ nữ hành nghề mại dâm, người có quan hệ tình dục đồng giới nam và những người sống ở vùng sâu vùng xa.
Bác sĩ Mai Thị Hường, Phó trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện 09 cho biết, trên thực tế, nếu được điều trị sớm và tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị thì chỉ sau 6 tháng, các bệnh nhân đã có thể cải thiện tốt hệ thống miễn dịch; sức khỏe tốt, ổn định; cơ thể tăng 5 – 7kg; hồi phục sức lao động, có thể tiếp tục công tác, đóng góp cho xã hội. Hiệu quả của thuốc ARV còn giúp giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng cơ hội; góp phần giảm nguy cơ lây lan ra cộng đồng, giảm tỉ lệ tử vong trên trẻ nhỏ nhiễm HIV, dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, có khả năng sinh con khỏe mạnh không nhiễm HIV từ mẹ.
Bài toán tài chính nan giải
Theo số liệu từ Cục Phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam, tính đến tháng 6 năm 2015, Việt Nam đã có gần 98.000 người đang điều trị bằng thuốc ARV bao gồm cả người lớn và trẻ em. Đa số người nhiễm HIV điều trị ARV ngoại trú tại các cơ sở y tế đến từ các trung tâm giáo dục, các trại giam hoặc người nghèo. Họ thường không có công ăn việc làm ổn định, do bị kỳ thị hoặc cơ thể quá yếu, không có khả năng tự lao động nuôi sống bản thân và chi trả tiền thuốc. Bác sĩ Mai Thị Hường cho biết, đối với những bệnh nhân nhiễm HIV chưa được tham gia điều trị ARV mà có điều kiện tài chính tốt, họ phải tìm cách mua thuốc ARV ở Thái Lan với giá trên 3 triệu đồng/tháng và thường phải mua lượng thuốc đủ cho ít nhất 3 tháng mỗi lần mua để tiết kiệm chi phí đi lại.
Chi phí ước tính cho một bệnh nhân điều trị bằng ARV hiện nay khoảng 10.000 đồng/ngày. Tuy nhiên đối với những bệnh nhân HIV phần lớn có hoàn cảnh khó khăn, việc chi trả 300.000 đồng/tháng cho thuốc ARV đã là một khoản tiền quá lớn. Họ đang phụ thuộc hoàn toàn vào các nguồn tài trợ quốc tế để nhận thuốc ARV miễn phí. Số người nhiễm HIV chưa được tham gia điều trị ARV miễn phí vẫn đang trông chờ nguồn tài trợ mở rộng thêm. Trong khi đó, các nguồn tài trợ quốc tế cho thuốc ARV đang trong lộ trình cắt giảm và sẽ kết thúc hoàn toàn vào năm 2017.
Nếu Chính phủ không phân bổ nguồn ngân sách TƯ và địa phương cho mua thuốc ARV kịp thời bù đắp vào phần thiếu hụt kinh phí, phần lớn các bệnh nhân nhiễm HIV đang điều trị sẽ có nguy cơ không được tiếp tục điều trị. Điều có thể dẫn đến mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội và tử vong, ngoài ra do không được điều trị liên tục có thể dẫn đến nguy cơ HIV kháng thuốc ARV, dẫn đến chi phí càng tăng cao cho các phác đồ điều trị bậc cao hơn. Điều đáng lo hơn nữa là nguy cơ HIV kháng thuốc ARV bùng phát thành dịch kháng thuốc trong cộng đồng, khi đó dịch HIV càng có nguy cơ mất kiểm soát.
Cần đầu tư tài chính
Trong tương lai gần, với những cam kết quốc tế về phòng chống HIV/AIDS, Việt Nam cần chủ động phân bổ nguồn Ngân sách Nhà nước đầu tư mua sắm thuốc ARV nhằm tiếp tục điều trị ARV cho các bệnh nhân cũ, mở rộng cho các bệnh nhân đang chờ được điều trị ARV và kêu gọi nguồn lực tài chính từ địa phương cùng chung tay với Chính phủ trong công tác chi trả cho thuốc ARV trước mắt để bù đắp thiếu hụt cho nguồn thuốc do viện trợ quốc tế cắt giảm. Về lâu dài, việc đảm bảo tài chính cho thuốc ARV điều trị cho người nhiễm HIV cần được Chính phủ xây dựng lộ trình với những giải pháp tổng thể.
Đầu tư tài chính cho ARV giúp bệnh nhân HIV/AIDS yên tâm tiếp tục điều trị đúng phác đồ ARV; giúp ổn định tâm lý cộng đồng và giảm tỉ lệ lây lan HIV/AIDS; giúp Việt Nam thực hiện đúng và đầy đủ các cam kết quốc tế, nâng cao uy tín vị thế quốc gia trong nỗ lực phòng chống HIV/AIDS. Điều trị ARV cho người nhiễm HIV/AIDS thực sự là một mũi tên trúng nhiều đích.
Theo Hương Mai
(Lao Động)