“Điểm hẹn hò” của giới mê xe cổ
Sự kiện đã giới thiệu đến công chúng các dòng xe cổ hiếm có, độc đáo, lạ mắt, đồng thời tạo sân chơi để kết nối các hội viên có niềm đam mê xe cổ, chia sẻ những hình ảnh đẹp của người chơi xe cổ cùng “xế cưng” của mình, qua đó giúp du khách có cơ hội tham quan, thưởng lãm.
Một khu phố xe cổ Sài Gòn xưa được tái hiện ngay khu sân khấu với hàng chục xe hơi cổ lạ, độc đáo được quy tụ về từ các CLB xe cổ TPHCM. Du khách có thể ngắm xe, chụp ảnh miễn phí với các xe cổ.
Đây cũng là dịp gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ những hình ảnh, kỷ niệm giữa chủ nhân với xế cổ của mình trên những hành trình phượt đầy lãng mạn, qua đó để du khách và công chúng có dịp tham quan thưởng lãm, với rất nhiều hoạt động diễn ra tại ngày hội.
“Khi vào cua, lực ly tâm sẽ dồn sang bên trái nên rất dễ lật xe, do đó người điều khiển xe Sidecar khi vào cua phải nghiêng người sang bên phải một chút để bù cho trọng lực bị mất khi dồn sang trái, như vậy sẽ đảm bảo an toàn hơn cho bạn khi vào cua. Ngoài ra, cái khó xe này nằm ở hệ thống điện và khi nóng máy rất dễ cháy bugi.
Vì vậy, loại xe này chỉ chạy đoạn đường ngắn ở địa hình rừng núi. Bây giờ, người chơi đã cách tân và chế tạo sang hệ thống điện bán dẫn giúp cho chiếc xe có thể chạy được những cung đường dài từ Bắc vào Nam”, một tay chơi xe Ural chia sẻ.
Tất cả xe tham gia đoàn diễu hành được chọn lọc có niên đại từ 1965 trở về trước và sử dụng nhiên liệu ít thải khói để không ảnh hưởng đến bầu không khí trong lành của công viên.
Phải có niềm đam mê thực sự, người phục chế xe cổ mới có đủ sự kiên nhẫn theo đuổi công việc “cải lão hoàn đồng” cho những chiếc xe có tuổi đời có khi gấp đôi tuổi mình.
Anh Long Huỳnh, người phục chế xe cổ đã có những trải lòng về công việc thú vị này. “Khi báo có xe, nhìn hình gửi về thôi là đã mất ngủ rồi. Xe về đến, có những đêm tôi ngồi ngắm đống sắt hoen rỉ ấy đến sáng mà không biết chán, nhiều khi vợ cũng ghen tỵ với bọn chúng”, anh Long Huỳnh chia sẻ.
Nói công việc này cần sự kiên nhẫn quả thực không ngoa, có nhiều chi tiết linh kiện không còn, người chơi phải tìm đủ cách để chế lại cho giống nguyên bản. Có những chi tiết rất nhỏ như con ốc, lông đen, logo… mất hàng tháng trời, gõ cửa nhiều nơi mới hoàn thành được.
Khoảng cuối thập niên 70, số lượng xe lam hoạt động ở Sài Gòn và các vùng lân cận lên tới con số hàng chục nghìn chiếc, góp phần chủ lực cho hoạt động vận chuyển hành khách. Khi ấy, loại phương tiện 3 bánh này tồn tại gồm 2 loại: xe lam thổ mộ và Lambro.
Hai chiếc xe là hình ảnh đại diện của những dòng xe độc lạ thuộc thể loại 3 bánh. Chiếc Vespa 3 bánh trở nên lạ mắt, khiến nhiều du khách tò mò vì lần đầu tiên nhìn thấy kiểu dáng xe Vespa này.
“Dân chơi xe đến đây nhìn là nhận ra ngay vì ai cũng lộ ra chữ ‘ghiền xe cổ’ trên mặt”, một người chơi có xe mang đến trưng bày chia sẻ.
Nhìn bên ngoài chưa đã, nhiều khách tham quan có máu đam mê xe cổ còn xin chủ nhân mở ra cho xem “công nghệ” bên trong làm nên động cơ vận hành. Tại vị trí chiếc Mercury Cougar 1968, nhiều du khách không thể rời mắt khi người chủ vận hành động cơ của nó với những tiếng nổ uy lực.
Theo ông Hà Thuận An, Trưởng ban tổ chức Ngày hội xe cổ Sài Gòn, ý tưởng này xuất phát từ niềm đam mê của những người chơi xe cổ. Sau khi thấy ở một số quốc gia trên thế giới luôn có một ngày hội văn hoá riêng, tổ chức thường niên dành cho các cá nhân, hội nhóm chơi xe cổ, ông Hà Thuận An cùng một số người chơi xe đã lên ý tưởng tổ chức Ngày hội xe cổ Sài Gòn. Đây là năm thứ 2 liên tiếp Ngày hội xe cổ Sài Gòn được tổ chức.
“So với lần đầu tiên thì số lượng, chất lượng xe tham gia Ngày hội xe cổ Sài Gòn lần 2 cũng cao hơn”, ông Hà Thuận An chia sẻ thêm.
Theo anh Lưu Vũ Nhân Bản, ngụ quận 10 thì việc chơi những dòng xe cổ đòi hỏi người chơi phải có kỹ năng cũng như chuyên môn để có thể xử lý, bắt bệnh, tự sửa chữa…
Theo một tay chuyên chơi đồ linh kiện tại lễ hội, những món linh kiện ngày thường buôn bán nằm lăn lóc dưới đất, không ai để ý. Nhưng một khi đã có người cần thì những món linh kiện đó quý như “vàng”.
Theo giới chơi xe cổ, tìm kiếm và đặt hàng linh kiện là khâu đau đầu nhất trong quá trình phục hồi một chiếc xe có tuổi thọ vài chục năm. Một chiếc xe cổ gắn trên mình những linh kiện nguyên bản là một trong những cách thể hiện đẳng cấp cũng như sự nghiêm túc với thú chơi lắm công phu.