Đi cùng “graffiti” Việt
Đam mê mới, sân chơi mới
“Sự nghiệp sơn xịt – vẽ hè phố” của Minh Trí (Trường Bách khoa Aptech, TPHCM) và nhóm bạn là một kỷ niệm “đau thương” khiến cả nhóm nhớ mãi. Vốn có chút “máu mê” về hội họa, thêm một lần xem chương trình truyền hình quốc tế, thấy trường phái nghệ thuật mang tên graffiti với những hình vẽ nghệ thuật với cách thức phối cảnh, pha màu vô cùng phóng khoáng, nên Minh Trí và nhóm bạn cũng học cách “sơn xịt – vẽ” ngoài hè phố và bị dân phòng túm về phường vì “tội vẽ bậy”.
Thấy con đam mê graffiti quá mà chơi ngoài đường thì bị đuổi, nên ba mẹ Trí cho cậu cùng nhóm bạn một bức tường trong nhà để… sáng tác nghệ thuật. Vẽ xong lại mua vôi trắng về xóa sạch rồi… vẽ tiếp.
Theo Trí, phong trào graffiti đã lan rộng trong giới trẻ trong nước. Ở TPHCM có hàng chục nhóm như “B Crew” đều là dân học đại học mỹ thuật, “145 Crew”, GraFoce, Swatcrew, Simplecrew… lại là những cô cậu học sinh THPT đam mê màu sắc.
Còn ở Hà Nội phong trào graffiti cũng lớn mạnh không kém với: Street Jockey, Devil Day (D2), S5, B.S.P, Toy.inc, THAN…; Kid of Night (KON), Nam Định, Đà Nẵng cũng có graffiti… nhưng hầu hết đều tự học trên mạng, học hỏi lẫn nhau là chính. Quang Minh (nhóm Simple) tâm sự: “Tôi chưa được học cách pha, phối màu, kỹ năng sơn xịt nhưng vẽ riết quen tay nên cũng tạm ổn”.
Theo những thành viên graffiti Việt Nam, những ngày đầu du nhập vào, graffiti gặp nhiều khó khăn, thậm chí còn bị cho là “bụi đời”, thế nhưng cuối năm 2005 một ngày hội vẽ tranh tường cho dân graffiti từ khắp ba miền do Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội tổ chức như một lời thừa nhận chính thức.
Nhiều nhà tổ chức sự kiện cũng bắt tay vào tạo những sân chơi cho các nhóm graffiti như “Ngày hội tuổi trẻ Yamaha”, “Những bước nhảy 2006”, “Fantadzui”… đều mang lại sự thu hút rất lớn bởi tính sáng tạo của nó.
Không chỉ là trào lưu
Thành viên nhóm Exit đang hoàn thành tác phẩm của mình tại Đà Nẵng.
“Chúng tôi không muốn người ta nhìn graffiti là thứ văn hóa đường phố. Phải liên kết lại để có một graffiti mang hồn Việt”, Nguyễn Đức Thịnh – trưởng nhóm “B Crew”, sinh viên năm 5 Trường ĐH Mỹ thuật TPHCM – chia sẻ.
Nhóm “B Crew” của Thịnh đã thực hiện nhiều chương trình khá qui mô như tham gia triển lãm nghệ thuật đương đại “Nghệ sĩ trẻ” tại công viên Văn Thánh cuối tháng 4/2006 với hai tác phẩm “Young” và “Sống”, tổ chức triển lãm đường phố trên đường Nguyễn Chí Thanh (Q.5) không chỉ thu hút các bạn trẻ yêu nghệ thuật đường phố mà còn được Đài truyền hình Việt Nam (VTV3) đến thu hình. Hiện cả nhóm đang chuẩn bị sang Campuchia giao lưu trong một chương trình nghệ thuật quốc tế.
“Tụi mình sẽ nuôi graffiti bằng chính graffiti” – Hoàng Thành, Quang Minh của nhóm Simple khẳng định như thế. Nhiều bạn trẻ đã tìm đến Thành và Minh để nhờ vẽ lên quần áo, giày dép với chi phí 40.000 – 80.000 đồng tùy chất liệu sản phẩm và độ khó của nét vẽ. Nhiều quán cà phê cũng tìm đến các nhóm graffiti nhờ trang trí nhằm tạo phong cách “không đụng hàng”.
Dân graffiti đang vận động với nhau trên các trang web: www.viethiphop.com, www.graffiti.org cùng hướng tới phương châm hoạt động: đưa phong cách nghệ thuật đường phố này mang đậm văn hóa Việt.