ĐBSCL: Làm sao để thanh thiếu niên tránh xa tệ nạn ma túy? (P2)
Đánh giá chung về công tác phòng, chống ma túy trong lứa tuổi thanh thiếu niên ở Cụm số 10 (gồm: TP Cần Thơ, An Giang, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau), anh Đào Chí Nghĩa- Bí thư Thành Đoàn TP Cần Thơ cho biết, trong 3 năm qua, việc phối hợp giữa lực lượng công an và tổ chức Đoàn TNCSHCM (Nghị quyết liên tịch số 03 (NQLT03) đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn bộc lộ những hạn chế nhất định.
Theo Bí thư Thành Đoàn Cần Thơ, việc triển khai NQLT03 ở một số nơi còn chậm, thực hiện hình thức nên chưa phát huy hiệu quả. Trong đó, còn một bộ phận cán bộ đoàn và đoàn viên thanh niên có nhận thức rằng công tác phòng, chống ma túy là trách nhiệm của lực lượng công an nên chưa tích cực tham gia.
Ban chỉ đạo NQLT03 TP Cần Thơ nhấn mạnh, lực lượng thanh niên là lao động chính trong xã hội, là tương lai của đất nước. Vì vậy, bảo vệ lực lượng này trước sự xâm hại của các tệ nạn xã hội, trong đó có ma túy là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng.
Ban chỉ đạo NQLT03 tỉnh Kiên Giang cho biết, xác định rõ đối tượng dễ bị kích động, lôi kéo vào con đường ma túy là tầng lớp thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, do đó tỉnh tập trung công tác phòng ngừa vào loại đối tượng này.
Theo đó, Ban chỉ đạo đã phối hợp với các trường THCS, THPT,… tổ chức cho hàng chục ngàn lượt học sinh, sinh viên cam kết không sử dụng, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy và không dung túng, bao che cho tội phạm và tệ nạn ma túy.
Kinh nghiệm mà tỉnh Kiên Giang đưa ra là để công tác này đạt hiệu quả thì cần có sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền; thường xuyên đổi mới phương pháp, hình thức tuyên truyền, đặc biệt là chọn những cán bộ nồng cốt, có năng lực trong công tác vận động thu hút được đông đảo thanh thiếu niên tham gia; củng cố các mô hình hay và thường xuyên gần gũi, chia sẻ, giúp đỡ người cai nghiện hòa nhập cộng đồng;…
Còn Ban chỉ đạo NQLT03 tỉnh Sóc Trăng thừa nhận, do công tác tuyên truyền thời gian qua chủ yếu lồng ghép, thực hiện theo thời điểm chứ chưa thường xuyên nên hiệu quả chưa cao; hình thức tuyên tuyền chính bằng miệng nên chưa thu hút nhiều sự theo dõi, quan tâm của thanh thiếu niên.
Trong khi đó, việc tiếp cận các đối tượng nghiện ma túy để vận động, cảm hóa, giáo dục gặp nhiều khó khăn do đối tượng và gia đình không hợp tác hoặc bỏ địa phương đi nơi khác. Số người sử dụng ma túy tăng, đang trẻ hóa và lan rộng về nông thôn, xâm nhập vào học đường, với sự xuất hiện của nhiều loại ma túy mới nguy hiểm nên khó quản lý.
Bí thư Tỉnh Đoàn Bạc Liêu nói về tệ nạn ma túy
Đại diện Ban chỉ đạo NQLT03 tỉnh Bạc Liêu, anh Ngô Vũ Thăng- Bí thư Tỉnh Đoàn Bạc Liêu cho rằng, việc trang bị cho các em học sinh, sinh viên những kỹ năng cần thiết để biết xử lý tình huống khi bị dụ dỗ, lôi kéo sử dụng ma túy, kiến thức cơ bản về tác hại của ma túy sẽ giúp các em chủ động tránh xa ma túy.
Theo anh Thăng, vừa qua, tỉnh này đã tổ chức 3 cuộc thi phòng, chống ma túy xâm nhập học đường cho các em học sinh ở một số trường THPT. Cuộc thi bên cạnh trang bị kiến thức chung về ma túy, còn phản ánh những câu chuyện có thật, từ đó xác định được trách nhiệm của cá nhân, gia đình, nhà trường trong phòng chống ma túy.
Trong công tác phòng, chống tội phạm về tệ nạn ma túy, các địa phương trong cụm số 10 đã cho ra đời nhiều mô hình, sáng kiến hiệu quả.
Anh Đào Chí Nghĩa- Bí thư Thành Đoàn TP Cần Thơ cho biết, hiện nay, mỗi tỉnh, thành đều duy trì hàng chục mô hình hoạt động, như: Mô hình giáo dục “Khi tôi 18”, Câu lạc bộ “Tuổi trẻ với pháp luật”, Câu lạc bộ “Thắp sáng niềm tin, Câu lạc bộ “Bạn giúp bạn”, Mô hình “Trường học thân thiện, không ma túy”, Hoạt động “Tìm địa chỉ đen”, Mô hình “4 + 1”,…
Tuy nhiên, ngoài những mô hình nói trên, thì một thực trạng hiện nay là nhiều nơi chưa có điều kiện hỗ trợ tốt việc tái hòa nhập cộng đồng, giải quyết việc làm cho một bộ phận thanh thiếu thiên, cũng như cho người sau cai nghiện,… dẫn đến tình trạng sa vào ma túy, tái nghiện vẫn còn xảy ra.
Do đó, theo các địa phương, cần tăng cường trong việc giúp đỡ, cảm hóa thanh thiếu niên chậm tiến, sau cai nghiện sớm hòa nhập cộng đồng, với việc có những cơ chế, chính sách, hỗ trợ vay vốn, dạy nghề, giới thiệu việc làm,… nhằm giúp các đối tượng này xóa bỏ mặc cảm, từng bước phấn đấu vươn lên thành người có ích cho gia đình, xã hội.
Huỳnh Hải