“Dạt vòm”
“Phải có bãn lĩnh chứ!”
Đó là lời phát biểu đầy tính tự hào của M.Huy* (lớp 9, trường THCS CVA). Huy vừa gây một chấn động lớn trong ngôi trường làng nằm ở ngoại ô thành phố này. Lợi dụng sự sơ hở và giám sát lỏng lẻo của cha mẹ, Huy đã lấy trộm của gia đình 25.000.000 để trong két sắt. Số tiền này được Huy chia thành nhiều phần, mỗi phần gồm 4.000.000 đến 5.000.00 và chia cho một nhóm bạn trong lớp. Nhóm bạn này đã lên kế hoạch bỏ học, đón xe buýt ra thành phố Đà Nẵng, ở khách sạn vài tuần và “chơi cho đã”. M.Huy đã đưa số tiền 500.000 cho một bạn nữ cùng lớp mua sắm vài tư trang cần thiết cho cả nhóm.
Sáng hôm ấy, M.Huy vẫn đến trường học nửa tiết đầu để quan sát tình hình rồi bỏ tiết, trở về nhà định lấy thêm “một vài triệu nữa” để phòng thân. Không may cho Huy, cô chủ nhiệm vì không thấy nhóm bạn Huy đến lớp đã điện thoại về cho phụ huynh và tỏa đi tìm kiếm.
Sau hơn nửa tiếng lùng sục khắp thành phố, các bậc phụ huynh đã tóm cổ được những “ông tướng nổi loạn” trên Cầu mới (đường Hùng Vương) đang chuẩn bị đón xe. Huy và nhóm bạn đã khai nhận chi tiết kế hoạch của mình và hoàn trả lại 24.500.000, vì 500.000 đã nhờ một bạn nữ mua tư trang cho cả nhóm. Và M.Huy đang chờ một hình phạt đích đáng từ gia đình cũng như nhà trường cho “bản lĩnh” của mình…
Tâm sự của người trong cuộc
Trải qua một lần dạt vòm vào tận Sài Gòn, C.Tuấn* (đang ở trọ, học lớp 10 tại một ngôi trường nổi tiếng tại thành phố Tam Kỳ – Quảng Nam) vẫn còn cảm thấy ngượng ngùng khi kể lại câu chuyện của mình. “Vào đầu năm học, được mấy tuần, mình bỗng cảm thấy chán nản, chẳng muốn học gì cả, chỉ muốn đi làm thôi. Một phút bốc đồng, mình chuẩn bị quần áo và đón xe vào Sài Gòn để tìm việc làm và cũng tiện thể… tham quan thành phố này một lượt.
Vào đến nơi, mình đi mãi mà chẳng ai muốn thuê một thằng nhóc gầy còm chỉ quen cầm bút như mình. Vừa hoảng loạn, vừa đói bụng mình chả biết làm thế nào. Vét sạch tiền trong túi để gọi một cuộc về nhà để cầu cứu bố… Một lần thôi mình cạch đến già”, Tuấn thật thà thuật lại câu chuyện của mình.
Không đi đâu xa, dạo quanh các quán net trên điạ bàn thành phố Tam Kỳ cũng thấy rõ tình trạng này. Luôn luôn có một nhóm teen ngủ vật vờ trước cửa tiệm sau một đêm “cày games ra trò”. “Về nhà làm gì, có ai biết mình đi đâu”, B.Duy* (16 tuổi) tâm sự. Bố của Duy đạp xe ba gác cùng mẹ tại chợ Tam Kỳ. Duy đã bỏ học được khoảng 2 năm và trong khoảng thời gian ấy, quán net là nhà của Duy.
“Không chỉ có những đứa nhà nghèo như tụi mình, có cả những đứa nhà giàu cực kì nữa. Tụi nó giận ba mẹ nên bỏ ra đây”, vừa nói, Duy vừa chỉ tay về phía hai cô bạn ăn mặc cực kì mô-đen, tay đang hí hoáy nhắn tin. “Tụi nó có nhà, có ba mẹ quan tâm mà không về, còn mình, có nhà cũng như không…”, tiếng Duy nghẹn ngào.
Kết
Chỉ vì một phút nông nổi, muốn chứng tỏ mình hay chỉ để dọa cha mẹ, nhiều teen Tam Kỳ đã chọn cách này. Chưa được trang bị những kiến thức cần thiết, teen sẽ dễ dàng sa vào những cạm bẫy giăng sẵn mà không hề hay biết. Đã đến lúc, các bậc phụ huynh cần phải giám sát và quan tâm đến con mình nhiều hơn. Còn teen, hãy bình tĩnh và tìm cho mình cách giải quyết thật tỉnh táo. Đừng phạm sai lầm để rồi phải hối tiếc.
(*: tên nhân vật trong bài đã được thay đổi)
Theo Trần Minh
Mực Tím