Đánh ghen: Từ nạn nhân thành tội phạm
“Ngứa ghẻ, đòn ghen”…
Đầu tháng 10 vừa qua, một đoạn clip ghi lại hình ảnh một người vợ đánh ghen tình nhân của chồng được tung lên mạng đã nhận được hàng nghìn lượt like và chia sẻ chỉ trong một thời gian ngắn. Trong clip này, người vợ liên tục truy hỏi “tình địch” lý do nhắn tin, gọi điện thoại cho chồng cô ta. Khi cô gái chối cãi lập tức bị người vợ này túm tóc, cầm ghế đánh đập, lôi ra đường xé áo, bắt quỳ, trước sự can ngăn, chứng kiến, bàn tán của nhiều người xung quanh.
Trước đó, một clip về vụ đánh ghen diễn ra giữa ban ngày cũng thu hút sự quan tâm của dư luận. Nhân vật chính trong clip là một người phụ nữ khi đang tham gia giao thông trên đường đã đột ngột nhảy lên nắp capo xe ô tô, yêu cầu lái xe dừng và mở cửa. Nguyên nhân là bên trong xe có chồng người phụ nữ đó và cô gái được cho là “bồ” của anh ta. Sau một hồi cố thủ trong xe, người đàn ông buộc phải mở cửa. Ngay lập tức, người phụ nữ này lao vào tấn công ông chồng, còn cô gái kia tranh thủ lúc hỗn loạn lao ra khỏi xe “cao chạy xa bay”.
Sau khi được đăng tải trên mạng, những clip trên đã nhận được nhiều quan điểm trái chiều. Bên cạnh những ý kiến đồng tình với hành động của người vợ, lên án thói trăng hoa của các ông chồng, thì cũng có không ít người phản đối việc làm này vì cho rằng chẳng khác nào vạch áo cho người xem lưng.
Không chỉ đánh ghen đơn lẻ, hiện trên mạng xã hội còn xuất hiện cả những hội rủ nhau đánh ghen, chia sẻ các chiêu bài đánh ghen, thậm chí còn có cả dịch vụ “đánh ghen thuê”. Điều đáng nói là, hầu hết người đi đánh ghen không hiểu biết đầy đủ về hậu quả việc làm của bản thân, trong khi đó, thực tế đã có một số đối tượng tham gia đánh ghen phải trả giá khá đắt (bị phạt tiền, phải ngồi tù). Cách đây không lâu, TAND TP Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) đã tuyên phạt bà Lê Thị Tuyết (43 tuổi, ở TP Thủ Dầu Một) 6 tháng tù về tội “Làm nhục người khác”. Theo cáo trạng, do nghi ngờ bà B có quan hệ với chồng mình, bà Tuyết đã lăng mạ, lột quần áo của bà B ngay giữa đường, dùng điện thoại chụp hình và quay clip rồi phát tán trên mạng.
Trước đó, tại huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội, Lê Thị Kiều Lan có quan hệ yêu đương với Ngô Mạnh Hùng và thú nhận trước đây từng vượt quá giới hạn với Nguyễn Văn V. Hùng nổi cơn ghen nên gọi điện cho V hỏi cho ra nhẽ. Qua điện thoại, V đã nói với Hùng những lời lẽ xúc phạm Lan. Vì vậy, Lan và Hùng đã bàn bạc, mua thuốc nổ chế một quả mìn gắn bên trong chiếc đài bán dẫn rồi mang đến lừa đưa cho vợ V. Khi em trai V mở gói quà, quả mìn đã phát nổ khiến nạn nhân tử vong tại chỗ. Vợ V cùng đứa con 2 tháng tuổi cũng tử vong sau đó, 1 người cháu có mặt lúc xảy ra sự việc bị thương tật trên 90%. VKSND TP Hà Nội đã ra cáo trạng truy tố Hùng về 2 tội “Giết người” và “Chế tạo sử dụng, mua bán trái phép vật liệu nổ”, Lan bị truy tố về tội “Giết người”.
Từ nạn nhân trở thành tội phạm
Theo Tiến sỹ tâm lý Trần Tuấn, những người đánh ghen do họ quá tức giận nên thường “mất khôn”. Lúc quay và tung các clip lên mạng, họ nghĩ mình là nạn nhân nên đương nhiên có quyền được thông cảm, chia sẻ. Họ không hiểu rằng khi công khai những hình ảnh này, uy tín, đạo đức cá nhân của chính họ cũng bị ảnh hưởng xấu. Đáng buồn là trong một số vụ đánh ghen, người vợ còn lôi kéo thêm sự tham gia của bạn bè, người thân nên khi xảy ra hậu quả nghiêm trọng, họ hối hận thì đã muộn.
Điều đáng nói là, trào lưu đánh ghen hội đồng, đánh ghen thuê hiện nay không đơn giản chỉ là sự sẻ chia, thông cảm giữa những người cùng cảnh ngộ mà còn nhằm thỏa mãn tâm lý lệch lạc của một số người. Dù họ không phải là nạn nhân nhưng lại thích chứng kiến cảnh người khác bị đánh đập, nhục mạ nên luôn có lời nói, hành động hưởng ứng, cổ vũ. Một số khác lại thu lợi không nhỏ từ việc “đánh ghen thuê”. Theo luật sư Kiều Hoài Nam, khi người phụ nữ đánh ghen đơn lẻ hoặc đánh ghen hội đồng, từ chỗ là nạn nhân, họ có thể biến mình thành người phạm tội.
Điều 104, Bộ luật Hình sự quy định: “Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ tệ thương tật theo quy định… thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng-3 năm. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ 10 – 20 năm hoặc tù chung thân”. Còn theo quy định về “Tội làm nhục người khác” thì: “Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ, hoặc phạt tù từ 3 tháng-2 năm… Người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Giết người nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm”.
“Đánh ghen là lựa chọn thiếu sáng suốt, nó không chỉ đẩy các cuộc hôn nhân đến vực thẳm mà còn có thể dẫn đến nhiều hậu quả pháp lý khó lường. Do vậy, không nên vì một vài phút nóng giận, vì những kẻ không xứng đáng mà phải đánh đổi cả danh dự, tương lai của chính mình. Hạnh phúc không thể trở lại từ những cuộc đánh ghen đầy bạo lực” – Tiến sỹ Trần Tuấn đưa ra lời khuyên.
Theo An ninh Thủ đô