Đặng Thùy Trâm – Nỗi “ám ảnh” của thế hệ trẻ

Tác giả: coaynoiĐăng ngày: 21/03/2006Lần cập nhập cuối: 14/04/2021

Đó là những dòng tâm sự của bạn Nguyễn Thanh Hương 21 tuổi gửi về trước cuộc giao lưu với gia đình, bạn bè liệt sĩ Đặng Thùy Trâm trên báo điện tử VnMedia.

 

Thanh Hương viết: “Những ai đã từng đọc Nhật ký Đặng Thùy Trâm đều vô cùng xúc động, cảm phục trước tình thương bao la, tinh thần bất khuất, kiên nghị, chung thủy với Tổ quốc, với con người của tác giả. Mỗi trang nhật ký đều thấm đẫm màu đỏ, màu của máu trong những trái tim bát ngát thương yêu. Những dòng nhật ký của cô đã đi sâu vào mỗi trái tim người đọc, đặc biệt là thế hệ thanh niên đôi mươi như chúng tôi. Không đọc những trang kỷ niệm của cô, tôi không thể tin được chiến tranh lại khốc liệt đến thế: “Cái chết còn dễ dàng hơn một bữa ăn”, càng không thể tin rằng lại có những người con gái, những người con trai dũng cảm, nhân hậu như vậy. Hình ảnh bác sĩ Đặng Thùy Trâm thực sự đã ám ảnh lấy tôi. Tôi, thế hệ thanh niên chúng tôi thật không thể nào sánh được với lớp người của cô. Cách sống và cách nghĩ của chúng tôi trong thời đại hôm nay thật quá ích kỷ… Cô Trâm sẽ sống mãi trong lòng những người ở lại, sống mãi trong trái tim tôi. Cảm ơn bác sĩ Đặng Thùy Trâm, nhân cách Đặng Thùy Trâm”.

 

Nguyen Ngoc Thu, ở Toronto, Canada bày tỏ: “Chị Trâm, cũng như Nguyễn Văn Trỗi và bao liệt sĩ khác là những tấm gương sáng để cho tất cả chúng ta, nhất là tuổi trẻ trong nước noi theo. Tôi nghĩ, hiện nay đất nước ta đang đô thị hóa, mỗi thành phố, thị xã nên có một con đường mang tên Đặng Thùy Trâm. Riêng đối với Hà Nội, quê hương của chị, đây cũng là dịp để thành phố bày tỏ lòng biết ơn với những người con đã hy sinh cho Hà Nội và cho Tổ quốc”.

 

Bạn Phạm An Nguyên, 28 tuổi, Saint Peterburg – Nga xúc động: “Những bác sỹ như Đặng Thùy Trâm nay đâu? Đọc và nghe chuyện về Đặng Thùy Trâm, gây cho tôi một xúc động thực sự và đọng lại rất nhiều điều. Một quan niệm sống, một cách nhìn chiến tranh, cuộc sống, con người, một tâm hồn đa cảm, đôn hậu và ấp áp tình người. Xét trên phương diện một chiến sỹ, một con người hay một vị bác sỹ, chị đều đẹp lung linh, càng đọc, càng nghe càng khiến chúng ta suy nghĩ.

 

Nhưng điều tôi muốn đề cập ở đây là về con người bác sỹ Đặng Thùy Trâm. Ở đó chị hiện lên như một người mẹ, người chị, người thân của mỗi bệnh nhân, chị đau cùng nỗi đau của người bệnh, chị thấu hiểu những mất mát những hi sinh, chị cảm phục và yêu quý. Trâm vui mừng khi cứu được một người thương binh khỏi lưỡi hái của tử thần, nhưng “buồn vô cùng” – chữ của Trâm – trước những bất lực không thể cứu được bệnh nhân, ân hận và chua xót vì đã không thể cứu được họ hoặc chỉ kéo thêm cuộc sống của họ vài giờ.

 

Chị viết “Đành rằng dù ở đâu rồi cũng đành bó tay trước bệnh của anh nhưng còn có điều kiện để kéo dài thêm chút ít cuộc sống cho anh. Còn ở đây mình như tên lính bại trận giơ hai tay để cho kẻ thù tước bỏ vũ khí”. Thương người bệnh, bàn tay chị nhẹ nhàng hơn, chị cố tìm lời để an ủi, động viên, và ngược lại, người bệnh cũng can đảm hơn, họ tin tưởng tuyệt đối vào chị và họ được an ủi, vỗ về. Giữa gian lao vất vả, cái sống và cái chết không có giới hạn và khoảng cách rõ ràng, trong điều kiện vô cùng thiếu thốn nhưng đến với bệnh nhân chị luôn mỉm cười, thái độ nhẹ nhàng, động viên, an ủi.

 

Còn giờ đây, khi những mơ ước của chị đã thành hiện thực, chúng ta đã hoàn toàn độc lập tự do đã 30 năm. Nhưng liệu nơi đâu? Ở bệnh viện nào trong đất nước chúng ta, bệnh nhân có được cảm giác an ủi, vỗ về, và tin tưởng như những người bệnh của chị Trâm? Giữa chiến tranh và hòa bình, giữa thiếu thốn vật chất, thuốc men và đầy đủ, giữa lán rừng và trên giường bệnh của những tòa nhà trong thành phố. Ở đâu? Người bác sỹ đến với bệnh nhân đôn hậu và nhẹ nhàng, hiểu và đau cùng nỗi đau người bệnh?

 

Cuộc đời, cần lắm những tấm lòng, mong rằng tất cả những người đang hàng ngày, hàng giờ tiếp xúc với bệnh nhân, những sinh viên y khoa, đọc những suy nghĩ và hành động của Trâm, để rồi đây khi đến với mỗi người bệnh, họ nhẹ nhàng hơn, an ủi và thông cảm với bệnh nhân hơn, đó thực sự không chỉ là mong muốn của người viết mà là hạnh phúc lớn lao đối với mỗi bệnh nhân”.

 

Độc giả Phạm Quang Chính, Lâm Đồng: “Tôi rất cảm động khi nghe nhật ký Đặng Thùy Trâm. Tôi đã thức đến hơn 12 giờ đêm để nghe từ phần 1 đến phần 6. Nhiều lúc ứa nước mắt vì thương yêu, cảm phục Thùy Trâm. Tôi đã đi gần 160km để tìm mua tặng con gái tôi năm nay 17 tuổi cuốn nhật ký này. Tôi rất mừng vì con gái tôi rất thích. Hy vọng sau này cháu sẽ trở thành 1 bác sỹ. Nhắn với hương hồn chị Thùy Trâm, tôi rất cảm phục, yêu quý chị”.

 

Bạn có thể bấm vào đây để theo dõi toàn bộ nội dung cuộc giao lưu trực tuyến trên báo điện tử VnMedia với bà Doãn Ngọc Trâm (mẹ của nữ liệt sĩ), chị Đặng Hiền Trâm (em gái của liệt sĩ), cựu chiến binh Robert Whitehurst và người bạn thân của liệt sĩ, chị Ngô Vân Anh.

 

Dân trí