“Dân” Văn chạy sô làm báo
Lên mạng: “Gò lưng cõng chữ”
Việc tìm kiếm thông tin trên mạng Internet đối với sinh viên bây giờ không còn gì là lạ lẫm, bởi tính năng nhanh chóng và đa dạng của nó, giúp cho sinh viên dễ dàng tìm kiếm tư liệu học tập và giao lưu trao đổi với bạn bè. Song, đối với một số sinh viên dân Văn, việc lên mạng là để… cõng chữ về viết báo.
Với từ khóa là tên một người nổi tiếng nào đó, hoặc một vấn đề gì đó đang “hot”, trong vài phần trăm giây, mạng Internet sẽ cung cấp cả hàng chục trang dữ liệu liên quan. Mấy anh/chị sinh viên viết báo chỉ việc đọc, copy, lưu, đem về khai thác tiếp, nếu không khai thác được nữa đối với những bài viết quá chặt, thì tìm cách liên hệ với người từng được viết bài đó… xin phỏng vấn.
Một người bạn học cũ của tôi hiện đang làm cho một tờ báo có tiếng ở Hà Nội cho biết: Sở dĩ các bạn sinh viên thường chọn lối phỏng vấn để viết bài, bởi lẽ, họ cho rằng, cách nhanh nhất và dễ nhất để trở thành “nhà báo” là… phỏng vấn.
Và có lẽ, cũng vì xuất phát từ quan niệm đó, nên các bài phỏng vấn cứ thấy na ná như nhau. Hệ thống câu hỏi lặp đi lặp lại, và tình trạng cái kết của bài phỏng vấn giống nhau như “sinh… một ổ” là: “Xin… cho biết dự định sắp tới của… là gì?”. Chấm hết. Một câu hỏi khiến người được hỏi ít khi muốn trả lời, và có trả lời thì người đọc cũng không nhận được thông tin cụ thể và chính xác. Thế nhưng, đó là “nguyên mẫu” giúp cho các sinh viên “ngoại đạo” này tiến vào làng báo.
Xuống đường: “Đổi văn lấy gạo”
Đúng như câu “Cơm áo không đùa với khách thơ”, cũng vì cần có thu nhập thêm để chi phí cho hàng trăm thứ khoản, nên các bạn ấy chọn cho mình nghề này, vừa “sạch sẽ” lại vừa gần nghề mình học.
Trao đổi với chúng tôi, bạn H.T – sinh viên năm thứ ba trường ĐHVH Hà Nội tâm sự: “Ở trường em có bạn viết báo mua được xe máy, điện thoại di động và cả máy vi tính xách tay nữa. Bọn em thấy cũng không khó lắm, nên làm thử, hóa ra dễ kiếm cơm hơn đi làm thêm ở quán cà phê hay các nghề phổ thông. Hơn nữa, chỉ cần quen biết và… hợp gu với người phụ trách chuyên mục của một tờ nào đó, là được đăng bài”.
Nếu quả đúng như vậy, không biết nên vui hay buồn. Việc làm thêm kia cũng rất chính đáng và hoàn toàn đáng được trân trọng, nghĩ thế thấy vui vui, nhưng cứ nhìn thấy tình trạng báo chí ngày càng nhàn nhạt, thì lại buồn buồn.
Đến trường: “Niềm vui như tiếng thở dài”
Qua trao đổi với chúng tôi, một số giảng viên hiện đang giảng dạy tại các khoa Ngữ văn cho biết, tình trạng các bạn sinh viên học văn, quá lao vào viết báo kiếm tiền, chểnh mảng việc học hành, đã khiến có bạn một học kỳ rớt đến ba môn. Buồn hơn là, nhiều bạn, do “quen tay” làm báo, nên viết văn thì như viết tin vậy.
Viết văn, viết báo, khoảng cách giữa hai khái niệm này có khi khó rành mạch, tuy nhiên nó không hề là một. Dầu vậy, giữa chuyện đồng tiền bát gạo của sinh viên với lý tưởng nghề nghiệp luôn là sự cò kè. Nhiều trường hợp chưa hết cơn vui vì có bài đăng ở báo lớn, đã thở dài ngao ngán nghĩ đến cảnh mất cả một học kỳ trả nợ các môn thiếu điểm.
Chúng tôi xin dành việc cân đong đo đếm cái được và cái chưa được từ việc sinh viên dân văn đi làm báo, cho chính những “nhà báo” trong cuộc, với một hi vọng, cái sợi dây lòng thòng đầy ma lực: Chữ – Áo cơm – Danh tiếng, không phải trói những người yêu văn mến chữ, để từ đó, biết đâu “ngọc giữa đời thường”, làng báo sẽ có thêm nhiều cây viết mới tài hoa.
Trịnh Tuấn