Đặc sắc lễ hội Óc-om-bóc của đồng bào Khmer Nam Bộ
Lễ hội Óc-om-bóc Sóc Trăng năm 2018 đã diễn ra từ ngày 19-21/11 (nhằm 13-15/10 âm lịch). Đây là một lễ hội quan trọng của đồng bào Khmer Nam Bộ.
“Ngọt ngào” lễ cúng trăng, lung linh thả đèn nước
Trong chuỗi lễ hội Óc-om-bóc, nghi lễ cúng trăng và “óc-om-bóc” (đút cốm dẹp) là một nghi lễ mang ý nghĩa tâm linh rất lớn với đồng bào Khmer.
Theo ông Châu Ôn (Giảng sư Phật học Phật giáo Nam Tông Khmer ĐBSCL), người Khmer ĐBSCL vốn sống bằng nghề trồng lúa nước theo 2 mùa trong năm. Mùa mưa từ ngày 16/4 đến ngày 15/10, mùa khô từ 16/10 đến 15/4 năm sau, tính theo đường quay vòng trái đất của mặt trăng. Vì thế, ngày 15/10 (âm lịch) là ngày cuối mùa hạn và cũng là thời gian thu hoạch hoa màu đủ loại, trong đó có lúa nếp là sớm nhất.
Người Khmer xem Mặt Trăng là một vị thần điều tiết mùa màng trong năm. Vì vậy, họ lấy lúa nếp quết thành cốm dẹp cùng các hoa màu khác để làm lễ vật cúng Mặt Trăng.
Vào đêm 15/10, khi trăng lên cao, mọi người tập trung tại sân chùa hay sân nhà để làm lễ. Trước tiên, người ta cắm 2 cây trúc và dùng lá dừa làm hình cổng vòm, trên cổng có giăng dây trầu gồm 12 lá tượng trưng cho 12 tháng trong năm và một dây cau gồm 7 trái được chẻ vỏ ra như 2 cánh con ong tượng trưng cho 7 ngày trong tuần. Dưới cổng này đặt cái bàn bày các thức cúng như: Dừa, chuối, khoai lang, khoai môn, bánh in và cốm dẹp là thức cúng không thể thiếu.
Tối đến, mọi người ngồi chắp tay quay mặt về hướng Mặt Trăng để làm lễ. Khi Mặt Trăng lên cao tỏa sáng, mọi người bắt đầu đốt nhang (hương), đèn rồi mời một người cao tuổi, có uy tín nhất trong phum, sóc (làng, xóm) hay trong nhà hoặc một vị Achar được các gia đình mời đến để làm lễ. Người chủ lễ khấn vái nói lên lòng biết ơn của con người đối với Mặt Trăng, xin Mặt Trăng tiếp nhận lễ vật và ban cho mọi người sức khỏe, mùa màng tươi tốt,…
Cúng xong, người chủ lễ gọi các em nhỏ lại đứng chấp tay về hướng Mặt Trăng rồi lấy cốm dẹp và một ít thức cúng khác đút vào miệng các em, còn tay kia vỗ nhẹ vào lưng và hỏi các em ước muốn gì. Những câu trả lời của các em sẽ là niềm tin của người lớn vào năm tới. Sau đó, mọi người quây quần lại dùng các thức cúng để hưởng phước, còn các em nhỏ thì vui chơi, múa hát.
Cùng với nghi thức cúng trăng là lễ hội Lôi Protip (thả đèn nước). Đây cũng là một trong những hoạt động không thể thiếu trong lễ hội Óc-om-bóc.
Người dân Khmer tổ chức thả đèn nước dưới lòng sông để cúng dấu chân còn lưu lại của Đức Phật trên sông “Na Mi Thi” hoặc làm mô hình tháp “Mô La Mu Ni” nơi cất giữ búi tóc của Phật Thích Ca trên thượng giới.
Đèn nước có cấu tạo như một ngôi đền (sau này bà con làm theo mô hình ngôi chùa) làm bằng thân và bẹ chuối, có trang trí hoa lá, đèn. Đầu đèn có treo cờ phướn, chung quanh được cắm đèn và nhang, bên trong có bày các thức cúng.
Mở đầu buổi lễ thả đèn nước, sư sãi và bà con trong phum sóc thắp nhang xung quanh đèn rồi nghe sư tụng kinh cầu tam bảo, để cầu nguyện cho sự an vui, thịnh vượng và ước mong của mọi nhà. Sau đó, bà con rước đèn ra các sông nơi họ cư trú để thả trôi theo dòng nước.
Vào dịp lễ hội Lôi Protip, trên dòng sông Maspero ở thành phố Sóc Trăng, những ánh đèn lấp lánh trôi trên sông khiến cho dòng sông trở nên lung linh, huyền ảo.
Sôi nổi đua ghe Ngo
Giải đua ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng năm 2018 khai mạc trưa ngày 21/11 tại sông Maspero (TP Sóc Trăng). Đây là một trong những hoạt động thể thao truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer Sóc Trăng nói riêng, đồng bào Khmer Nam Bộ nói chung trong lễ hội Óc-om-bóc diễn ra vào giữa tháng 10 âm lịch.
Giải đua ghe Ngo năm nay diễn ra với sự tham gia tranh tài của 51 đội ghe (41 đội ghe nam và 10 đội ghe nữ) đến từ các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Vĩnh Long.
Hàng ngàn khán giả từ khắp nơi đã tập trung về 2 bên bờ sông để cổ vũ cho các đội đua. Tiếng trống, tiếng kèn của khán giả vang lên làm rộn ràng, sôi động cả một đoạn sông.
Cao Xuân Lương