Cúng giao thừa thế nào để có một năm mới bình an, vạn sự như ý?
Giao thừa là thời khắc mà Đất Trời giao hòa, Âm Dương gặp gỡ để vạn vật bừng lên sức sống mới. Lễ cúng giao thừa (hay còn gọi là lễ Trừ Tịch) được cử hành khi kết thúc giờ Hợi ngày 30, sang giờ Tý mở đầu ngày Mồng một Tết. Bao gồm hai lễ cúng là: Cúng trong nhà và cúng ngoài trời.
Theo “Việt Nam phong tục” của Phan Kế Bính, người Việt xưa tin rằng mỗi năm có một vị Hành khiển trông coi nhân gian. Hết năm, vị thần cũ giao lại công việc cho vị thần mới vào thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới. Vì vậy, người dân làm lễ cúng Tất niên để thông báo cho đất trời, thổ thần về việc tiễn các vị thần trong năm, đồng thời hy vọng về một năm mới ấm no, thịnh vượng.
Các vị thần Hành binh, Hành khiển, Phán quan là vị thần chung của tất cả các gia đình, do công việc thị sát vội vã nên thần chỉ ghé qua trước cửa để chứng giám. Chính vì vậy, người dân thường phải chuẩn bị hai lễ cúng giao thừa: Một đặt lên bàn thờ tổ tiên, một đặt ở ngoài cửa chính.
Với mong muốn về một năm mới ấm no, thịnh vượng, nhiều gia đình chuẩn bị lễ cúng Giao thừa rất lớn cho rằng phải “mâm cao cỗ đầy” thì phúc khí mới tràn trề. Tuy nhiên, trả lời về vấn đề này PGS.TS Nguyễn Hùng Vỹ – Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam cho biết: “Tất cả các lễ cúng tế bao gồm cả lễ cúng Tất niên đều không quan trọng đồ cúng nhiều hay ít mà quan trọng là tấm lòng thành tâm của gia chủ. Tùy vào điều kiện kinh tế của mỗi gia đình mà đặt lễ cúng cho phù hợp. Tuyệt đối không được đua đòi, học theo nhau.”
Một mâm cúng giao thừa ngoài trời cần đảm bảo đầy đủ các lễ vật: Hương – Đăng (đèn/ nến) – Trà – Tửu – Hoa – Quả – Cỗ chay hoặc cỗ mặm tùy từng gia đình. Mâm cúng ngoài trời không cần quá cầu kỳ nhưng cũng không đươc sơ sài. Lưu ý quan trọng nhất là toàn bộ đồ cúng phải được chế biến tinh sạch, trình bày gọn gàng trước khi dâng đến các thần.
Theo từng vùng miền và tín ngưỡng khác nhau, gia chủ sẽ có những lựa chọn đồ cúng phù hợp. Thông thường một mâm cỗ mặn của người miền Bắc theo tín ngưỡng Phật giáo bao gồm các món ăn đời sống hàng ngày như: Gà trống luộc (cả con hoặc một miếng) có thể thay thế bằng khoanh giò hoặc miếng thịt lợn luộc; bánh trưng, đĩa xào và bát canh.
Một số truyền miêng cho rằng, vào năm tuổi con gì thường sẽ không cúng con vật đó. Ví dụ năm Kỷ Hợi sẽ kiêng cúng thịt lợn. Tuy nhiên theo PGS.TS Nguyễn Hùng Vỹ, sau nhiều năm nghiên cứu về văn hóa, ông cho rằng đây là quan niệm không chính xác. Vì vậy mọi gia đình có thể tùy tâm chuẩn bị đồ cúng sao cho phù hợp.
Cách bày trí mâm cúng ngoài trời rất coi trọng sự cân đối. Hai ly nước để hai bên; bên kia hoa – bên này quả, hương sẽ được cắm ở chính giữa. Gà cúng nếu để cả con thì đặt ngang mỏ gà hướng ra phía ngoài.
Hiện nay ở một số nơi, người ta tạo hình gà cúng trông như một vũ nữ khỏa thân. Theo PGS.TS Nguyễn Hùng Vỹ, đây là hình ảnh gây phản cảm và không nên tạo hình như vậy để làm đồ lễ thờ cúng.
Mâm cúng ngoài trời được đặt ở trước cửa nhà của từng gia đình. Với những gia đình ở chung cư, có thể đặt ở ban công hoặc mang xuống sảnh lớn dưới tòa nhà mình ở. Đúng vào giờ Tý mở đầu ngày mồng một năm mới, gia chủ tiến hành nghi thức cúng tiễn đưa thần cũ, đón thần mới, hy vọng về một năm mới an khang, thịnh vượng.
Nhiều gia đình vẫn luôn băn khoăn việc cúng ngoài trời trước hay cúng trong nhà trước. PGS.TS Nguyễn Hùng Vỹ cho rằng nên cúng Giao thừa trong nhà trước, thắp hương lễ bái Phật, thần linh, gia tiên xong rồi mới làm lễ Thái tuế ngoài trời sao cho lễ Thái tuế diễn ra vào đúng lúc giao thừa.
Về mâm cúng trong nhà, theo truyền thống lễ vật thường không khác nhiều so với mâm cúng ngoài trời. Ngoài những lễ cơ bản cần chuẩn bị thêm ngũ quả; vàng mã; trầu cau; bánh kẹo mứt Tết. Mâm ngũ quả tượng trưng cho ngũ phúc (Phúc – Lộc – Thọ – Khanh – Ninh), tùy địa phương mà lựa chọn các loại quả khác nhau.
Mâm cúng mặn không bày lên trên bàn thờ mà đặt bên dưới hoặc ở bàn khác. Các nhà tâm linh khuyến khích các gia đình bày cỗ ngọt, cỗ chay cho mâm cúng Tất niên.
Sau khi cung kính bày lễ, đặt xong mâm cúng, người lớn tuổi nhất trong gia đình ăn mặc chỉnh tề, xúc miệng rượu thơm, đốt đèn nến, thắp hương thơm và thành kính lễ Giao thừa trong nhà, khấn thần linh và mời tiền nhân về ăn Tết cùng con cháu.
Luân chuyển theo từng thời kỳ với những chuyển biến về điệu kiện kinh tế, thói quen sống… sẽ có những thay đổi nhỏ trong nghi thức cúng Giao thừa.
Tuy nhiên dù hoàn cảnh có thay đổi ra sao, dù giàu hay nghèo, bận rộn hay thảnh thơi thì ở bất cứ mâm cúng nào, điều quan trọng nhất và không thể thay đổi vẫn là tấm lòng thành tâm của gia chủ.
Thanh Thúy