Cửa hàng “Chữa lành những trái tim tổn thương”

Tác giả: coaynoiĐăng ngày: 18/09/2011Lần cập nhập cuối: 09/02/2021

Với tấm lòng bao dung, bà Marichia đã đồng cảm với những em nhỏ khuyết tật ở Việt Nam. Bà đã dùng tiền của chính mình và tiền quyên góp thêm từ bạn bè, người thân xây dựng cửa hàng.

“Healing the wounded heart” (HWH) là một dự án phi lợi nhuận SPIRAL do bà Marichia khởi xướng hợp tác cùng văn phòng Tư vấn di truyền và hỗ trợ trẻ em khuyết tật OGCDC, Đại học Y Dược Huế. Cửa hàng HWH làm và bán những sản phẩm tái chế từ những đồ đã qua sử dụng. Tất cả các lợi nhuận thu được sẽ được dùng để trả lương, đóng phí bảo hiểm y tế cho những nghệ nhân khuyết tật và đặc biệt là hỗ trợ mổ tim cho trẻ em nghèo ở địa phương thông qua OGCDC.

Cửa hàng “Chữa lành những trái tim tổn thương” - 1
Trần Thị Ly bị khuyết tật về thính giác vừa làm việc sản xuất ra những sản phẩm vừa là nhân viên bán hàng tại cửa hàng

Với vật liệu là những sợi dây, túi nilông, vỏ lon bia, chai nước khoáng, giấy gói mì tôm, bằng đôi tay khéo léo của mình các em khuyết tật đã làm ra những sản phẩm độc đáo, mang đậm nét truyền thống như ấm nước, thuyền bè hay những đồ lưu niệm (nhẫn, vòng đeo tay, túi xách, móc khóa, phong bì, khung ảnh)…. Việc làm của những em khuyết tật nơi đây đã góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ môi trường.

Ngoài niềm vui được gặp gỡ nhau trong công việc, mỗi tháng có thêm thu nhập, các em khuyết tật còn tìm thấy niềm vui góp sức lực của mình từ những vật dụng đã làm ra để làm chi phí mổ tim cho những bệnh nhi nghèo thiếu may mắn mắc bệnh.
 
Mỗi sản phẩm là một sáng tạo giúp các em vượt qua sự mặc cảm tật nguyền, giúp các em trở nên tự tin và trở thành những công dân có ích cho xã hội và chính mình lại đang làm một công việc thật ý nghĩa là giúp đỡ những người khó khăn hơn. Cho đến nay, sau hai năm đầu tiên hoạt động kể từ năm 2009, cửa hàng đã hỗ trợ được 18 ca mổ tim miễn phí cho trẻ em nghèo được thực hiện từ dự án trên.

Với nụ cười phúc hậu trên môi, dù không thể nói được bằng lời nói nhưng cô gái người Huế tên Trần Thị Ly (sinh năm 1993) bán hàng tại của hàng thể hiện bằng ngôn ngữ chữ viết chia sẻ với chúng tôi : “Em làm ở đây được hai năm rồi, em rất vui vì được gặp gỡ bạn bè để cùng trò chuyện, em còn kiếm thêm thu nhập nữa. Em ước mong cho việc kinh doanh của cửa hàng ngày càng phát triển hơn để có thể giúp đỡ được nhiều bạn trẻ khuyết tật như em hơn”.

Cửa hàng “Chữa lành những trái tim tổn thương” - 2
Dương Văn Nhật đang hướng dẫn cho một người bạn bị khuyết tật giống như mình học nghề tại cửa hàng.

Còn Dương Văn Nhật (sinh năm 1988) làm việc tại cửa hàng vui mừng vì nhờ cửa hàng lưu niệm này mà hàng ngày anh có việc làm, thấy cuộc sống ý nghĩa hơn trước đây. Kể cho chúng tôi biết,  chính nhờ cửa hàng mà Nhật gặp được nửa còn lại của mình. Anh đã lập gia đình, mỗi ngày đến cửa hàng làm việc là một ngày vui với Nhật.

Một số hình ảnh PV Dân trí ghi lại được từ cửa hàng đặc biệt này:

Cửa hàng “Chữa lành những trái tim tổn thương” - 3

Cửa hàng “chữa lành những trái tim tổn thương” nằm trên đường Võ Thị Sáu giao nhau với đường Phạm Ngũ Lão thuộc khu phố Tây của Huế

Cửa hàng “Chữa lành những trái tim tổn thương” - 4

Số phận đã không may mắn đối với Trần Thị Ly và Dương Văn Nhật bị khuyết tật thính giác. Chính công việc tại cửa hàng giúp hai bạn trẻ này vươn lên và thấy cuộc sống ý nghĩa hơn nhiều

Cửa hàng “Chữa lành những trái tim tổn thương” - 5

Một số sản phẩm được làm từ những đồ tái chế bày bán tại HWH

Cửa hàng “Chữa lành những trái tim tổn thương” - 6

Hoa thêu

Cửa hàng “Chữa lành những trái tim tổn thương” - 7

Khung ảnh

Cửa hàng “Chữa lành những trái tim tổn thương” - 8

bát , đĩa

Cửa hàng “Chữa lành những trái tim tổn thương” - 9

Đôi “long chầu” từ chỉ thêu

Cửa hàng “Chữa lành những trái tim tổn thương” - 10

Móc chìa khóa

Cửa hàng “Chữa lành những trái tim tổn thương” - 11

Tất cả các sản phẩm đều được gắn trái tim với dòng chữ Healing the wounded heart

Thái Bá – Đại Dương