Cử nhân khiếm thị kinh doanh trên mạng

Tác giả: coaynoiĐăng ngày: 18/02/2010Lần cập nhập cuối: 01/01/2021

Cử nhân khiếm thị kinh doanh trên mạng - 1

Bốn trong số 5 doanh nhân trẻ khiếm thị đang trò chuyện với PV về cửa hàng trực tuyến của mình. (Ảnh: Global Times)

Thông qua phần mềm “trình duyệt nói chuyện” được thiết kế đặc biệt cùng với sự giúp đỡ của các công ty Trung Quốc và chỉ dẫn của trang taobao.com, 5 bạn trẻ khiếm thị đã cho ra đời cửa hàng bán đồ trẻ sơ sinh và đồ bầu có tên Creating The World By Heart (Tạo ra thế giới bằng trái tim). Từ giữa tháng 9/2009 cho đến nay, cửa hàng đã có hơn 100 đơn đặt hàng với hơn 1000 sản phẩm được bán ra. Đó là một sự khởi đầu không tồi cho một doanh nghiệp đầy hứa hẹn.

Cả 5 doanh nhân khiếm thị trẻ tuổi này đều đã tốt nghiệp các trường đại học tại Thượng Hải. Năm ngoái, họ gặp gỡ nhau thông qua một nhóm chat trên QQ dành cho những người khiếm thị. Họ nhanh chóng nhận ra mình cùng có chung tâm trạng thất vọng, chán chường vì bị hạn chế trên những con đường phát triển sự nghiệp.

Phá vỡ những rào cản

Shen Chenxian, 29 tuổi, tốt nghiệp chuyên ngành thiết kế nghệ thuật tại Trường CĐ Thiết kế nghệ thuật Haisu Thượng Hải và là một thành viên của nhóm doanh nhân khiếm thị tâm sự: “Tất cả chúng tôi đều cảm thấy khó có bất cứ cơ hội việc làm nào đang đợi sẵn chúng tôi. Ngoài công việc massage vốn dành cho người mù, thực sự chúng tôi rất khó tìm thấy các loại công việc khác”.

Mặc dù ở Trung Quốc những người khiếm thị như Shen được khoản tiền trợ cấp 700 NDT mỗi tháng từ chính phủ và được một số tổ chức như Hiệp hội người mù Trung Quốc đứng ra nhận đào tạo nghề massage miễn phí, nhóm của Shen muốn mở rộng tầm nhìn của họ và vượt qua mọi khó khăn theo cách riêng.

Một thành viên khác của nhóm – Zhang Ping, 28 tuổi, tốt nghiệp chuyên ngành tâm lý học tại Trường ĐH Sư phạm Đông Trung Quốc, khẳng định: “Chúng tôi không bị gục ngã trước những khó khăn này mà xoay chuyển theo chúng. Chúng tôi cải thiện hoàn cảnh bằng cách đương đầu và khắc phục các vấn đề”.

Ngay cả khi có tấm bằng tốt nghiệp ĐH, trải nghiệm của riêng Shen đã là một ví dụ điển hình về tình cảnh khó khăn của người khiếm thị trên thị trường việc làm.

Bị mù sau cuộc phẫu thuật bệnh tăng giãn áp vào năm 2003, Shen đã phải bỏ dở con đường nghệ thuật của mình để chuyển sang học ngành tâm lý học. Chỉ hai năm sau đó, Shen đã được cấp giấy chứng nhận tư vấn viên quốc gia.

Tuy nhiên, mặc dù đặc trưng công việc của Shen không yêu cầu cô phải nhìn thấy được nhưng không một công ty nào sẵn sàng tuyển dụng cô. Shen cố tìm những công việc khác như chào bán bảo hiểm qua điện thoại và dịch thuật tiếng Anh nhưng cô đều không được nhận vì lý do tương tự. Vì thế, Shen quyết định phải tự tạo ra cơ hội việc làm của riêng mình.

“Đối với người mù, thật không dễ dàng gì để đi ra ngoài và làm việc mỗi ngày nhưng bằng việc mở một cửa hàng trực tuyến, chúng tôi có thể làm việc tại nhà dễ dàng”, Shen giải thích.

Với sự giúp đỡ của giáo sư Zhang Weikang ở Trung tâm định hướng nghề nghiệp ở quận Hoàng Phố, Thượng Hải, người chuyên giúp đỡ người khiếm thị tìm việc, nhóm của Shen đã mang kế hoạch kinh doanh của họ đến một cuộc hội thảo do Trung tâm tổ chức hồi giữa tháng 7. Ở đó, họ đã gặp Luo Lan, một quan chức tại Cục Lao động và An sinh xã hội Thượng Hải và là giảng viên cao cấp tại ĐH Taobao, một trường đào tạo thương mại điện tử do taobao.com điều hành.

Hai tháng sau, cửa hàng của nhóm Shen được khai trương dưới sự giám sát của Luo và sự hỗ trợ tài chính từ giáo sư Zhang.

Những trở ngại mới

Mặc dù nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình từ các tổ chức địa phương và các chuyên gia hàng đầu nhưng nhóm doanh nhân khiếm thị còn phải đối mặt với những thách thức mới, đó là việc giao nhận hàng. 

Shen cho biết thông qua sự trợ giúp của phần mềm đọc chính tả bằng giọng nói và âm thanh, nhóm của Shen có thể sử dụng đôi tai để giao tiếp với khách hàng.

Khi được hỏi lý do chọn các sản phẩm dành cho trẻ sơ sinh và bà bầu để bán, Luo cho biết đó là từ nhu cầu, đơn giản trong việc bày trí và dễ dàng để mô tả cho khách hàng. Cô cũng cảm thấy những bậc phụ huynh trẻ tuổi là những người tiêu dùng đáng mến và dễ dãi hơn. 

“Những dòng sản phẩm kiểu này rất đơn giản và dễ dàng mô tả qua phần mềm trình duyệt nói chuyện”, Luo khẳng định. 

Cửa hàng trực tuyến của Shen còn thiết lập mối quan hệ với các nhà phân phối để cung cấp tất cả mọi thứ từ sữa bột cho đến tã dùng một lần được cung cấp thông qua nền tảng phân phối Taobao.

“Chúng tôi yêu cầu những sản phẩm mà chúng tôi cần, sau đó Taobao đưa cho chúng tôi danh sách các nhà cung cấp có các sản phẩm đó cũng như giúp chúng tôi vận chuyển”, Zhang cho biết

Thất bại nhỏ, bước tiến lớn

Mọi chuyện không phải bao giờ cũng diễn ra như ý muốn. Cheng Wu cho biết ban đầu họ chậm trả lời những câu hỏi của khách hàng về hàng hóa của họ và kết quả là nhóm bị mất một số đơn đặt hàng.

“Chúng tôi không cho khách hàng biết chúng tôi là những người khiếm thị. Chỉ trừ trường hợp một số khách hàng trực tiếp yêu cầu chúng tôi gửi một bức hình của chúng tôi, chúng tôi buộc phải nói với họ rằng chúng tôi không thể nhìn thấy được và yêu cầu họ gửi cho chúng tôi mã số sản phẩm thay thế”, Chen cho biết.

Mặc dù phải đối mặt với nhiều thử thách hàng ngày nhưng nhóm doanh nhân khiếm thị trẻ vẫn rất tự hào và không bao giờ lợi dụng hoàn cảnh của mình để bán được hàng.

“Chúng tôi không bao giờ kiếm tiền từ lòng thương cảm của khách hàng. Chúng tôi muốn kinh doanh như tất cả những người bình thường khác”, Shen khẳng định.

Bằng việc đặt tên cửa hàng là Tạo ra thế giới bằng trái tim, nhóm của Shen hy vọng sẽ truyền cảm hứng của những người khiếm thị trẻ tuổi khác đừng tự giới hạn bản thân vì hoàn cảnh tật nguyền.

“Chúng tôi đặt tất cả tâm huyết, trái tim của mình vào việc kinh doanh này không chỉ để kiếm sống mà còn để truyền cảm hứng cho tất cả người khiếm thị trên thế giới”, Zhang cho biết.

“Vì vậy, chúng tôi đang tạo ra một hướng nghề nghiệp mới cho người khiếm thị ở khắp mọi nơi, hy vọng cửa hàng của chúng tôi có thể trở thành một ví dụ cửa hàng thành công và ấn tượng để những người khiếm thị cũng muốn mở một cửa hàng như thế”.

Võ Hiền
Theo Global Times