Cứ 1 trong 4 bạn trẻ từng có trải nghiệm đau buồn khi sử dụng mạng xã hội
Hội thảo “Tiếng nói của thanh thiếu niên đối với xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn” do Trung ương Đoàn TNCS HCM, Cục Trẻ em (Bộ LĐ – TB & XH), Viện nghiên cứu Quản lý và phát triển bền vững tổ chức chiều ngày 24/1 tại ĐH Kinh tế quốc dân hà Nội.
Hội thảo quy tụ nhiều chuyên gia, những cán bộ có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi và phát triển thanh thiếu niên; một số tổ chức quốc tế và các tổ chức xã hội làm việc trong lĩnh vực bảo vệ quyền trẻ em và các đại biểu thanh thiếu niên…
Hội thảo tạo diễn đàn để thanh thiếu niên nâng cao nhận thức về quyền sử dụng Internet, đồng thời trang bị thêm kiến thức, kỹ năng, thái độ cũng như bày tỏ nhu cầu, nguyện vọng và trách nhiệm của thanh thiếu niên trong việc xây dựng môi trường mạng xã hội lành mạnh, an toàn.
Ngoài ra, Hội thảo còn là dịp để các cơ quan, đơn vị và các tổ chức, doanh nghiệp trao đổi, thảo luận về các sáng kiến, giải pháp, thúc đẩy vai trò của các bên liên quan trong xây dựng và thực thi hiệu quả các chính sách, pháp luật về bảo đảm quyền riêng tư, quyền trẻ em nói riêng và bảo vệ thanh thiếu niên khi sử dụng Internet và tham gia mạng xã hội.
Tại Hội thảo, bà Nguyễn Phương Linh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý và phát triển bền vững với bài tham luận về chủ đề “Thanh thiếu niên và rủi ro trên môi trường mạng”.
Bà Nguyễn Phương Linh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý và phát triển bền vững với bài tham luận về chủ đề “Thanh thiếu niên và rủi ro trên môi trường mạng”
Bà Linh khẳng định MXH mang lại rất nhiều lợi ích cho con người. Đây là thời đại công nghệ mà chúng ta không thể né tránh hay cấm đoán. Chính vì vậy, để bảo đảm quyền lợi cho thanh thiếu niên, chúng ta cần phải định hướng, hướng dẫn các em làm sao sử dụng cho hiệu quả, an toàn, lành mạnh.
Bà Linh chia sẻ Việt Nam có 68 triệu tài khoản Facebook (số liệu của Facebook 2018), hơn 1/3 người dùng là thanh thiếu niên trong độ tuổi 15-24 tuổi (số liệu của UNICEF, 2017).
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý và phát triển bền vững đưa ra thực trạng đáng báo động trên mạng xã hội đối với giới trẻ. Đó là, cứ 1 trong 4 trẻ đã từng có trải nghiệm đau buồn khi sử dụng mạng xã hội. Cứ 1 trong 3 trẻ là nạn nhân của bắt nạt trên mạng. Mỗi ngày có hơn 720.000 hình ảnh về xâm hại trẻ em được đưa lên mạng.
Đối với khu vực Đông Nam Á và Việt Nam, hiện không tìm thấy số liệu chính thức, sẵn có về mức độ phổ biến và quy mô của xâm hại trẻ em trên mạng.
Từ thực trạng này, bà Phương Linh chỉ ra các rủi ro của thanh thiếu niên trên môi trường mạng là: Bị lộ thông tin cá nhân; Nghiện mạng xã hội, nghiện game; Gây các bệnh về mắt; Giảm tương tác và vận động; Xem các ấn phẩm, chương trình không phù hợp; Bị bắt nạt trên mạng; Bị xâm hại tình dục trên mạng; Chia sẻ các thông tin không chính xác; Kết bạn xấu; Bị lừa đảo trên mạng…
Từ đó, bà Phương Linh đề xuất với các cơ quan chức năng những biện pháp cần thiết để bảo vệ và định hướng cho trẻ em trên môi trường mạng.
Bà Phương Linh chỉ ra các rủi ro của thanh thiếu niên trên môi trường mạng
Sau bà Linh, bà Nguyễn Thị Nga – Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ – TB & XH) tham luận về “Khung pháp lý về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng tại Việt Nam: Những nội dung đã và đang triển khai thực hiện”.
Bà Nga chia sẻ về những chính sách, pháp luật đang bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, trong đó có thể kể tới Luật Trẻ em, Luật An ninh mạng, Nghị định 56 về Thông tin bí mật đời sống riêng tư bí mật cá nhân của trẻ em…
Bà Nga cũng trình bày về truyền thông, giáo dục và nâng cao năng lực về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Tiếp đó, đại diện Cục trưởng Cục Trẻ em giới thiệu về Mạng lưới bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Cũng tại Hội thảo, ông Dương Khánh Dương, Phó Trưởng Ban Tổng hợp và hợp tác quốc tế, Viện Chiến lược Thông tin và truyền thông – Bộ Thông tin và truyền thông trình bày về dự thảo Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn tại Việt Nam”.
Ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí minh cũng trình bày Giải pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, gió dục, định hướng thanh thiếu nhi trên mạng xã hội của Đoàn TNCS HCM.
Sau khi lắng nghe tham luận của các lãnh đạo, chuyên gia, những bạn trẻ, em nhỏ đại diện thanh thiếu niên cũng đã đưa ra ý kiến của mình, đối thoại trực tiếp nhằm nêu lên nguyện vọng của mình.
Mai Châm