Con gái GS Ngô Bảo Châu không theo nghiệp Toán
Lần đầu xuyên Việt
Những ngày đầu từ Mỹ về Việt Nam tham gia chương trình Trại hè Việt Nam dành cho thanh niên Việt kiều, Thanh Hiên nói về năm tháng tuổi thơ ở Pháp, những ngày học tại Mỹ, chuyện gia đình, ước mơ và quan niệm về cuộc sống.
Nhập đoàn chuẩn bị hành trình xuyên Việt cùng các Việt kiều trẻ từ khắp hành tinh, Hiên luôn cảm thấy ấm áp nhờ có sự động viên thường xuyên của mẹ và bà nội. PGS.TS Trần Lưu Vân Hiền, bà nội của Hiên, lo lắng cho cháu gái lần đầu đi xuyên Việt một mình nên dặn dò, chăm chút từng việc nhỏ. Bà nói, Hiên thường xuyên về thăm ông bà ở Hà Nội, nhưng chưa có nhiều dịp đi dọc đất nước nên rất háo hức và mong chờ chuyến đi lần này.
Sinh năm 1995 tại Pháp, Hiên tâm sự mình có một tuổi thơ tuyệt đẹp với những người bạn Pháp. Hiên cũng thường xuyên theo bố mẹ về Việt Nam hay chu du các nước mỗi khi bố có chuyến công tác dài ngày. Tuy nhiên, chưa bao giờ Hiên thấy háo hức và hạnh phúc như những ngày hè tháng 7 này khi có cơ hội được đặt chân tới khắp các miền quê Việt Nam.
Hiên đã chuẩn bị hàng tháng cho chuyến hành trình về lại cố đô Việt Nam, kỳ quan thiên nhiên Vịnh Hạ Long, dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, giao lưu với bạn trẻ ở mọi miền đất nước…
Hiên cho biết đã lỡ dịp đến dâng hương tại Đền Hùng (Phú Thọ) vì có một bạn trẻ là Việt kiều Pháp bị ốm nên Hiên cùng các anh chị đưa bạn vào bệnh viện chăm sóc. Hiên mong muốn một ngày gần nhất sẽ quay trở lại dâng hương cho các Vua Hùng.
Là một trong những bạn trẻ thạo tiếng mẹ đẻ và biết nhiều ngoại ngữ nhất trong đoàn nên Hiên thường tình nguyện làm phiên dịch và giới thiệu thêm cho các bạn về vẻ đẹp, truyền thống lịch sử của quê hương.
Tuổi thơ ở Pháp
Năm 2007, cả gia đình GS Ngô Bảo Châu chuyển sang Mỹ sống và làm việc. Đó thực sự là quyết định khó khăn với chị cả Ngô Thanh Hiên, lúc đó mới 12 tuổi. Hiên từng giận dỗi với bố để được ở lại nước Pháp vì không muốn xa các bạn cùng thầy cô giáo. Tuổi thơ của Hiên gắn bó với nhiều bạn bè ở Pháp, nên không dễ gì rời xa.
Khi sang Mỹ học, Hiên thường xuyên liên lạc với bạn bè tại Pháp và vẫn nhận sự tư vấn, trợ giúp qua internet. Cũng có khi nhớ bạn bè ở Pháp, Hiên xin bố mẹ bay sang Pháp, ở cùng gia đình một người bạn cả tuần.
Giỏi các môn xã hội
Là con gái của nhà Toán học lừng danh, nhưng Hiên thừa nhận mình không thực sự xuất sắc nhất về môn Toán ở trường Laboratory School của ĐH Chicago. Thế mạnh của Hiên lại là Địa lý và các môn khoa học xã hội khác.
Cả bố và mẹ đều dạy Hiên học Toán và tiếng Pháp từ nhỏ. Bố thường xuyên bận rộn nên tranh thủ khi bố rảnh, Hiên chạy đến hỏi bố bài toán khó. “Bố thường xem tập vở, giao bài Toán cho em làm và giải thích nội dung học trong tuần. Bố Châu giúp nhiều trong việc học Toán, nhưng phần lớn hiện tại em tự học”, Hiên nói.
Hiên chia sẻ, cũng có thể ở nhà bố Châu rất gần gũi với mấy chị em nên Hiên chưa nhận ra bố mình là thần tượng của nhiều bạn trẻ. Khi chuyển đến trường học ở Mỹ, nhiều bạn học biết Hiên là con gái GS Ngô Bảo Châu cũng bày tỏ ngưỡng mộ và hỏi nhiều về bố.
Hiên không thấy áp lực mà chỉ cảm thấy vui mỗi lúc như thế. Hiên tâm sự, bây giờ ra đường nhiều người biết đến bố Châu nhưng em không muốn lợi dụng danh tiếng hay để danh tiếng của bố tạo nên áp lực cho mình.
Hiên khẳng định bố là nhà Toán học, nhưng chắc chắn em sẽ theo ngành xã hội, bước vào đời theo đúng sở trường và đam mê của mình. Mới học hết lớp 10, nhưng con gái lớn của nhà Toán học nổi tiếng thế giới đang ấp ủ dự định tương lai sẽ trở về Việt Nam sống và làm việc.
Sống tự lập
Ở Mỹ, dù bận rộn với chương trình học nhưng con gái yêu của nhà Toán học luôn dành thời gian hoạt động từ thiện và có nhiều kỷ niệm với người vô gia cư. Mỗi tuần, Hiên dành 2 đến 3 giờ đi đến trung tâm từ thiện ở Chicago. Hiên cùng nhiều người nấu các món ăn, phát miễn phí cho người lang thang cơ nhỡ, vô gia cư.
Đây là hoạt động từ thiện hằng ngày ở Mỹ và mọi người tham gia tự nguyện. Sau nhiều lần trò chuyện với người sống lang thang, vô gia cư, Hiên hiểu thêm nhiều điều về cuộc sống, cảm thông hơn với những nỗi khổ của họ. “Mùa đông ở Chicago rất lạnh, họ chỉ có ít quần áo để mặc. Em thực sự cảm thông và muốn sẻ chia”, Hiên nói.
Hiên cho biết, bố mẹ luôn tôn trọng quyền tự lập của Hiên cũng như các em trong nhà. Cách dạy của bố mẹ giúp Hiên ý thức được việc học, thường cả tuần sau giờ học, em về nhà và học bài, thỉnh thoảng mới ra ngoài cùng bạn. Cũng như bao bạn trẻ khác, Hiên coi Facebook như một phần trong cuộc sống, thường xuyên liên lạc với bạn bè qua trang mạng xã hội.
Mỗi lần được theo gia đình về Việt Nam, Hiên rất hào hứng với các món ăn Việt. Có cơ hội là bà nội lại dạy Hiên nấu phở, kho thịt, nấu canh cua… Tuy nhiên, Hiên nói chưa biết nhiều món ăn Việt bằng các món phương Tây. Hiên chia sẻ, em sẽ cố học nhiều món Việt để có dịp sẽ đãi các bạn ở Mỹ.
Mới 16 tuổi, Hiên đã chu du cùng bố đến nhiều nước trên thế giới, nhưng chuyến xuyên Việt lần này là lần đầu tiên một mình xa nhà.
Theo Hải Yến – Nguyễn Hà
Tiền Phong