Cổ vũ cho… “hàng nhái”!
Cái tên Võ Viễn Thiện – một gương mặt “nhái” của Sơn
Tùng M-TP – không phải mới nhưng không ai nghĩ một ngày nào đó bản sao này lại
được chào đón nồng nhiệt không thua phiên bản gốc. Biểu hiện của sự chào đón đó
là lời thừa nhận của giới bầu sô và phiên bản Viễn Thiện, dù là nhái, vẫn được
biểu diễn chính thức hoặc mời tham dự với tư cách khách mời ở một vài sự kiện.
Câu chuyện mang tên phiên bản nhái Sơn Tùng M-TP bắt
đầu từ hồi đầu năm 2015 khi cư dân mạng bắt đầu sôi sục loan tin về một chàng
trai giống Sơn Tùng M-TP như đúc, không chỉ là ngoại hình mà cả phong cách.
Chàng trai mang tên Võ Viễn Thiện, đang làm nhân viên bảo vệ ở Bình Dương. Anh
cũng cho biết mình không hề muốn nổi tiếng hay trở thành bản sao của Sơn Tùng
M-TP.
Viễn Thiện (trái) – bản nhái của Sơn Tùng M-TP
Tuy nhiên, khác với những gì Viễn Thiện đã nói, thời
gian gần đây, có thể do bàn tay đạo diễn của một số bầu sô giấu mặt, đưa Viễn
Thiện liên tục tham gia các hoạt động liên quan đến nghệ thuật dưới phong cách
của Sơn Tùng M-TP. Ban đầu là quay clip, chụp các bộ ảnh mặc quần áo, học theo
phong cách của Sơn Tùng và mới đây nhất là đi biểu diễn ở quán bar tại Hà Nội.
Màn trình diễn hát nhép Không phải dạng vừa đâu của Viễn Thiện đã nhận được sự
cổ vũ của rất đông khán giả. Với ngoại hình, cách ăn mặc giống Sơn Tùng M-TP, lại
là hát bài hit của Tùng, phong cách biểu diễn y hệt, thậm chí không ít người nhầm
lẫn đây chính là Sơn Tùng.
Hiện tượng trọng dụng phiên bản “nhái” trên thế giới
đang du nhập một cách hào hứng vào Việt Nam. Sự phát triển của hiện tượng này bắt
nguồn từ nhiều lý do nhưng quan trọng nhất vẫn là kinh phí. Giới bầu sô truyền
tai nhau rằng để mời được Sơn Tùng biểu diễn, thù lao cho một đêm không dưới
100 triệu đồng. Sức hút của Sơn Tùng là điều không thể phủ nhận nhưng để có đủ
kinh phí như yêu cầu từ phía Sơn Tùng, không phải đơn vị tổ chức nào cũng có thể
đáp ứng. Điều đó khiến nhiều đơn vị làm liều theo kiểu “lập lờ đánh lận con
đen”. Khi bản “nhái” qua mặt được công chúng thì đơn vị tổ chức lời to; còn ngược
lại, nếu bị phát hiện cũng chẳng mất mát gì.
Thế nhưng, nếu việc sử dụng các phiên bản nhái ở thế
giới mang lại sự thú vị hay ít nhất giá trị của ngôi sao “gốc” là điều có thực
thì “sao” ở ta còn chưa khẳng định được sự tỏa sáng thật sự của chính mình, nói
gì đến phải dùng phiên bản “nhái” để thay thế.
Cho đến nay, “nghi án” phong cách của Sơn Tùng M-TP
giống với G-Dragon (một ngôi sao hàng đầu của thị trường âm nhạc K-pop) vẫn
chưa có hồi kết. Và không khó để tìm ra sự tương đồng giữa Sơn Tùng và G-Dragon
về kiểu cách, trang phục, trang điểm hay những chi tiết về tư duy, sáng tạo
trong các sản phẩm âm nhạc. Thế nên, chính Sơn Tùng còn đang bị nghi là một “kẻ
ăn theo”. Cổ vũ và tạo điều kiện cho việc sử dụng bản “nhái” Sơn Tùng sẽ đem lại
giá trị gì ngoài sự mỉa mai, câu khách rẻ tiền?
Theo Thụy VũNgười Lao Động