“Cỗ máy 9X” sản xuất ý tưởng môi trường
Theo chàng sinh viên năm cuối này, Việt Nam hiện có rất nhiều “cỗ máy sáng tạo trẻ” đang đợi được “kích hoạt”.
Vừa giúp người nghèo, vừa bảo vệ môi trường
Sinh ra trong một gia đình thuần nông ở Ninh Thuận, vì nhà đông con (8 người), nên 5 anh chị lớn của Vương chỉ học hết lớp 5 rồi nghỉ, đi làm kiếm tiền nuôi gia đình. Ba người con út, trong đó có Vương may mắn được học tới bậc đại học.
Năm thứ hai đại học, Vương đã có công trình nghiên cứu khoa học cấp trường: “Cải tạo bùn thải từ ao nuôi tôm thành phân bón hữu cơ vi sinh và kết hợp với nuôi trùn quế”. Vương cho biết, hàm lượng chất hữu cơ cũng như hàm lượng đạm, phốt pho… trong bùn khá cao, có thể tận dụng để cải tạo thành phân bón hữu cơ vi sinh.
Lợi ích của việc kết hợp này là tiết kiệm chi phí cải tạo ao, tận dụng được nguồn bùn là chất thải của các ao nuôi tôm, xử lý được mầm bệnh tiềm ẩn trong bùn có hại cho tôm, có được nguồn phân bón với chi phí thấp… Mô hình cải tạo là một vòng tuần hoàn kín, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế bền vững.
Sau gần 3 năm nghiên cứu, Vương đã hoàn thành “đứa con tinh thần” này và nhận được học bổng 15 triệu đồng, theo chương trình “Tiếp sức những ước mơ 2013”. Vương chia sẻ: “Có rất nhiều người nuôi tôm đã liên hệ, muốn mình chuyển giao quy trình này để họ áp dụng tại nhà.
Tuy nhiên, một số người chỉ nghĩ đến lợi ích kinh tế mà không quan tâm tới môi trường, điều mà dự án rất tâm huyết nên mình không đồng ý. Cuối cùng, mình đã chuyển giao công trình cho những người thực sự hiểu và tôn trọng dự án. Đó là các cô chú nông dân ở Quãng Ngãi, Đà Nẵng và một số tỉnh miền Tây”.
Hiện nay, Vương vẫn đang tiếp tục chuyển giao mô hình cho nông dân, đồng thời, nghiên cứu và bổ sung thêm những phương pháp và công nghệ mới để mô hình này luôn bước kịp với các xu hướng kỹ thuật công nghệ đang thay đổi từng ngày.
Sẻ chia tâm huyết cùng các bạn trẻ
Vương cũng tham gia vào dự án “Chai mặt trời”, do tổ chức tình nguyện 350.org Việt Nam khởi xướng. Vương và các bạn trong nhóm dự án đã cải tiến “chai Mặt Trời” mô hình cũ để cho ra đời “chai Mặt Trời” cải tiến, có nắp chụp.
Vào ban trưa, khi ngủ, người dân có thể kéo dây, 4 nắp chai giống như cánh hoa chụp lại, ánh sáng sẽ bị che và bà con có thể ngủ mà không bị chói mắt. “Chai Mặt Trời cải tiến” được 350.org Việt Nam công nhận là sản phẩm duy nhất do các tình nguyện viên Việt Nam nghiên cứu và chế tạo thành công.
Với những đóng góp của mình, đầu năm 2014, Vương được bầu làm trưởng nhóm “Chai mặt trời”. Nhóm đã lắp “chai mặt trời” cải tiến cho ác căn nhà thiếu ánh sáng ở quận 7 và một số huyện ngoại thành TP. HCM. Vương tâm sự: “Dự án này hướng tới bà con nghèo, sống trong các khu ổ chuột. Được chúng mình giúp đỡ, bà con rất vui mừng”.
Hiện Vương đang thực hiện đề tài “Mô hình lọc nước cải tiến sử dụng ánh sáng Mặt Trời”, đề tài thứ hai bạn tham gia NCKH cấp trường. Lần này, Vương không làm một mình mà vận động, hướng dẫn các em sinh viên năm thứ nhất, thứ hai trong khoa cùng thực hiện.
Thông qua việc này, Vương muốn vừa chia sẻ kinh nghiệm, vừa tạo động lực giúp các bạn rèn luyện tính chủ động, ngay khi mới chập chững bước chân vào giảng đường. Mục tiêu của mô hình này là cung cấp nước sạch cho bà con nông thôn ven sông.
Vương cho biết, sau khi bảo vệ ở trường xong, bạn sẽ ứng dụng mô hình lọc nước này tại Ninh Thuận, một số tỉnh ven sông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và quê hương của các bạn thành viên trong nhóm nghiên cứu, thông qua việc chuyển giao công nghệ.
Mới đây, Vương đã viết một bức tâm thư gửi Ban Tổ chức cuộc thi “Tuổi tuổi trẻ với sáng kiến vì môi trường bền vững”, mong muốn được góp sức thành lập nhóm “Thế hệ ưu tú” nhằm tập hợp những người trẻ nhiệt huyết, đam mê, cùng nhau sáng tạo, hiện thực hóa các ý tưởng khoa học, làm nên các giá trị thật sự phục vụ cộng đồng.
“Ở Việt Nam, có rất nhiều các bạn trẻ tài giỏi, nhiệt huyết và khát khao cống hiến cho xã hội. Họ thực sự là những “cỗ máy sáng tạo trẻ” đang chờ được kích hoạt”, Vương nói.
Theo Hồng Giang
Sinh viên Việt Nam