Cô gái 9X giúp dân phân loại, xử lý rác thải
Với sáng kiến này cô Nguyễn Thị Mai, nhân viên Xí nghiệp môi trường đô thị huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đã giúp việc thu gom rác thải ở nông thôn trở nên dễ dàng, thuận lợi hơn rất nhiều. Cô vừa được UBND huyện Sóc Sơn vinh danh 1 trong 100 gương mặt tiêu biểu nhất toàn huyện.
Sinh ra trong gia đình thuần nông ở xã Đức Hòa (Sóc Sơn, Hà Nội) Mai và gia đình thường phải chứng kiến cảnh ô nhiễm môi trường do người dân xả rác bừa bãi. Cô kể: “Dọc đường làng thỉnh thoảng lại xuất hiện những đống rác chất cao như núi. Nước chảy ra đen ngòm, bốc mùi nồng nặc lại thêm nắng oi bức càng làm cho mùi “sói lộng óc”. Nhà mình gần nơi chứa rác, cứ tối đến ăn cơm là mùi rác “át” mùi thức ăn, cầm bát cơm mà không thể nuốt nổi”.
Nguyễn Thị Mai
Mai được phân công làm mảng kế hoạch, trong đó, việc chính là tổng hợp số liệu về thu gom rác thải toàn huyện (đặc biệt là rác thải nông thôn -tuyến 1). Hàng ngày, Mai thường xuyên phải xuống các thôn xóm để khảo sát thu gom rác và thu phí cho nhà nước.
Công việc tưởng như đơn giản nhưng “đụng đến tiền” là người dân không hợp tác. Thậm chí một số người bực bội bảo: “Tôi đổ rác vườn rồi đốt, đỡ mất tiền đóng”.
Một lần, Mai cùng đồng nghiệp đi thu gom rác được cụ ông râu tóc bạc phơ mang nước ra mời. Ông ngạc nhiên bảo: “Tưởng quê mình không có người thu rác. Giờ thấy cháu “mang văn minh” về làng, ông yên lòng rồi. Quê mình nghèo lắm, cháu phải thật cố gắng. Ông già rồi chứ không cũng tham gia đẩy rác với các cháu”.
Câu nói của ông cụ khiến Mai quyết tâm hơn. Sáu tháng liền Mai phải đi khảo sát thực tế, đánh giá thực trạng để đưa ra cách làm tốt nhất. Đó là, người dân tự phân rác ra hai loại: dễ phân hủy và khó phân hủy.
Với loại rác dễ phân hủy, sẽ được chôn lấp làm phân bón. Loại rác khó phân hủy thì phân ra loại tái chế được và không tái chế được. Loại tái chế được người dân để lại bán cho đồng nát, loại không tái chế được mang ra để công nhân môi trường thu gom và vận chuyển đến nơi xử lý rác thải (bãi Nam Sơn).
Ý tưởng “phân loại rác” đã đem lại hiệu quả cao, nên người dân ngày càng ủng hộ và hợp tác tích cực. Theo đó trong năm 2014, 65 thôn làng của huyện Sóc Sơn đã áp dụng thành công.
Theo Thành Nam
Tuổi trẻ thủ đô