Chuyện xúc động về người giúp việc 14 năm nuôi con thay chủ cũ

Tác giả: coaynoiĐăng ngày: 13/06/2018Lần cập nhập cuối: 31/12/2020

Chuyện xúc động về người giúp việc 14 năm nuôi con thay chủ cũ

Theo đó, cách đây 16 năm, vào năm 2002 bà Bình lên Hà Nội thuê trọ cùng con gái tại khu vực Long Biên (Hà Nội). Hàng ngày để kiếm thêm thu nhập, bà nhận trông trẻ thuê cho những gia đình xung quanh.

Ngày 8/1/2004, bé Hoàng Huyền Thương (khi ấy mới được 5 tháng tuổi) được mẹ gửi bà trông giữ với tiền lương 1 triệu đồng/ tháng. Bà Bình kể, thời điểm đó người phụ nữ lấy lý do bận đi chữa bệnh nên nhờ bà trông bé Thương cả ngày lẫn đêm.

“Cô ấy rất chân tình và tâm sự hoàn cảnh khó khăn, éo le nên tôi rất thương mà nhận lời đồng ý, dù khi đó con bé khát sữa mẹ, bà cháu chăm nhau rất vất vả”, bà Bình nhớ lại.

Suốt 14 năm qua, bà Đặng Thị Bình trở thành người mẹ đặc biệt, chăm sóc nuôi nấng người con gái cho chủ cũ
Suốt 14 năm qua, bà Đặng Thị Bình trở thành người mẹ đặc biệt, chăm sóc nuôi nấng người con gái cho chủ cũ

Thời điểm đó, cứ cách 2-3 ngày, người phụ nữ này lại ghé thăm con một lần nên bà Bình rất yên tâm. Tuy nhiên, đến tháng 5/2005, khi bé Huyền Thương được hơn 1 tuổi thì người này bỏ đi, tắt liên lạc và cho đến nay không hề có bất cứ tin tức gì.

“Ban đầu tôi cứ nghĩ cô ấy ốm đau, nằm viện nên cố gắng chờ đợi. Tuy nhiên, 1 tuần, 2 tuần trôi qua vẫn không thể liên lạc. Sốt ruột tôi qua phòng trọ tìm thì người chủ thông báo cô ấy đã gói ghém đồ đạc và chuyển chỗ ở”, bà Bình kể.

Bà Bình cho biết, thời điểm bà nhận nuôi Thương khi cô bé mới tròn 5 tháng tuổi - vừa mới cai sữa mẹ
Bà Bình cho biết, thời điểm bà nhận nuôi Thương khi cô bé mới tròn 5 tháng tuổi – vừa mới cai sữa mẹ

Thời gian đầu, bà Bình vẫn nguôi hy vọng sẽ tìm lại được người mẹ cho đứa cháu tội nghiệp. Cứ ở đâu có tin tức mọi người thông báo, bà lại tìm đến tận nơi hỏi thăm tình hình. Tuy nhiên, lần nào cũng chỉ nhận lại kết quả là con số 0. Thấy bà vất vả, kinh tế lại khó khăn nên nhiều người khuyên bà nên cho đứa bé vào trại trẻ mồ côi để bớt gánh nặng nhưng người phụ nữ này không đồng ý.

“Tôi nuôi cháu từ lúc nó còn đỏ hỏn, khóc ngằn ngặt trên tay tôi vì khát sữa đến khi con cứng cáp, bà cháu bện hơi nhau nên tôi chẳng lỡ xa cháu. Chính vì thế, dù cuộc sống khó khăn nhưng tôi vẫn quyết tâm nhận nuôi cháu nên người”, bà Bình xúc động nói.

Để có tiền trang trại cuộc sống và lo cho người cháu nuôi đặc biệt của mình, hàng ngày bà Bình nhận trông thêm 2-3 đứa trẻ quanh xóm. Thương hoàn cảnh của bà, nhiều người xung quanh cũng thường xuyên ủng hộ khi thì hộp sữa, lúc bộ quần áo. Điều đặc biệt là suốt 14 năm qua, dù người con gái bà nhiều lần ngỏ ý đón mẹ về Hưng Yên cho đỡ vất vả nhưng bà Bình vẫn thuê trọ ở khu vực Thượng Thanh (Long Biên) với hy vọng chờ đợi người mẹ quay trở lại đón con.

Điều bà Bình mong mỏi nhất là có sức khỏe lo cho Thương ăn học, nên người
Điều bà Bình mong mỏi nhất là có sức khỏe lo cho Thương ăn học, nên người

Người phụ nữ này xúc động cho biết, đây là quãng thời gian khó khăn nhất của hai bà cháu. Chồng mất sớm, nhà chỉ có vài sào ruộng, để nuôi hai người con gái ăn học bà Bình phải bươn chải, xoay sở đủ nghề. Giờ gia đình có thêm thành viên mới đồng nghĩa với gánh nặng kinh tế cũng đè nặng lên vai bà nhiều hơn.

“Hồi cháu còn nhỏ, nhà nghèo, không có tiền mua sữa bột, tôi mua sữa ông Thọ pha ra cho con uống, cuối tháng nhận được tiền trông trẻ tôi dành dụm mua cho con vài hộp sữa tươi để thay đổi. Khổ nhất là đến thời kỳ con ăn dặm, cháu thèm thịt, tôi cũng chỉ dám mua vài lạng cho con ăn, còn mình mua bì lợn về lọc lấy mỡ nấu canh”, bà Bình chia sẻ.

Bà Bình kể, có lần bà treo thưởng cho Thương, nếu được điểm 10 sẽ thưởng 10 nghìn đồng để con bỏ lợn, cuối năm mua quần áo. Thế nhưng, có lúc Thương được 4 điểm 10 cùng lúc, bà không có đủ tiền thưởng cho cháu. “Mỗi lần nghĩ lại quãng thời gian đó, tôi lại thấy trào nước mắt vì thương con quá, nếu bà không nghèo cháu cũng đỡ vất vả hơn”, bà Bình xúc động nói.

Dù cuộc sống khó khăn nhưng theo bà Bình, Thương là đứa trẻ rất ngoan, tình cảm và sống tự lập. “Tôi cho tiền ăn sáng, nó cũng không dám ăn mà để dành tiết kiệm mua sách vở. Hồi nó mới học lớp 3, còn nhỏ xíu, người gầy nhẳng nhưng thấy xưởng gạch thuê người bốc xếp nó cũng trốn nhà ra nhận làm thuê. Đến khi tay sưng rộp, rớm máu, tôi thương quá hai bà cháu cứ ôm nhau khóc nức nở”, bà Bình xúc động nhớ lại.

Người phụ nữ này cho biết, bà nhận nuôi Thương từ khi cô bé còn đỏ hỏn nên tình cảm bà cháu gắn bó như ruột thịt. Thậm chí, bà còn dành tình cảm cho Thương nhiều hơn cả cháu ngoại của mình. “Cháu mình, mình cũng thương nhưng con vẫn đủ cả bố mẹ, còn Thương mồ côi từ nhỏ nên tôi thương và dành sự quan tâm nhiều hơn”, bà Bình tâm sự.

Trong khi đó, về phần Thương suốt 14 năm chung sống với bà Bình, khi còn nhỏ cô bé vẫn nghĩ mình là cháu ruột của bà. Đến khi biết chuyện, Thương sống khép kín, trầm tính và ít nói hơn nhưng cũng chưa bao giờ hỏi về mẹ. Cô bé tâm sự, dù mẹ có về đón cũng nhất quyết sẽ ở với bà Bình.

Vừa qua, Thương vừa hoàn thành kỳ thi tuyển sinh vào 10 và đang chờ đợi kết quả. Khi hỏi về ước mơ của mình, cô bé thỏ thẻ cho biết, sau này lớn lên muốn làm nghề giáo viên hoặc nếu không sẽ kinh doanh tiệm bánh ngọt để có tiền phụng dưỡng, chăm sóc bà khi về già.

Hiện bà Bình đã ngoài 60 tuổi, sức khỏe yếu nhưng hàng ngày vẫn nhận trông thêm trẻ để có tiền trang trải cuộc sống. Theo bà Bình điều bà mong mỏi nhất lúc này là có sức khỏe để lo cho Thương đến khi cô bé học xong đại học. Sau nữa, là có thể tìm lại được gia đình cho người cháu nuôi đặc biệt của mình.

“Suốt 14 năm qua, tôi luôn chờ cuộc điện thoại của mẹ Thương. Tôi hiểu, dù bà có thương cháu đến đâu cũng không bằng tình cảm mẹ con ruột thịt được. Hiện tôi chỉ mong được sống đến ngày chứng kiến Thương học xong đại học, có việc làm, lập gia đình ổn định cuộc sống. Lúc đó, có nhắm mắt xuôi tay tôi cũng cam lòng”, bà Bình xúc động nói.

Hà Trang

Video: Trọng Trinh