Chuyện tình tự kể của “hiệp sĩ” CNTT và nữ thạc sỹ kinh tế
Đó là chuyện tình cổ tích của cặp vợ chồng “đặc biệt” Khúc Hải Vân (SN 1982) và Hoàng Thị Nguyệt Ánh (SN 1983), trú tại ngõ Trung Tiền, Khâm Thiên, Hà Nội. Hải Vân, chàng thanh niên tài giỏi nhưng bị mù cả hai mắt . Còn Nguyệt Ánh là một cô gái thông minh, có học thức, có công việc ổn định. Cô gái trẻ đã vượt qua bao khó khăn, bỏ lại sau lưng mọi lời đàm tiếu để đến với chàng trai khuyết tật ấy.
“Vệt sáng” trong bóng tối
Tôi hẹn vợ chồng “đặc biệt” ở quán cafe gần nhà Vân vào một buổi tối cuối tuần. Bởi ngày thường cả Vân và Ánh đều rất bận rộn. Vân đến rất đúng giờ. Nhìn tôi, Vân giải thích: “Ánh đang bận rửa bát. Cô ấy sẽ đến sau. Từ ngày về làm dâu, nhà đông người, Ánh cũng thêm vất vả…”.
Nhấp một ngụm cà phê đen đắng ngắt, Vân cứ kể về cuộc đời của mình: “Tuổi thơ của em chìm trong đau khổ. Hàng ngày phải nghe những người bạn chơi đùa ngoài ngõ qua một khung cửa đóng chặt. Đó là một tuổi thơ chỉ có âm thanh từ cái đài hay tiếng kể chuyện của bà…”.
Đến tuổi tới trường, Vân bắt đầu làm quen với mọi thứ, bắt đầu học tính tự lập, tự chăm sóc bản thân bằng những cảm nhận qua đôi tai của mình. Khi kể về tuổi thơ và những tháng ngày được gia đình chăm sóc, nuôi nấng, đôi mắt Vân ngấn lệ.
Từ trước đến nay, chưa ai từng hỏi anh về tuổi thơ và cả những dự định trong tương lai. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi về chuyện tình cổ tích, bỗng nhiên Vân cảm thấy nhẹ nhàng và tự hào. “Tôi thương và thầm cảm ơn Ánh vì đã mang lại niềm tin yêu và hạnh phúc cho mình. Vì tôi mà Ánh đã chịu hy sinh rất nhiều…”.
Năm 1982, khi mới sinh, các bác sỹ chẩn đoán Vân bị viêm màng bồ đào bẩm sinh. Đã hỏng mắt, Vân còn bị bệnh thần kinh nên đầu và đôi tay của anh rất yếu. Bố mẹ đã đưa Vân đi chữa chạy khắp nơi nhưng không có kết quả.
Rồi lớn lên, bố mẹ cho Vân đi học tại trường Nguyễn Đình Chiểu, trường dành cho những người khiếm thị. Vân bắt đầu cuộc sống tự lập từ đó. Hàng ngày, cậu bé học chữ bằng sự cố gắng gấp 5 gấp 10 lần người bình thường. Và rồi niềm say mê văn học bắt đầu ngấm vào chàng trai khiếm thị.
Say mê và yêu thích văn học, năm 2005, Khúc Hải Vân đã thi đỗ trường đại học KHXHNV Hà Nội. Cậu sinh viên giầu nghị lực lại bắt đầu những tháng ngày miệt mài đèn sách dù gặp phải không ít khó khăn. Ngày ngày, chàng trai này phải lóc cóc đi xe bus đến trường. Vân bắt đầu biết sử dụng máy tính từ năm 2003, trong lần đi thi đại học lần đầu (Học viện Hành chính quốc gia). Lần thi đó Vân đã trượt nhưng anh đã tiếp cận với máy tính.
Với khả năng nghe và thẩm thấu âm thanh khá tốt, năm 2008, Vân bắt đầu làm công việc biên tập âm thanh cho các tổng đài và các công ty truyền thông. Công việc chính của anh là thu âm, cắt lỗi cho các file âm thanh, đồng thời giám sát và tập huấn cho những người thu âm sau.
Ngày ấy, niềm đam mê công nghệ đã khiến Vân bỏ dở ước mơ trở thành nhà văn. Anh quyết định thôi học tại khoa Văn, ĐH KHXH&NV Hà Nội. Ngoài việc giảng dạy tại trung tâm tin học Tia Sáng, Vân còn làm quản lý phòng thu, trực tiếp thu âm cho khách hàng. Với những đóng góp của mình cho cộng đồng, năm 2009, Hải Vân vinh dự nhận Giải thưởng Chim Én – Giải thưởng vinh danh các cá nhân và tổ chức hoạt động thiện nguyện xuất sắc trong năm.
Cũng năm 2009, Hải Vân đã tình cờ được gặp nhóm sinh viên Công nghệ thông tin trường Đại học Bách Khoa. Được sự trợ giúp của họ, dự án “Website cho người khiếm thị – tamhonvietnam.net” ra đời. Trang website này thực sự đã trở thành mắt thứ hai cho người khiếm thị.
Tình yêu cổ tích
Nói chuyện với chúng tôi, Vân cho biết, anh đã từng yêu, từng đau khổ không chỉ một lần. Nhưng những lần trước, các cô gái Vân yêu đều là người khuyết tật. Ngày ấy, tình yêu của Vân chỉ là qua điện thoại, tin nhắn, email chứ không có những cuộc hẹn hò như các đôi tình nhân khác.
Rồi đến một ngày, một cô gái đến xin thử giọng cho dự án “Tâm hồn Việt Nam”. Nàng tên là Nguyệt Ánh. Cô gái này từng tốt nghiệp thạc sĩ ở Nga và đang làm việc cho một ngân hàng tại Hà Nội. Nàng là một trong rất nhiều tình nguyện viên đến thử giọng. Lần đầu tiên nghe giọng nàng, Vân cảm nhận cô gái này có điều gì đó rất đặc biệt. Giọng nói của nàng nhẹ và rất hay.
Từ đó, ngoài thời gian gặp gỡ tại phòng thu, Vân và Ánh thường xuyên liên lạc trao đổi công việc qua điện thoại . Rồi lâu dần, cả hai cảm thấy không thể thiếu nhau. Hai tháng sau, họ bắt đầu hẹn hò. Mới đầu là một điểm hẹn nào đó, Vân đi xe bus đến, còn Ánh đi xe máy. Một thời gian sau, Ánh tình nguyện làm người đưa đón Vân trong những lần hò hẹn.
Họ yêu nhau từ lúc nào mà chẳng biết. Ánh vui vì được ở bên Vân nhưng Vân thì lại âm thần giữ một nỗi sợ mơ hồ. Bởi Ánh là người bình thường, có học thức, có công việc làm ổn định. Cô có rất nhiều cơ hội để tìm kiếm hạnh phúc.
Chúng tôi đang nói chuyện thì Ánh xuất hiện với nụ cười thật tươi. Cô xin lỗi vì đến muộn do bận công việc trong gia đình chồng. Dáng người cao gầy, bước đi rất nhẹ cùng giọng nói ấm áp, trông Ánh thật giản dị và gần gũi. Vân quay sang vợ âu yếm: “Ánh sẽ kể tiếp về câu chuyện tình yêu của chúng tôi”.
Được biết, Ánh xuất thân trong một gia đình trí thức, nhà có ba anh em ở Nam Định. Năm 2003, khi đang học Đại học Ngoại Thương, Ánh nhận học bổng du học Nga. Năm 2008, Ánh trở về nước với tấm bằng thạc sĩ Kinh tế và được nhận vào làm việc tại Ngân hàng Việt- Nga. Tình cờ biết dự án “Tâm hồn Việt Nam” qua một người bạn. Tuy nhiên, ít ai biết được để đến được với Vân, Ánh đã phải vượt qua biết bao sự phản đối kịch liệt của gia đình, họ hàng. “Ban đầu khi quyết định yêu anh, tôi chịu nhiều áp lực lắm. Nhưng tôi muốn ở bên và chăm sóc cho anh ấy”.
Những giọt nước mắt
Lần đầu tiên về Nam Định ra mắt bố mẹ Ánh, Vân đã gặp phải sự phản đối kịch liệt. Thậm chí bố Ánh không nhìn mặt cậu con rể tương lai và nhất quyết phản đối mối quan hệ này. Vân nhớ rất rõ, lúc đó bố vợ đã nói: “Không biết nó tài giỏi thế nào, đã làm được việc gì, chỉ biết nó không nhìn thấy gì…”.
Thậm chí có ý kiến trong gia đình Ánh còn cho rằng Vân đến với Ánh chẳng qua cũng chỉ là lợi dụng. Những lúc ấy, Ánh luôn ở bên động viên, an ủi Vân và nỗ lực thuyết phục gia đình. Tuy nhiên, sự cố gắng của Ánh suốt nhiều tháng trời vẫn không kết quả. Vân đã không ít lần khuyên Ánh không nên trái ý bố mẹ và quyết định chia tay nhau.
Sau đó, một thời gian quyết định không gặp nhau. Bất ngờ, một buổi tối, Vân xuất hiện tại khu chung cư nơi Ánh trọ với một bông hồng trên tay. Vân gọi điện nhưng Ánh nói sẽ không ra gặp anh nữa. Mặc dù nói vậy nhưng Ánh buồn và khóc nhiều lắm. Vân cứ đứng như trời trồng giữa sân khu chung cư. Một tiếng, hai tiếng, ba tiếng… Vân quyết định sẽ đứng đó đến khi nào Ánh chịu ra gặp.
Vân không giấu nổi cảm xúc khi nghĩ lại buổi tối “đặc biệt” đó: “Chúng mình đi chơi quanh Hồ Gươm, đi dạo phố, rồi đi ăn, bất ngờ Ánh nói: “Anh ơi, mình cưới nhau đi!”. Một đám cưới “đặc biệt” vấp phải sự phản đối kịch liệt của gia đình nhà gái. Thậm chí, khi bố mẹ Vân đến xin cưới, bố Ánh cũng nhất quyết không gặp. Lại tiếp tục những ngày dài thuyết phục.
Rồi đến ngày 18/3/2012, đám cưới như mơ của Hải Vân và Nguyệt Ánh đã diễn ra với sự có mặt của đông đủ hai bên gia đình. Ánh âu yếm đưa tay lên vai chồng: “Với em, đó là cái duyên. Ngày em đến với anh, em có nghĩ đến lợi danh gì đâu. Chỉ biết rằng chúng em hiểu nhau, thương nhau, cảm thông số phận rồi nên nghĩa vợ chồng thôi”.
Từ chàng mù trở thành Hiệp sĩ công nghệ thông tin
Vân gặp anh Hà, người sinh hoạt cùng Quận Hội người mù Đống Đa và có cùng sở thích và đam mê với công nghệ thông tin để rồi năm 2005, hai người đã thành lập Trung tâm tin học Tia Sáng và giảng dạy miễn phí cho các học viên có cùng hoàn cảnh. Cho đến nay, trung tâm đã đào tạo cho khoảng 550 lượt học viên.
Thậm chí, chàng trai khiếm thính đã góp phần tạo ra bộ giáo trình đào tạo tin học cho người khiếm thị bằng âm thanh và hình ảnh. Cũng năm 2005, Khúc Hải Vân đã được tạp chí Echip tôn vinh là “Hiệp sĩ công nghệ thông tin”. |
Theo Hoàng Sa
Gia đình & PL