Chuyện tình lênh đênh trên sông Hồng, dài 1/2 thế kỷ của “bà mù – ông điếc”
Chuyện tình lênh đênh trên sông Hồng, dài 1/2 thế kỷ của “bà mù – ông điếc”
Chiếc bè sát mép bờ sông Hồng, nằm ngay dưới chân cầu Long Biên, rộng vẻn vẹn 15 mét vuông là “ngôi nhà” – nơi chứng kiến tình yêu 50 năm của ông Nguyễn Văn Thành (83 tuổi) và bà Nguyễn Thị Thuỷ (82 tuổi).
“Bà cầm vào đây này, chỗ này không nóng. Tôi thổi rồi đó, bà uống đi”, ông cụ Thành đặt cốc nước chè vào tay vợ một cách tỉ mẩn, cẩn thận. Nhìn cách ông ân cần chăm chút cho bà, chẳng mấy ai ngờ rằng, mối tình nghèo của ông bà đã kéo dài đúng tròn 50 năm – một phần hai thế kỉ.
Bà Thủy vừa nâng chén, nhấm nháp ngụm nước chè, ông Thành đã nhanh tay với chiếc quạt giấy phe phẩy cho vợ. “Từ hồi tháng 8 đến giờ, mắt bà ấy hỏng hẳn rồi nên không thấy gì nữa. Tội lắm. Bao nhiêu việc trong nhà, việc sinh hoạt tôi đều phải giúp bà ấy chứ không dám rời mắt lúc nào”, cụ ông 83 tuổi tâm sự.
Chiếc bè sát mép bờ sông Hồng, nằm ngay dưới chân cầu Long Biên, rộng vẻn vẹn 15 mét vuông là “ngôi nhà” của ông Nguyễn Văn Thành và bà Nguyễn Thị Thuỷ đã bao năm nay. Trước đây, “ngôi nhà” ấy được chắp vá từ đủ thứ tre, gỗ, tôn, nhựa… ông bà góp nhặt được. Mãi sau này, nhiều người xung quanh thương hai vợ chồng nghèo đã cao tuổi nên giúp đỡ, dựng lên chiếc bè chắc chắn hơn như bây giờ.
“Giờ mưa gió đỡ sợ hơn nhiều rồi chứ trước đây, gió to một chút là có khi thổi bay cả bè, cả người luôn ấy chứ!” – ông Thành vừa kể vừa cười khà khà. Tiếng cười giòn tan trên gương mặt khắc khổ nhưng vẫn minh mẫn, khỏe mạnh hiếm thấy ở cái tuổi ngoài 80.
“Kể có đứa con thì ông ấy không vất vả chăm tôi như bây giờ và hai vợ chồng chắc cũng vui…” bà Thủy nghẹn giọng tâm sự. “Chúng tôi về sống với nhau ngót nghét 50 năm rồi. Năm ấy, cả hai nghèo lắm, thương nhau thì tặc lưỡi, gật đầu về chung nhà.
Tôi nhớ, hôm đó tôi đang ngồi nhặt nhạnh những hạt gạo người ta làm rơi để chắt vào chiếc ống bơ, mong mang về được bữa cháo loãng. Run rủi thế nào, ông ấy đi ngang qua nhà Ga Hà Nội thì thấy cảnh đó. Vậy là ông ấy ngỏ lời muốn đón tôi về làm vợ, hai người rau cháo nuôi nhau, sống qua ngày”.
“50 năm qua, vợ chồng thì cũng có lúc bất hòa, cãi cọ nhưng mỗi người nhịn một tí. Cả đời chúng tôi chưa bao giờ sung sướng, cứ nay đây mai đó kiếm ăn qua ngày, chẳng con cái cũng chẳng có họ hàng, quê hương… Từ khi tôi bị mù lòa thì cuộc sống càng chật vật vì bao việc đè lên vai ông ấy cả. Nhưng có vậy mới thấy ông ấy thương tôi thế nào…” – bà Thủy chấm nước mắt kể.
Trên chiếc bè dập dềnh ven sông, điện là thứ xa xỉ với 2 vợ chồng già. “Trước đây mọi người cũng mua tặng chúng tôi cái ắc quy mặt trời. Nhưng trộm nó lấy mất lâu rồi. Cả nhà chỉ còn ngọn đèn ắc quy nhỏ leo lét, lúc sáng lúc tối, đủ để đêm hôm còn dùng tạm. Mùa hè này, nắng nóng như đổ lửa càng khổ. Hai ông bà cứ phe phẩy quạt cho nhau ngủ cả đêm thôi.” – ông Thành chia sẻ.
Chiếc bè chật hẹp nhưng rất mực gọn gàng, sạch sẽ. Đồ xin được, ông Thành đều mang về lau rửa sạch sẽ, sắp xếp hợp lý trong nhà.
Hàng ngày ông Thành đạp xe quanh chợ Long Biên, người ta cho gì thì ăn nấy, có đồ ngon ông đều để dành để mang về cho bà. Đêm đến, ông cặm cụi đi nhặt phế liệu từ 8h tối đến 1, 2h sáng hôm sau. Ngày thuận lợi cũng kiếm được 20.000 – 30.000 đồng. Từ ngày mắt bà không thấy gì nữa, ông lo mọi việc cơm nước, trồng rau hái rau ở bãi đất ven bờ.
Từ việc nhỏ nhất như quét nhà nấu nướng, ông Thành cũng là người làm hết.
Bữa cơm của hai vợ chồng già chẳng có gì ngoài bát cơm trắng, đĩa rau luộc và bát mắm ớt. Ông Thành vẫn vui vẻ bảo: “Có khi nhờ ăn đạm bạc thế này mà hai vợ chồng tôi mới khỏe như này đó”.
Trong túp lều nhỏ của hai ông bà, ngày nóng như đổ lửa cũng vậy, ông bà chỉ chờ những cơn gió thôi qua những ô cửa sổ nhỏ làm dịu đi cái nắng nóng.
Trên cánh tay ông Thành có ghi 26.9.69. Đây chính là ngày hai ông bà về chung một nhà. 50 năm với bao thăng trầm trôi qua, vết mực săm vẫn còn đó giống như “tình cảm của tôi dành cho bà ấy vậy”.
Gia tài lớn nhất của ông bà là chiếc xe đạp mini được mọi người quyên góp tặng. Ông chăm chút, lau chùi cho chiếc xe như bảo bối vậy. “Không có chiếc xe thì tôi chẳng biết đi kiếm tiền thế nào”.
“Mỗi lần ra khỏi nhà là phải khóa cửa cẩn thận. Tôi sợ bà ấy không may đi lại rồi ngã. Nguy hiểm lắm! Đi đâu cũng mau mau chóng chóng chạy về để xem bà ấy thế nào”, ông Thành tâm sự.
“Có lần khó khăn nhất là lúc tôi bị người ta hiểu lầm, đưa lên trại ở Ba Vì gần 4 tháng. Phải nhiều lần giải thích là còn vợ mù ở nhà không ai chăm sóc, người ta mới cho về”, ông Thành rưng rưng kể.
Toàn Vũ