Chuyện tế nhị của giới trẻ mê đóng phim

Tác giả: coaynoiĐăng ngày: 07/05/2007Lần cập nhập cuối: 01/01/2021

Các diễn viên trong phim Nhật ký Vàng Anh đều mất nửa năm tập trung cho bộ phim. Lúc rỗi họ đều phải ở trường quay, không thời gian ăn cơm với gia đình, không thời gian đi chơi với bạn bè, việc học tập bị chi phối.

Các bạn phải bỏ hết việc học, có những hôm bắt buộc quay vào buổi sáng, diễn viên phải nghỉ học. Vai diễn của Bích và em gái Vàng Anh, đoàn phim đã có công văn gửi về trường, cam kết việc làm phim sẽ không ảnh hưởng đến học tập của các em. Nhưng có những buổi cần quay gấp, nhà trường vẫn phải đồng ý, vì lịch quay đã xếp, tiến độ quay bắt buộc diễn viên phải có mặt.

Mặc dù cố gắng hết mức và xoay như chong chóng nhưng mọi thứ vẫn chồng chéo khiến diễn viên Minh Hương (vai Vàng Anh) chịu nhiều áp lực. Mỗi lần bị một bên nào đó la rầy chỉ còn nước ôm mặt khóc. Diễn viên Thanh Vân đóng vai Minh xìtin đúng lúc thi học kỳ, phim Nhật ký Vàng Anh phải quay trước để Tết nghỉ. Các anh chị trong đoàn phim cũng tạo điều kiện cho Vân nghỉ ôn thi nhưng chỉ được một ngày. Vân bắt buộc phải học tủ, may mà lần đó cũng qua.

Nhiều bạn trẻ còn vấp phải những biến cố tình cảm riêng tư. Bộ tứ của nhóm Vàng Anh, một cách tình cờ, chia tay bạn trai cùng lúc với diễn biến của bộ phim này. Nguyên nhân tan vỡ do thiếu thời gian để vun đắp tình yêu, những hiểu lầm gây ra xích mích.

Bộ phim Áo lụa Hà Đông có sự góp mặt của ba diễn viên nhí Thu Trang, Thiên Tú và Thu Hằng khởi quay vào đầu tháng 4 – gần đến kỳ thi học kỳ 1 của học sinh phổ thông. Đoàn phim phải gửi công văn đến các trường để các em được đóng phim dài ngày. Đoàn làm phim phải liên hệ với một ngôi trường ở Hội An để các em sẽ vừa học vừa đóng phim. Kết quả thi học kỳ ở Hội An sẽ được chuyển ra trường các em ở Hà Nội. Riêng môn Tiếng Trung, trường trong Hội An không có, nên đến ngày thi, mẹ của một diễn viên phải bay vào Hội An đón con ra thi rồi lại quay lại đoàn phim. 

Trong 4 tháng quay phim, phụ huynh của ba diễn viên nhí luôn phải có mặt ở đoàn phim để chăm sóc con. Bố mẹ của Thu Hằng phải nghỉ việc cơ quan để đi theo.

Chị Thương, mẹ Thiên Tú (vai Ngô trong Áo lụa Hà Đông) đi theo con cùng đoàn phim đã cảm nhận được sự vất vả của việc làm phim. Vì Tú ham mê và có năng khiếu nên chị chiều con. Với suy nghĩ của một người mẹ, chị không thích con lớn lên sẽ theo nghề này.

Một diễn viên trong Nhật ký Vàng Anh tâm sự: “Nếu xác định công việc trong tương lai của mình không phải là diễn viên, hãy cân nhắc và thận trọng khi quyết định”.

Cô giáo Phạm Bích Hồng, giáo viên trường Hà Nội – Asterdam nhận xét, chương trình học phổ thông lượng kiến thức rất nhiều, tuần nào cũng có bài kiểm tra. Các em không thể nghỉ học mấy tháng liền vẫn có thể có kết quả học tập tốt.

Theo cô Hồng, việc kiếm tiền quá sớm cũng ảnh hưởng đến tâm lý của các em. Khi đi làm phim, các em quen biết rộng rãi ngoài xã hội, gặp gỡ với nhiều thế hệ khác nhau. Lúc ở lại môi trường của mình sẽ cảm thấy khó hoà đồng và chia sẻ với bạn bè đồng lứa.

Tuy nhiên, các đạo diễn thích dùng diễn viên trẻ không chuyên bởi họ không câu nệ tiền cát xê, chỉ cần được nổi tiếng. Một tập phim Sitcom được trả cát xê diễn viên chính là 200.000 đồng, diễn viên thứ chính 100.000 đồng, thấp dần với các diễn viên phụ.

Theo Gia đình & Xã hội