Chuyện lạ ở Hà Nam: Đám cưới chú rể không biết mặt cô dâu
Đám cưới chú rể không biết mặt cô dâu
Mỗi khi nhắc đến kỷ niệm cũ, bao giờ ánh mắt ông Chiểu dành cho vợ cũng đầy ấm áp. Bà Dần quê gốc ở xã Nguyên Lý (Lý Nhân). Bố mất sớm, từ nhỏ bà đỡ đần mẹ gánh vác việc gia đình, nuôi các em.
Năm thực dân Pháp đi càn, mẹ bà đưa các con chạy về xã Văn Lý tản cư. Tại đây, mẹ bà Dần và mẹ ông Chuẩn gặp gỡ, quen biết rồi hai bên đánh tiếng kết sui gia. Chưa đầy 16 tuổi, bà Dần về làm dâu nhà chồng.
‘Ngày xưa, cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy. Chuyện hôn sự đều do người lớn sắp đặt. Từ khi hai gia đình hứa gả con cái cho đến khi tổ chức đám cưới, tôi không biết mặt cô dâu xấu, đẹp ra sao? Nghe mẹ thông báo mai đi hỏi vợ là đi’, miệng cười hiền, ông Chiểu kể về mối tình của mình và vợ.
Ngôi nhà ngói đơn sơ của vợ chồng ông Chiểu ở Văn Lý (Lý Nhân, Hà Nam).
Đám cưới của ông bà diễn ra giữa thời loạn, cuộc sống vô cùng thiếu thốn. Tuy vậy, hôn lễ vẫn đầy đủ các thủ tục: Dạm ngõ, ăn hỏi, cưới treo.
‘Tôi được mẹ chuẩn bị cho bộ áo dài, khăn xếp. Cỗ cưới chỉ có thịt lợn luộc thái ra mời khách, thêm đĩa rau và bát nước luộc thịt làm canh.
Lúc đón dâu về, tôi bẽn lẽn lắm. Đó cũng là lần đầu tiên tôi và ông Chiểu biết mặt nhau. Lấy nhau lúc còn trẻ con, chúng tôi cũng không có đêm tân hôn. Suốt mấy năm đầu, tôi nằm với chị chồng và mẹ chồng’, bà Dần nói.
Sau lễ cưới, ông Chiểu tiếp tục việc học tập, bà Dần ở nhà trồng cấy, chăn nuôi. Trưởng thành, chín chắn hơn, ông bà mới thực sự sống đời chồng vợ.
Trọn vẹn một đời
Nên duyên từ sự sắp đặt của người lớn nhưng cuộc hôn nhân của ông bà vẫn hạnh phúc.
‘Vợ tôi ngày trẻ là người có nhan sắc, nước da trắng ngần. Một khi đã yêu, mọi thứ đều trở nên đẹp đẽ hết’, cười khà khà, ông Chiểu chia sẻ.
Suốt năm tháng ấy, họ chưa từng cãi vã, to tiếng. Kể cả giai đoạn khó khăn, túng thiếu nhất về vật chất, đời sống tình cảm giữa hai vợ chồng vẫn mang một màu sắc hạnh phúc.
Bà Dần bên cô con gái thứ 4 – chị Nguyễn Thị Xuân.
‘Lấy chồng, sinh liên tiếp 10 người con, cả một đời vợ tôi tần tảo, thay chồng gồng gánh lo toan. Tôi làm thầy giáo dạy thể dục, trường ở xa nhà, cả tuần mới về thăm vợ con 1 lần. Các con thành đạt, có hiếu như ngày hôm nay đều một tay bà ấy dạy dỗ, nuôi nấng.
Bất cứ việc gì làm ra tiền, ra gạo, vợ tôi chẳng nề hà. Buôn bán, lãi 2,3 bơ gạo cũng nhặt nhạnh nuôi đàn con. Chưa lúc nào thấy bà ấy than vãn, kêu ca nửa lời.
Tôi dạy học trên Thường Tín, cách nhà 40 km. Nhà đông con nên gia cảnh tôi vô cùng khó khăn, không đủ tiền mua xe đạp. Chiều thứ 7 tôi đi bộ từ trường về nhà, ròng rã mấy tiếng mới đến nơi.
Ngày đầu tuần, tôi dậy từ 1 giờ sáng lên trường. Tôi thương con 10 nhưng thương vợ gấp ngàn lần’, nhà giáo 85 tuổi tâm sự.
Chia sẻ về việc sinh nhiều con, bà Dần cho hay, thời trước chưa có biện pháp tránh thai như bây giờ nên ông bà không kế hoạch hóa.
Năm 1977, sau khi sinh con trai út, địa phương bắt đầu có chính sách đặt vòng tránh thai. Chị em phụ nữ xã e ngại, sợ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng…
Bà Dần không nao núng, xung phong đặt đầu tiên. Ông Chiểu hết sức ủng hộ, động viên vợ. Kỷ niệm lần đó, bà được tặng chiếc quần lụa satanh Trung Quốc.
Giờ đây, ở tuổi xế chiều, con cái trưởng thành, ông bà có nhiều thời gian dành cho nhau hơn. Bà Dần thích đọc sách. Tủ sách úa màu ở gian nhà ăn là tài sản mà bà nâng niu, trân quý.
‘Chính vì ham mê đọc sách từ nhỏ, thông thuộc nhiều câu chuyện mang tính giáo dục mà vợ tôi rất thông thái, dạy con bằng chính những câu chuyện đó’, ông Chiểu nói tiếp.
Ông Chiểu thích sáng tác thơ văn. Đặc biệt, ‘nàng thơ’ xuyên suốt các tác phẩm của ông là vợ. Mỗi năm vào dịp mùng 2/9, con cái, cháu chắt của ông bà từ các nơi tề tựu đông đủ, ông lại tặng bà một bài thơ khen ngợi.
‘Gia đình tôi chọn ngày 2/9 để họp mặt thay cho ngày Tết. Vì Tết, chúng còn bận bịu công việc, gia đình riêng. Để chuẩn bị cho ngày này, bà nhà tôi nuôi mấy con lợn, mấy chục con gà, mở tiệc chiêu đãi con cháu.
Tổng số thành viên gia đình tôi hiện này là 70 người, trong đó con cái, dâu rể là 20 người, 24 đứa cháu, 15 đứa chắt, 9 cháu dâu rể’, ông Chiểu kể.
Theo Vietnamnet