Chua chát suất ăn công nhân dưới 15.000 đồng

Tác giả: coaynoiĐăng ngày: 12/10/2019Lần cập nhập cuối: 10/06/2020

Bữa ăn công nhân là một trong những vấn đề nhức nhối về đời sống công nhận được đặt ra tại Hội thảo khoa học “Chất lượng cuộc sống của công nhân TPHCM hiện nay” vừa diễn ra.

Ông Nguyễn Đại Ngọc, Phó trưởng phòng Quản lý ngộ độc thực phẩm, Ban quản lý ATTP TPHCM cho biết, hiện vẫn còn khoảng 6% doanh nghiệp tại TPHCM có mức giá suất ăn công nhân dưới 15.000 đồng.

Chua chát suất ăn công nhân dưới 15.000 đồng - 1

Bữa ăn công nhân còn chưa đảm bảo chất lượng và còn đối diện với nguy cơ thiếu an toàn (Ảnh minh họa)

Trong lần kiểm tra đột xuất một số công ty có bếp ăn công nghiệp tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TPHCM mới đây, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý ATTP TPHCM cho biết, còn có doanh nghiệp suất ăn của người lao động chỉ 11.000 đồng.

Theo ông Đại, hiện chúng ta không có quy định nào về suất ăn cho công nhân, quy định tối về giá tiền ở góc độ quản lý nhà nước. Tất cả chỉ là vận động doanh nghiệp quan tâm hơn bữa ăn cho công nhân

Với giá suất ăn quá thấp, theo ông Ngọc rất khó đảm bảo ATTP, đảm bảo chất lượng cho bữa ăn. 

Trước tình trạng chợ tự phát, hàng rong thiếu an toàn tràn lan ở các công nhân, ông Ngọc cho hay, họ đang xây dựng chợ đầu mối thành chợ đầu mối thực phẩm an toàn. Mỗi quận huyện có 1 chợ về an toàn thực phẩm, kiểu mẫu với các tiêu chí cụ thể, sau đó sẽ nhân rộng ra các địa bàn.

Nhưng một thực tế, thu nhập thấp thì tự động, công nhân sẽ tìm đến những quán, chợ rẻ. Ông Ngọc đặt ra vấn đề, chúng ta đã khuyến cáo mua thực phẩm ở các chợ an toàn nhưng liệu có ngăn được công nhân sử dụng hàng rong, các chợ tự phát thiếu an toàn hay không.

Phải tăng lương cho công nhân 

Số lượng công nhân tại TPHCM trong những năm qua tăng mạnh, hiện có khoảng 2,2 triệu người. Lương thấp, tăng ca, không có thời gian cho gia đình, công nhân thường sinh sống ở các phòng trọ chật chội, thiếu giải trí.. là bức tranh chung của nhiều khảo sát nghiên cứ về đời sống công nhân cũng được các đại biểu nhắc đến tại hội thảo. 

Chua chát suất ăn công nhân dưới 15.000 đồng - 2

Không ít công nhân phải vay nặng lãi để trang trải cuộc sống (Ảnh minh họa)

Trong bài báo cáo của mình, TS Hồ Bá Thâm, Viện trưởng Viện giáo dục và phát triển nhân lực Á Châu đề cập đến đến một khảo sát tại Khu công nghiệp Linh Trung 1 thì mức lương cơ bản trung bình của công nhân là 4,87 triệu đồng/tháng, tổng thu nhập là 6,2 triệu đồng. 

So sánh mức thu nhập – chi tiêu, các hộ gia đình có 1 con nếu biết tằn thiệt thì thì tạm đủ trang trải cuộc sống, có dành dụm được chỉ mức 300.000 đồng/tháng. Còn gia đình 2 con thì không đủ để trang trải cuộc sống. 

Chuyện công nhân phải cầm thẻ ATM, chứng minh, thậm chí cả sổ bảo hiễm xã hội để vay nóng bên ngoài để lo cho cuộc sống mưu sinh cũng được đề cập đến tại các báo cáo.  

ThS Lê Văn Thành, Viện nghiên cứu phát triển TPHCM đưa ra nhóm 8 tiêu chí chất lượng về đời sống công nhân TPHCM về việc làm – thu nhập, an sinh xã hội, môi trường làm việc, nhà ở, ăn uống, giáo dục… 

Trong đó, ông Thành cho rằng lương cứng (không tính thu nhập tăng thêm) của công nhân phải đạt ngưỡng 6 triệu đồng mới có thể đảm bảo được mức sống ổn định. Bởi nếu lương tối thiểu không đạt được mức sống tối thiểu thì mọi tiêu chí khác không có ý nghĩa.

Chua chát suất ăn công nhân dưới 15.000 đồng - 3
Chua chát suất ăn công nhân dưới 15.000 đồng - 4

Một trong những đề xuất về tiêu chí chất lượng cuộc sống công nhân TPHCM 

Về tiêu chí nhà ở, phải nói công nhân rất khó để sở hữu một căn nhà. Thế nên, cần có chính sách ưu  đãi để công nhân có điều kiện sống thuê trọ, ông Thành nhấn mạnh chỗ trọ phả tươm tất, sạch sẽ, an toàn vệ sinh, tiền thuê nhà không quá 30% tổng thu nhập, diện tích bình quân 10 m2/người. 

Để nâng cao chất lượng cuộc sống công nhân, ông Kiều Ngọc Vũ, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM nêu quan điểm, cần kiến nghị tăng lương, giảm giờ làm cho công nhân. Cho dù điều này rất khó vì đi ngược với lợi ích, mong muốn của doanh nghiệp. 

Theo ông Vũ, cần giảm giờ làm từ 48 giờ/tuần xuống còn 44 giờ/tuần để công nhân tái sức lao động, đặc biệt là nhóm công nhân những ngành nghề nặng nhọc, độc hại và công nhân nữ để học có thời gian chăm sóc cho trẻ và gia đình. 

Ngoài ra, cần xác định rõ mức sống tối thiểu của người lao động và thời điểm công bố để các cấp ngành có cơ sở đề xuất tăng lương, giúp người lao động cải thiện cuộc sống.

Hoài Nam