Chữ “trinh” nên được hiểu như thế nào?

Tác giả: coaynoiĐăng ngày: 20/04/2012Lần cập nhập cuối: 14/01/2021

Vừa qua báo chí ở Việt Nam nói nhiều đến việc một cô gái ở Cần Thơ bị chồng/nhà chồng rũ bỏ vì cho là không còn trinh trắng và nghi là nhân vật trong một video clip sex trên mạng. Bác sĩ nghĩ sao về chuyện này? (T. Dũng, trường ĐH Cần Thơ)

 

Chuyện tình nào dang dở cũng phức tạp và tang thương. Nếu chỉ vì không còn trinh trắng mà tan rã cuộc tình thì có lẽ “danh dự” quan trọng hơn tình yêu, thương mình hơn là thương vợ.

 

Nhưng tôi cũng xin nói thêm: Đừng đánh giá con người dựa trên những điều tế nhị như thế. Ví dụ như chồng có án bị tù thì vợ có ly thân không?

 

Bác sĩ nghĩ sao khi một cuộc điều tra không chính thức ở Việt Nam cho biết 80% nam giới không chấp nhận vợ mất trinh? (Lan Hương, ĐH Thái Nguyên)

 

Có thể con số thăm dò là chính xác. Có thể tỉ lệ cao hơn hoặc thấp hơn. Nhưng các bạn nam hãy trả lời thành thực câu hỏi: Bạn có muốn “yêu thử” trước khi yêu thật không? Tôi tin chắc tỉ lệ câu trả lời “Có” cũng không thấp hơn 80%.

 

Tức là nam giới tự cho phép mình “phá trinh” của mình và của bạn gái, trong khi phụ nữ làm như thế thì nam giới lại không chấp nhận. Tôi cho rằng quan niệm như vậy là hủ lậu, đạo đức giả.

 
Chữ trinh nên được hiểu như thế nào?
Nam giới tự cho phép mình “phá trinh” của mình và của bạn gái, trong khi phụ nữ làm như thế thì nam giới lại không chấp nhận…(ảnh minh họa)
 

Cần nhìn nhận như thế nào về chữ “Trinh” trong xã hội hiện nay dưới góc độ tâm lý, tâm thần, thưa bác sĩ? (Hương Trà, Học viện Báo chí – Tuyên truyền)

 

Trong xã hội cũ, chữ “Trinh” là tiêu biểu cho người phụ nữ chưa biết yêu là gì, và là cái màng cấm phụ nữ sống thật với tình cảm, với đời sống sinh lý và sinh dục một cách trưởng thành, sống có sung sướng… Nó biến nữ giới thành nô lệ đợi người đến “gieo mưa móc”.

 

Trong suốt 100 năm qua, công cuộc giải phóng phụ nữ đã giúp họ làm chủ được vận mạng của mình, được tự do chọn lựa, từ bỏ văn hóa cổ hủ, thăng hoa trong một sự hài hòa giữa tình yêu, sinh con, vợ chồng, gia đình và kinh tế.

 

Ở các nước phương Tây như Pháp, nam giới nhìn nhận “Trinh tiết” của nữ giới như thế nào, thưa bác sĩ? (Hải Nam, Học viện Ngoại giao Việt Nam)

 

Ở phương Tây, “Trinh tiết” không còn là một vấn đề hoặc một điều kiện trong quan hệ nam nữ. Hơn nữa, nếu đem chuyện này ra thì thật là hủ lậu vì các chàng sẽ “bị” xem là người không văn minh, gò bó phụ nữ vào một vai trò bị động.

 

Điều này là để nói lên rằng con người (nam và nữ) trưởng thành trong việc chọn bạn đời. Chớ nên suy luận là “tự do dâm dục”. Cũng phải biết thêm là vấn đề này gắn liền với một giai đoạn của văn hoá tộc trưởng (patriarcat).

 

Các văn hoá mẫu hệ thì không có chuyện rắc rối này. Theo tôi được biết thì các dân tộc ở Việt Nam, ngoài dân tộc Kinh, thì thường không quan tâm đến vấn đề còn trinh hay không còn trinh…

 

Ở chế độ tộc trưởng thì nam giới vẫn lo sợ là mẹ của con mình không chung thủy, nhẹ dạ, “dâm dục”, con đẻ ra chưa chắc đã phải là con ruột mình, tức là quan hệ tình yêu xây dựng trên nghi vấn và cấm đoán, kiểm soát.

 

Một vài lời nhắn gửi của bác sĩ tới nam giới Việt Nam? (Thu Hiền, TP.HCM)

 

Nam nữ phải bình quyền thật sự. Muốn thế thì dứt khoát các bà mẹ phải giáo dục con trai mình, cũng như phải giáo dục con gái mình dám sống thật bình đẳng.

 

Theo SVVN