“Chat” cùng nữ thủ khoa tốt nghiệp hai trường ĐH
Hiện nay, Ngọc Hà đang cùng 111 bạn có mặt trong chương trình vinh danh Thủ khoa 2011 do Thành đoàn Hà Nội tổ chức. Được gặp gỡ rất nhiều bạn bè cùng trang lứa và có chung niềm đam mê học tập, Hà vui vẻ chia sẻ những kinh nghiệm để có thể trở thành một “thủ khoa” Nhạc Viện.
Cô bạn cho rằng, đặc thù là một trường đào tạo nghệ thuật khiến cho các bạn học ở Nhạc Viện phải hội đủ các yếu tố về năng khiếu và thường phải được học từ nhỏ, cho nên quá trình rèn luyện rất lâu dài và đòi hỏi sự kiên trì. Muốn phấn đấu đạt thành tích cao, các bạn phải trải qua nhiều thử thách gian khổ trên chặng đường dài nhiều khúc quanh.
Hà ví: “Giống như là cùng một bản nhạc nhưng tuỳ cách thể hiện khác nhau thì sẽ đem đến cho khán giả sự cảm thụ khác nhau. Từ cách mình chọn, cách thể hiện bản nhạc cho đến luyện tập kĩ thuật khá lâu.
So với các bạn học ngành kinh tế, kĩ thuật… thì sinh viên trường em thiên về năng khiếu nhiều hơn và cũng đòi hỏi sự kiên trì một cách bền bỉ. Có lẽ do vậy mà tỷ lệ khá giỏi của trường em không nhiều”.
“Thiên tài là 1% năng khiếu và 99% nỗ lực”, cũng khẳng định được rằng rất nhiều bạn vào Nhạc viện đã có sẵn năng khiếu nghệ thuật. Vậy, theo em, điều gì đã khiến cho em có thể tạo ra sự bứt phá?
Thực ra, quá trình học các chuyên ngành nghệ thuật như chúng em bị chi phối rất nhiều, thường thì là các bạn còn đi diễn ở nhiều nơi nên bài vở, tập luyện cũng bị hạn chế. Để mà có thể đạt thành tích tốt thì em nghĩ phải có sự đầu tư về thời gian, phân bổ một cách có hiệu quả.
Trước đây những cơ hội được biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới, giao lưu với bạn bè năm châu thì điều gì đọng lại trong em? Ấn tượng về một chuyến lưu diễn nào đó?
Khi bọn em sang biểu diễn ở nước ngoài được đón nhận rất nồng nhiệt và cách mà họ thưởng thức nghệ thuật cũng rất khác.
Có một lần đi biểu diễn em cảm thấy rất thú vị đó là năm 2010 em được đến Quảng Châu – Trung Quốc, tham gia Nhạc hội âm nhạc phục vụ cho Đại hội thể thao châu Á – ASIAD. Trong chương trình, từ đạo diễn cho tới cách thực hiện chương trình đều rất chuyên nghiệp và sáng tạo.
Ở đó, mỗi quốc gia chỉ tham gia biểu diễn một đoạn ngắn trong kịch bản về câu chuyện cổ tích Nghìn lẻ một đêm, “mỗi đêm” nàng Xêhêrazat dẫn chúng ta đi qua một vùng đất mới. Câu chuyện được hiện bằng âm nhạc và múa balê cổ điển. Nhờ ấn tượng từ chuyến đi này mà em đã học được khá nhiều về cách tổ chức chương trình bên cạnh việc trau dồi chuyên môn của mình.
Thành tích học tập tốt và đi biểu diễn đã nhiều như vậy, xin tò mò một chút, Hà có thể chơi được những loại nhạc cụ nào?
Em có thể chơi được đàn bầu và đàn tam thập lục, hai chuyên ngành chính của em. Ngoài ra, em có thể đánh đàn T’rưng và đàn K’lông pút. Em cũng học thêm piano.
Được biết Hà còn tốt nghiệp Viện ĐH Mở, khoa Quản trị kinh doanh du lịch khách sạn cách đây một năm. Em làm cách nào để cân bằng tất cả ?
Em cảm thấy mình khá là may mắn. Khi quyết định học hai trường ĐH, mẹ đã ở bên động viên giúp đỡ và cả uốn nắn cho em rất nhiều. Đôi lúc cũng gặp khó khăn trong việc sắp xếp lịch học. Các thầy cô cũng đã rất thông cảm cho em, nhờ đó em được hướng dẫn những cách tiếp cận bài vở nhanh nhất. Vì thế em có thể rút ngắn thời gian hiểu ra vấn đề.
Lời khuyên cho các bạn trẻ mới vào trường là đừng quá e dè, thầy cô lúc nào cũng nhiệt tình đối với việc học tập của sinh viên. Hơn nữa, các giảng viên trường em phần đông là nghệ sĩ, tính tình khá thoải mái và dễ nói chuyện, cho nên tình cảm thầy trò khá khăng khít.
Thế còn thời gian dành cho bạn bè và thư giãn?
Vấn đề này thật ra rất đơn giản. Em không phải cố để tập trung vào học tập mà đây là con đường mà em chọn, em đam mê nó. Vì thế, trong đầu em lúc nào cũng nghĩ xem tiếp theo mình sẽ làm gì, chuẩn bị ra sao để đáp ứng được chương trình học của hai trường.
Đúng là thời gian giải trí, đi chơi đối với em thì khá là ít, thường chỉ có sau những kì thi, nhưng em cũng không cảm thấy bị áp lực. Khi được chơi đàn, hoà vào âm nhạc em đã có được tinh thần thoải mái nhất rồi.
Với riêng Hà, con đường nào đã dẫn em đến với niềm đam mê âm nhạc, cụ thể là nhạc truyền thống?
Đúng là thời gian gần đây, ngay cả bạn bè trong truờng rồi tới các em khoá sau, mọi người đều rất quan tâm và có xu hướng theo học những bộ môn thuộc về âm nhạc hiện đại. Song có lẽ đó là cái duyên, vì mẹ em dạy nhạc truyền thống, nên từ bé em đã được hướng vào học các nhạc cụ truyền thống, dần dần nó trở thành quán tính và sau đó là sự đam mê.
Dù vậy, em cũng rất thích nhạc hiện đại, thường xuyên nghe và nhất là thích kết hợp giữa hai dòng nhạc này. Trước đây, đã nhiều lần em và các bạn kết hợp nhạc cụ truyền thống và đàn piano, violon để làm các chương trình về các loại nhạc mới trong đó có lần thực hiện cả “Poker face” của Lady Gaga.
Em đã có dự định cụ thể cho tương lai?
Em sẽ theo đuổi chương trình học tại nước ngoài, hiện em và gia đình vẫn đang lựa chọn một địa điểm phù hợp. Hy vọng rằng em sẽ có cơ hội để tiếp tục cống hiến cho âm nhạc.
Họ và tên: Lê Thị Ngọc Hà
Ngày sinh: 25/12/1988
Thành tích: Thủ khoa tốt nghiệp HV Âm nhạc năm 2011 chuyên ngành Tam thập lục với:
– Điểm học tập toàn khóa: 9.01
– Điểm rèn luyện toàn khóa: Xuất sắc
Các hoạt động tiêu biểu khác:
– Đại biểu thanh niên VN tham dự trại hè Thanh niên ASEAN 2009 tại Hà Nội.
– Tham gia chương trình ASIAD Quảng Châu (Trung Quốc) 2010
– Biểu diễn tại Hội Hữu nghị Việt – Đức tại (Hamburg, Đức) 2011
– Tham gia Festival âm nhạc dân gian tại Thụy Sĩ năm 2011
– Tham gia biểu diễn trong chương trình chào mừng 1000 năm Thăng Long – Hà Nội
– Là Đoàn viên xuất sắc, tích cực tham gia các hoạt động do Đoàn TN, Hội SV Học viện tổ chức
– Tích cực tham gia các hoạt động biểu diễn của Đảng và Nhà nước, Bộ Văn hóa. |
Mai Châm