Chàng trai từ chối lương gần 50 triệu đồng/ tháng…
Tuy nhiên, chính suy nghĩ có vẻ “lạ lùng” này đã đưa Nguyễn Công Tuấn sinh viên khoa Điện – Điện tử, trường Cao đẳng nghề Cơ điện và Thủy lợi Hưng Yên đến với những thành công khiến nhiều người ngưỡng mộ.
“Cú lừa” ngoạn mục
Chàng trai kể: Mong ước trở thành người thợ điện nên đến kì thi đại học, cao đẳng mình nhanh chóng xác định trường để thi. Quê mình ở Quế Võ, Bắc Ninh. Bố mẹ chỉ làm ruộng nên điều kiện kinh tế khá khó khăn. Vì vậy, tiêu chuẩn chọn trường của mình là gần nhà, thời gian học ít để có thể nhanh chóng đi làm”.
Thi đậu vào khoa Điện – Điện Tử, trường Cao đẳng nghề Cơ điện và Thủy lợi Hưng Yên đúng với sở thích nên Tuấn nhanh chóng bắt nhịp vào môi trường học tập mới. Càng học anh chàng càng bị những bản mạch điện hút hồn. Tuấn có thể dành cả ngày lắp mạch mà không thấy chán.
Không chỉ vậy, cuối tuần nào trở về nhà Tuấn cũng tranh thủ đi làm thêm. Tuấn theo các chú, các bác thợ điện ở gần nhà đi lắp đặt, sửa chữa điện. Công việc đem lại thu nhập, đồng thời là môi trường tốt cho anh chàng thực hành, thỏa mãn đam mê với nghề.
Tuấn kể: “Trước khi bước vào ngày thi thứ ba của cuộc thi tay nghề ASEAN, mình được các chuyên gia giao thực hiện đề thi module 4 lập trình điều khiển nhà thông minh theo tiêu chuẩn châu Âu còn đồng đội của mình sẽ làm đề thi module 3.
Nhận được đề thi mình đã chuẩn bị rất kĩ càng nhưng đến hôm thi các thầy lại bảo mình và đồng đội đổi đề thi cho nhau. Mình làm module 3 còn bạn ấy làm module 4. Nghe xong các thẩy ra đề mình thực sự “tái mặt”. Mình không ngờ các thầy lại có “cú lừa” ngoạn mục đến thế”.
Phải mất một lúc sau, Tuấn mới định thần lại được. Lúc đó, cậu bạn đã nghĩ đến người thầy vô cùng nhiệt huyết của mình. Với thầy, Tuấn là lứa học trò cuối cùng thầy ôn luyện dự thi nghề trước khi nghỉ hưu. Tuấn phải làm được gì đó để có quà tặng thầy. Vì vậy, cậu bạn tập trung toàn bộ trí, lực làm bài.
Từ chối lương gần 50 triệu đồng…
Kết quả thật bất ngờ, Tuấn đã đoạt Huy chương Vàng, với 95,45/100 điểm. Không chỉ vậy, cuộc thi còn mang đến Tuấn rất nhiều người bạn mới đến từ các quốc gia khác nhau.
“Mình học được ở các bạn nhiều điều. Sinh viên các nước có thể lực tốt hơn sinh viên Việt Nam, kỹ năng công nghiệp thành thạo hơn, làm việc quy chuẩn hơn. Các thao tác của họ không có một chi tiết thừa. Đó là một thách thức lớn cho những lao động trẻ như mình”, Tuấn tâm sự.
Vừa học vừa làm vừa rèn luyện, đến nay, chàng trai này đã gặt hái được rất nhiều giải thưởng: Giải Nhất kỳ thi tay nghề ASEAN; giải Nhất hội thi tay nghề cấp Bộ, giải Nhất hội thi tay nghề cấp Quốc gia tại Hà Nội và giải thưởng Trần Văn Ơn của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Tay nghề được khẳng định cũng là lúc Tuấn nhận được rất nhiều lời mời về làm việc ở các công ty tại khu công nghiệp Quế Võ, Bắc Ninh với mức lương thỏa thuận.
“Trong quá trình tham gia cuộc thi tay nghề ASEAN, mình lọt vào mắt một công ty của Singapore chuyên làm việc về điều khiển thiết bị điện thông minh (KNEX) công nghệ theo tiêu chuẩn của Châu Âu.
Sau khi quan sát thấy mình làm bài thi một cách xuất sắc, họ đã đề nghị xin mình sang để làm việc tại Singapore với mức lương 3000 đô la Sing (gần 50 triệu đồng Việt Nam).
Mình thích ở quê nhà nên đã không đồng ý. Mình quyết định về làm một giảng viên để truyền đạt các kinh nghiệm, kiến thức đã được học và trải qua trong các kỳ thi cho các sinh viên tương lai”, Tuấn khoe.
Tuấn cũng cho biết thêm, các bạn đã xác định học nghề là phải yêu nghề, phải có quyết tâm theo đuổi một ước mơ nào đó. Quá trình học tập phải cố gắng phấn đấu thật tốt, nhất là học tiếng Anh, có điều gì không hiểu thì phải hỏi ngay thầy cô hoặc bạn bè.
Những ngày này, Tuấn đang gấp rút ôn luyện và bổ sung các thủ tục cần thiết để chuẩn bị cho chuyến đi đến Brazil dự kỳ thi tay nghề thế giới vào 9/2015.
Theo Thành Nam
Tuổi trẻ thủ đô