Chàng trai khởi nghiệp bằng dòng lịch phù điêu
Làm thuê rồi mới làm “ông chủ”
Ngay từ khi ngồi ghế nhà trường, Minh Thông (sinh năm 1988) đã xác định cho mình con đường phát huy sở trường, đam mê là mĩ thuật, tạo dáng. Bởi vậy, Thông sớm tìm hiểu và thử nghiệm thực tế quy trình làm các sản phẩm từ thầy cô và anh chị khóa trước.
Từ đó bạn tự tạo riêng cho mình những sản phẩm theo ý thích với tay nghề khá tốt (từ thiết kế, tạo mẫu, đổ khuôn, tạo màu…). Luôn mong muốn xây dựng một cơ nghiệp riêng cho bản thân nhưng sau khi tốt nghiệp đại học, Minh Thông đã tạm gác giấc mơ “ông chủ” để học nghề.
Bạn thi tuyển và làm việc cho một công ty thiết kế mô hình xây dựng. “Trong quá trình làm việc, nhiều ý tưởng hay nảy sinh trong đầu mình. Lúc ấy, Thông cũng nhận thấy đây là thời điểm tốt để khởi nghiệp nên dồn khoản tiền tích cóp thuê một xưởng nhỏ”.
Với kiến thức đã học cùng những kinh nghiệm tích lũy trong thời gian đi làm, chàng cựu SV khoa tạo dáng công nghiệp ĐH Hồng Bàng này nhận thấy sản xuất lịch phong thủy rất có tiềm năng. “Trên thị trường hiện nay chủ yếu chỉ có loại bìa cứng in hoa văn gắn bloc lịch vừa không đẹp mà giá trị sử dụng chỉ được một năm.
Trong khi loại lịch phong thủy dưới hình thức là những bức phù điêu thì ngoài giá trị như một bức tranh trang trí, thời gian sử dụng của nó lâu hơn, có khi đến 10 năm”, Thông nói.
Thông “liều mình” khởi nghiệp ở sản phẩm mang nhiều tính mùa vụ.
Mỗi sản phẩm như một tác phẩm nghệ thuật
Theo Thông, lịch phong thủy đang là một trong những dòng lịch cao cấp nhất trên thị trường hiện nay. Sản phẩm của bạn được chăm chút khá tỉ mỉ về mặt thẩm mĩ và chất liệu sử dụng tốt nên giá thành ban đầu khá cao.
Bạn bày tỏ: “Tất cả bức phù điêu, tấm lịch mình đều tâm niệm như những tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời nhất nên luôn cố gắng dồn mọi tâm sức, tinh thần một cách cẩn thận, tỉ mỉ nhất”.
Số tiền dành dụm trong quá trình học nghề ít ỏi nên Thông gặp nhiều khó khăn khi phải xoay sở vốn. Chính vì vậy mà thời gian đầu, số lượng và mẫu mã sản phẩm còn chưa phong phú, đa dạng.
Bằng nỗ lực và lòng kiên trì đối với công việc, với tâm huyết, Thông đã vay mượn thêm từ bạn bè nên dần tăng số lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhận thấy sự vươn xa của tranh phù điêu và lịch phong thủy trong dịp tết, quà tân gia…, bạn đã nghĩ đến việc xây dựng một thương hiệu cho riêng mình.
Vì thiếu kinh nghiệm trong việc phát triển thương hiệu, Thông gặp nhiều trở ngại nên đã mời thêm một số người bạn cùng làm chung, hỗ trợ. Bạn cho biết: “Do công việc nhiều, lại có nhiều khâu khác nhau nên một mình Thông không thể đảm nhiệm hết. Chúng mình phân chia mỗi người một lĩnh vực, Thông phụ trách về chuyên môn, còn hai bạn phát triển thị trường.
Dù khởi nghiệp có nhiều khó khăn và kèm theo khả năng thất bại nhưng nếu không làm, mình vẫn không có gì cả. Sau khi đã có sự chuẩn bị đầy đủ, lao vào công việc và chiến đấu với khó khăn là cách để mình cảm nhận được thành công”.
Năm đầu tiên lập nghiệp là thời điểm đáng nhớ đối với Thông khi những sản phẩm vừa mới ra đời và biết đến nhưng đã được đón nhận nhiệt tình. Số lượng sản phẩm làm ra lúc đó (50 cái/tuần) gần như không kịp đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Vì nhu cầu khách hàng quá lớn nên trong dịp Tết Giáp Ngọ 2014, Thông dự định sản xuất 2.000 sản phẩm. Hiện tại xưởng Thông có 5 công nhân, chịu trách nhiệm tất cả các khâu. Giá cả mỗi bức phù điêu, lịch Tết dao động ở mức 800.000 – 5.000.000 triệu đồng, tùy kích thước, màu sắc, kiểu dáng…
Hoàng Dung