CEO PepsiCo Foods Nguyễn Đức Huy: Nông dân cần người có TÂM
Nhân dịp này, Giám đốc Điều hành Nguyễn Đức Huy của PepsiCo Foods Việt Nam chia sẻ về chặng đường một thập kỷ đồng hành cùng nông dân.
PepsiCo Foods đang triển khai chiến lược nông nghiệp bền vững đối với việc hợp tác nông dân trồng khoai tây tại Việt Nam. Chiến lược này tương đồng với chiến lược toàn cầu của PepsiCo như thế nào?
PepsiCo có một triết lý kinh doanh toàn cầu, được gọi là Performance with Purpose (tạm dịch là hành động có chủ đích), theo đó luôn cam kết đóng góp tích cực cho cộng đồng và môi trường tại những nơi mà doanh nghiệp hoạt động. Tập đoàn PepsiCo đang tích cực tăng đầu tư cho những người nông dân trực tiếp làm việc với chúng tôi, để họ đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững. Ví dụ thông qua sáng kiến nông nghiệp bền vững, tập đoàn hỗ trợ nông dân nỗ lực quản trị nguồn nước, giảm phát thải và tăng năng suất.
Trong bốn năm, từ 2013 đến 2017, chương trình nông nghiệp bền vững của PepsiCo đã được thực hành trên 38 quốc gia với hơn 40.000 nông dân, trồng trọt 9 loại cây trồng như cây cải dầu, khoai mì, cam, dừa, bắp, yến mạch, chuối tá quạ, khoai tây và hạt hướng dương.
Các tiêu chí về nông nghiệp bền vững giống nhau trên toàn cầu, tuy nhiên, tùy thuộc vào điều kiện từng nước mà được tùy chỉnh phù hợp. Ví như ở các nước tiên tiến, nông dân canh tác trên diện tích lớn 50 đến 70 ha, trong khi diện tích ở Việt Nam chỉ 5-7 sào, tức 100 hộ nông dân Việt mới tương đương một hộ ở nước tiên tiến, vì vậy không thể áp dụng cơ giới hóa thu hoạch đồng bộ tại Việt Nam như ở nước khác được. Để giảm nhân công, chỉ có thể sử dụng máy móc nhỏ cho phù hợp với quy mô nông trại Việt Nam.
Các mục tiêu về nông nghiệp bền vững đã tối ưu chưa?
Nông nghiệp bền vững là chương trình xuyên suốt hệ thống cung ứng của nông học, bao gồm ba yếu tố là môi trường, xã hội và kinh tế. Điều nguy hiểm trong nông nghiệp là việc khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên đất và nước. Do đó, nông nghiệp bền vững là khi các nguồn tài nguyên này được gìn giữ và tiếp tục tái tạo sức sản xuất.
Tại Lâm Đồng, nông dân chỉ trồng khoai tây hai vụ trong năm. Họ biết giá trị của nguồn nước như thế nào, nhất là khi bị thiếu nước vào cuối mùa khô. Chúng tôi đã giới thiệu nhiều giải pháp cho họ, từ hệ thống tưới phun sương cho đến tưới nhỏ giọt. Những hệ thống này đã giúp họ tiết kiệm được 1,402,875 m3 nước- đủ để lấp đầy hơn 561 hồ bơi tiêu chuẩn tại các thế vận hội Olympic. Việc sử dụng hóa chất, phân bón cũng theo liều lượng được thiết kế riêng cho từng vùng thổ nhưỡng, giúp giảm đáng kể lượng hóa chất thẩm thấu vào đất.
Lợi nhuận của những người tham gia chương trình tăng 2,57 lần, giúp họ thoát nợ, không cần phải vay mượn nữa trong khi có thể tích lũy tiền để đầu tư. Nhờ vậy, họ có thể mở rộng quy mô sản xuất và tối ưu hóa kinh nghiệm đã tích lũy được.
Năng suất trung bình hiện tại là 24,3 tấn/ha, gấp 3 lần năng suất của những mùa đầu tiên. Tuy nhiên, dải năng suất biến thiên rộng, từ mức cao nhất lên đến 56 tấn/ha, cho đến mức thấp chỉ xấp xỉ 10 tấn, cho phép Công ty có thể cải thiện hơn nữa năng suất này. Thông thường, những hộ mới tham gia có năng suất thấp, điều này dễ dàng cải thiện khi họ học hỏi từ những người thành công trong những buổi chia sẻ mà công ty tổ chức vào cuối mỗi vụ mùa.
Điều gì làm nên thành công của PepsiCo Foods trong việc thuyết phục người nông tham gia trồng khoai tây?
Khó khăn lớn nhất mà chúng tôi gặp phải là giáo dục người nông dân về giống và hợp đồng. Người nông dân vốn quen với cách làm ăn nhỏ lẻ, chưa quen với việc cam kết bán tại một mức giá cố định ngay từ đầu vụ. Giống khoai tây trồng cho chúng tôi lại khác các giống trồng để ăn bình thường, vì phục vụ cho sản xuất công nghiệp nên giống này cần ít đường hơn, độ rắn cao hơn để chiên không cháy, phải đồng đều về kích cỡ để cho ra những lát khoai tây đều đặn.
Để thuyết phục họ, đội ngũ kỹ sư nông học của chúng tôi đã ngồi lại với nông dân và làm bài toán tài chính cho họ. Giúp họ tính toán với chi phí đầu vào (dự đoán được) thì năng suất hoà vốn là bao nhiêu. Công ty ứng trước giống và phân bón cho họ, còn người nông dân bỏ ra công lao động, đất đai, nước và các hoá chất phun xịt. Không những cam kết mua khoai tây với mức giá đã ấn định trước, chúng tôi còn chia sẻ rủi ro với nông dân trong trường hợp họ không đạt năng suất hoà vốn đó sau khi đã áp dụng các quy tắc trồng trọt theo khuyến nghị của chúng tôi.
Thường những hộ mới trồng sẽ có năng suất thấp, có khi dưới điểm hoà vốn. Tuy nhiên họ vẫn tin và tiếp tục hợp tác với chúng tôi, vì chúng tôi thường xuyên tổ chức các buổi chia sẻ kinh nghiệm vào cuối mỗi vụ. Từ việc học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, những hộ này cải thiện đáng kể năng suất.
Thuận lợi của chúng tôi là không có nhiều công ty cùng ngành phát triển vùng nguyên liệu tại Việt Nam.
Điều gì khiến anh hài lòng nhất về chương trình này?
Nông dân cần người có tâm, nên điều tôi hài lòng là cái tâm của đội ngũ thực hiện. Vượt qua chặng đường 10 năm, chúng tôi đã tạo dựng được niềm tin đối với những người nông dân hợp tác, về việc chúng tôi sẽ ở lại cộng tác lâu dài với họ.
Chúng tôi đầu tư một đội ngũ kỹ sư nộng học 9 người, thường xuyên bám ruộng với nông dân. Đội ngũ này thiết kế những chương trình canh tác phù hợp cho từng thổ nhưỡng, rồi dành hầu hết thời gian ở ngoài ruộng để hỗ trợ người nông dân canh tác đúng, tư vấn cách sử dụng hoá chất phù hợp khi có dịch bệnh xảy ra.
Ngoài ra, chúng tôi còn tự hào về chương trình không những giúp cải thiện đời sống của những hộ nông dân ở Lâm Đồng và Đak Lak, mà còn cho cộng đồng nơi họ sinh sống nữa.
Công ty có kế hoạch gì trong tương lai?
Việt Nam là một trong 8 thị trường trọng điểm của PepsiCo ở châu Á, Trung Đông và khu vực Bắc Phi, vì vậy một trong những điểm then chốt là chúng tôi muốn tăng tỉ lệ nội địa hoá cũng như tăng sản lượng tại đây. Sản xuất nội địa hiện tại chỉ mới đáp ứng hơn 70% công suất sản xuất, trong khi chúng tôi sẽ mở rộng sản xuất trong tương lai. Trong vòng 5 năm tới, chúng tôi đặt mục tiêu sản lượng 30.000 tấn khoai tây, với 2.500 đến 3.000 hộ nông dân tham gia chương trình. Chúng tôi cũng muốn tăng 20% năng suất, bằng việc liên tục phát triển giống để đảm bảo các chỉ số năng suất và chất lượng đi đôi với nhau.
Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ xây dựng 3 nông trại mô hình, với diện tích 5.000 m2 mỗi nông trại. Trăm nghe không bằng mắt thấy, 3 nông trại này áp dụng 3 kỹ thuật canh tác khác nhau sẽ giúp nông dân hình dung rõ nhất kỹ thuật nào sẽ mang lại lợi ích cao nhất cho mình.