Bỏ du học, 9X về nước làm thuê “nuôi” giấc mơ thời trang
Bùi Nhất Nam (24 tuổi), hiện đang là sinh viên ngành thiết kế. Nam có phong cách thời trang và giao tiếp “phi giới tính”. Em khá thân thiện khi chia sẻ về hành trình theo đuổi ước mơ của mình.
Nam tin rằng sống luôn tích cực và luôn muốn giúp đỡ mọi người là cách sống đem lại cho chính mình niềm hạnh phúc. Nhà thiết kế trẻ mong muốn truyền đi niềm cảm hứng tới các bạn trẻ khác, cụ thể là các sinh viên, học sinh dám tìm kiếm và thực hiện ước mơ thông qua trải nghiệm của em.
“Đó là lí do em chọn viết blog về những câu chuyện của mình, những kiến thức mình học được, vì đâu đó cũng đang có người tìm kiếm ước mơ như em 3 năm về trước”, Nam chia sẻ.
3 năm trước, Nam đi du học chuyên ngành Quản trị kinh doanh tại Đài Loan (TQ). Hoàn cảnh ấy có thể là niềm mong đợi của gia đình em và nhiều bạn bè cùng trang lứa. Thậm chí, bố mẹ Nam cũng phải cố gắng nhiều để em có điều kiện đi học nước ngoài, dù rằng kinh tế gia đình chỉ vào diện trung bình.
Nam kể: “Em cũng như bao học sinh cấp 3 khác. Thời điểm đó, học sinh chưa được định hướng nghề nghiệp tốt, không có nhiều kĩ năng sống. Em chỉ biết tập trung học để thi đậu tốt nghiệp và đại học”.
Do chưa từng được định hướng, Nam cũng không biết bản thân em muốn gì. Vì vậy, em chọn nghe theo cha mẹ, đi du học. Nhất Nam theo học hệ trao đổi 2 năm tại Việt Nam và 2 năm tại Đài Loan. Gia đình em tin tưởng rằng chỉ cần có được tấm bằng, là sẽ xin được việc làm cho em.
Nhưng khi sang học ở Đài Loan, Nam đã dần dần nhận ra sai lầm khi sống không có mục tiêu. Bởi Nam được gặp gỡ những người bạn tràn đầy nhiệt huyết và đam mê. Họ học, nghiên cứu những lĩnh vực mà học dành tâm huyết vào đó.
“Em được tiếp xúc với nhiều người, nhiều luồng tư duy tân tiến nên em đã quyết định đi tìm ước mơ của mình. Và tình cờ em được biết về một cuộc thi dành cho nhà thiết kế nên em đã tạm nghỉ học và ở tại kí túc bắt đầu học vẽ để theo đuổi ngành thiết kế. Bởi vì khi xem các thiết kế, em cảm thấy mọi tế bào trong người đều nói lên rằng “mình muốn làm công việc kia”, Nam nói.
Chính vì phát hiện này, Nam đã suy nghĩ rất lâu và quyết định phải theo đuổi đam mê. Trong lúc gia đình chưa biết, Nam đã lên kế hoạch tiết kiệm tiền, về nước thuyết phục gia đình cho em theo đuổi đam mê.
Trước đó, Nhất Nam từng manh nha cảm nhận được mình yêu thích thời trang. “Em đã ước mơ là làm trang phục cho Lady Gaga vào năm em học lớp 11. Đối với em đó chỉ là ước mơ vu vơ, vì em không biết phải bắt đầu như thế nào, cũng như rất mông lung về ngành này. Em thực sự đam mê vào lúc ở kí túc xá bên Đài Loan. Em nghe theo linh cảm của mình và bắt đầu tìm hiểu và tự học từ đó”.
Về Việt Nam, gia đình nhanh chóng phát hiện ra Nam đã nghỉ học. Mẹ em rất giận và buộc Nam tự lập. Họ hàng và những người quen biết đều cố gắng khuyên bảo vì nghĩ em đang “đi sai quỹ đạo”.
“Mọi người có nhiều người thành công, từng trải khuyên bảo em như thế là không đúng. Nhưng em chỉ nghĩ rằng, họ không phải là em, họ không làm công việc như em nên họ không thể giống em được. Giữ được chính kiến của mình là rất khó.
Nhiều người trong họ hàng luôn coi em là đồ hư hỏng, tiêu tiền của gia đình và không biết suy nghĩ bởi vì bỏ học là một thứ gì đó còn rất kinh khủng ở Việt Nam. Nhưng em không quan tâm họ nói, em cứ đi và dần dần mọi người nhận ra được là họ đã sai về em”, Nam chia sẻ.
Nam mất nhiều thời gian để thuyết phục người thân, trong đó người khó khăn nhất là mẹ. Cách thức để Nam thuyết phục mẹ mình là tự tay may những bộ trang phục mặc hàng ngày cho bà. “Bước đầu tiên là em làm ra những bộ đồ không gò bó thân thể, cũng như chất liệu dễ mặc. Và dần dần, mẹ em thích mặc hơn, mặc thường xuyên hơn và tự tin hơn.
Em hiểu tâm lý đám đông, nếu có một cái gì đó khác lạ, họ đều tránh xa nó, nhưng em kiên nhẫn thiết kế cho mẹ em và cuối cùng là em đã thành công. Khác biệt luôn bị bài trừ, nhưng nếu đủ dũng cảm nghe chê, nghe từ chối và cứ tiếp tục thì em nghĩ mọi người dần dần sẽ mở lòng hơn”.
Song song với việc thuyết phục gia đình, Nam vừa đi học may, vừa cố gắng tìm công việc kiếm sống. Em đã phải làm thuê nhiều công việc lao động chân tay.
“Ban đầu em tìm những công việc liên quan tới thời trang nhưng do không có bằng cấp và kinh nghiệm nên em chỉ xin được bán quần áo. Em từng bán quần áo, dạy thêm tiếng Anh, đi làm công nhân ở vườn đào, làm bồi bàn… Mỗi công việc đều dạy em những điều khác nhau.
Khi bán quần áo em đã nhen nhóm ước mơ có 1 cửa hàng bán đồ riêng. Đi làm tại vườn, ở đó đã tiếp thêm lửa cho em theo đuổi đam mê hơn. Làm ở nhà hàng, em đã có cơ hội được tiếp xúc với rất nhiều người giàu có và mong muốn có được cuộc sống như họ”, Nam kể.
Nam có cơ duyên với ngành thời trang là nhờ một người bạn thuê em làm phiên dịch cho thương hiệu thời trang. Dần dần trong công việc, nhận thấy Nam có khả năng thiết kế nên chị đã giao nhiệm vụ này cho cậu. Dần dần, mẹ Nam cũng nhận thấy sự nghiêm túc và “có tương lai” của cậu con trai. Do vậy, bà đã nói chuyện nghiêm túc với cậu, quyết định đầu tư một khoản nhỏ cho cậu mở cửa hàng.
Sau một năm tự mày mò học hỏi về thiết kế, Nam ngày càng khao khát được học tập chuyên nghiệp nên cố gắng xin học bổng vào trường.
Nam làm một hồ sơ nghệ thuật rất dày gồm tất cả ảnh của các mẫu thiết kế mà do mẹ cậu làm mẫu, kèm với CV xin học bổng gửi đến trường Học viện Thời trang London. Rất may mắn, Nam đã thuyết phục được nhà trường cấp cho cậu 50% học phí.
“Em rất vui vì em làm bất cứ cái gì, ở đây đều dễ chấp nhận và họ nhìn ra được cái đẹp trong mỗi đồ án của em. Trước đây, em có mở cửa hàng nhỏ và chủ yếu là khách hàng thân thiết. Cách bán hàng của em do không biết marketing nên em chỉ làm sao khiến một người thật hài lòng và lần sau họ đem tới bạn của họ, chậm nhưng mà chắc. Do tính chất của việc học tại trường mà em đành phải tạm đóng cửa, để tập trung toàn bộ cho việc học”, Nam cho biết.
Sau một năm học tập tại trường, Nam đã cho ra đời bộ sưu tập đầu tay, triển lãm tại trường. Giáo viên dạy thiết kế của Nam, cô Donna Wanderlust đánh giá rằng: “Nam là một sinh viên rất sáng tạo và không ngừng cố gắng.
Tôi đánh giá cao em ấy bởi vì Nam đã tự mình học tập và mở cửa hàng kinh doanh từ khi em chưa được đào tạo bài bản. Ở trong lớp học, em nhiều lần tranh luận, đưa ra quan điểm riêng dù quan điểm đó có thể trái ngược với tôi nhưng tôi đánh giá rất cao ý thức và đam mê của em”.
Dù rằng còn nhiều khó khăn để trở thành một nhà thiết kế chuyên nghiệp nhưng Nam rất lạc quan. Em nói: “Tất cả mọi người đều nói em là con người mơ mộng. Nhưng em dám mơ và dám bắt đầu bắt tay để thực hiện. Trong vài năm tới em muốn đi học tiếp tại Anh.
Em muốn thử sức với môi trường khốc liệt hơn và nếu chứng minh được bản thân mình tại môi trường quốc tế thì em sẽ có nhiều cơ hội hơn”.
Mai Châm
Ảnh: NVCC