Bí mật đằng sau một “thế hệ cừu đen”, sẵn sàng khác lạ, nổi bật, để làm điều mình muốn!
Nhiều năm về trước, trên màn ảnh rộng hay chiếu những bộ phim mô tuýp kiểu một cô gái hay chàng trai trẻ tại vùng quê nào đó, có tài năng, có khát khao nhưng không thể bật lên được. Đơn độc, họ rời bỏ quê hương, tìm đến những thành phố lớn rồi vật lộn mưu sinh, tìm cách chứng minh tài năng với một nhóm nhà sản xuất. Và nếu may mắn, họ sẽ được để mắt đến và được lăng xê. Còn không được nhóm các nhà sản xuất thừa nhận, họ sẽ thất thểu bước lên chuyến tàu, trở về quê trong ánh nắng hiu hắt vàng vọt…
Nhưng đấy có vẻ là những cảnh phim không hợp thời. Giờ đây, mỗi cá nhân có thể làm chủ cuộc đời, số phận của mình để làm việc mình thích một cách chủ đích. Họ có thể đưa bản thân ra “ánh sáng”, nếu muốn. Nhờ sự hỗ trợ của công nghệ, người trẻ có thể biến những thành công được coi là dị thường trước đây trở thành bình thường miễn là bạn đủ đam mê và có tinh thần dám làm điều mà người khác nghĩ là không thể. Đó là điều đang xảy ra với những nghề thời 4.0
Trần Lê Thu Giang – chủ nhân của blog Giang ơi với 1,1 triệu subscribes trên Youtube cho rằng có những biến chuyển đáng kinh ngạc trên thị trường lao động.
“Thế giới đang dần xoá bỏ đi những người gác cổng”, cô nói. “Người gác cổng” được hiểu là những người, nhóm, cộng đồng mà người trẻ phải đi qua nếu muốn đặt chân vào lĩnh vực gì đó.
Ví dụ nếu muốn làm ca sĩ sẽ cần đến một công ty quản lý, một producer, một nhà sản xuất âm nhạc. Muốn làm diễn viên thì cần bầu sô, đạo diễn, ê kíp có thể lăng xê. Và giống như câu chuyện được kể ra, nếu không nhận được sự đồng thuận của nhóm người này, bạn thất bại ngay cả khi chưa bắt đầu.
“Nhưng giờ bạn có thể trực tiếp đưa mình đến với thị trường”, Giang nói. Bản thân cô là một minh chứng. Giang vốn là dân văn phòng và đến với nghề youtuber như một sự tình cờ. Đạt đến mốc hơn 1 triệu người theo dõi trên Youtube, cô cũng chỉ có một mình. Bạn đồng hành của cô, là máy móc, là Internet. Cô không phải thông qua ai, mà chỉ lắng nghe nội tâm và khát khao chính mình.
Cũng nhiều năm về trước, khi nói đến game, suy nghĩ đầu tiên hiện ra là những thanh niên lêu lổng, hư hỏng, cắm mặt vào máy tính, không có tương lai. Đam mê của họ không được thừa nhận dù họ có nghiêm túc theo đuổi đến đến đâu, dù họ có thể kiếm tiền, thậm chí rất nhiều tiền từ game.
Nhưng ở thời điểm hiện tại, các game thủ, games streamer đã là những nghề nghiệp được công nhận, nằm trong nhóm E-sports – thể thao điện tử. Những bạn trẻ này, dù rằng đôi lúc vẫn phải tiếp nhận sự phản đối từ gia đình, bạn bè, nhưng họ bắt đầu dần tìm được chỗ đứng trong xã hội.
Youtuber hay những nghề trong nhóm E-sports là những công việc mới chưa từng có trong “từ điển nghề nghiệp” trước đó. Báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) gần đây lưu ý, là một trong số những chọn lựa khi 64% bạn trẻ khi ra trường sẽ làm một công việc mới kiểu này. Ngoài 2 nghề đã kể trên, còn có những cái tên khác như Vblogger, fashionista, gamestreamer, food stylist…
Các nghề mới này, đều không còn rào cản gia nhập thị trường như những gì đã diễn ra trong quá khứ. Hành trang duy nhất mà các bạn trẻ cần chính là tinh thần dám dấn thân.
Cũng như Giang, Denis Đặng, giám đốc sáng tạo của những MV triệu view cũng là tay ngang lấn sân sang nghệ thuật. Denis từng là sinh viên tốt nghiệp ngành tài chính ngân hàng Đại học Ngoại thương theo nguyện vọng của gia đình. Ngay khi tốt nghiệp, Denis đã bỏ tấm bằng cử nhân sang một bên, dành 1 năm để suy nghĩ mình nên làm gì.
Trong giai đoạn này, Denis đã làm nhiều nghề như người mẫu ảnh, kinh doanh online để có thể trang trải chi phí đam mê nghệ thuật của mình.
Còn Giang nhớ lại thời kỳ đầu, cô là “đứa trẻ là sáng đi làm, tối về miệt mài với giấc mơ của mình, khi thành phố đã tắt đèn, mọi người đã đi ngủ”.
Cả Giang và Denis ở thời điểm hiện tại đã thành công và là những người trẻ có ảnh hưởng. Nhưng bên cạnh nỗ lực, sự đánh đổi, rủi ro của bản thân, hai bạn trẻ này bật mí có sự giúp sức không nhỏ từ công nghệ.
“Tôi không thể thành công nếu thiếu sự giúp đỡ của công nghệ”, Denis thừa nhận. Chia sẻ về những bí quyết tạo ra những MV “chất ngất”, Denis cho biết công nghệ là trợ thủ đắc lực từ những phác thảo đầu tiên đến khi hoàn thành concept.
“Theo đuổi đam mê thời công nghệ là cứ mỗi lần có ý tưởng nào lóe lên trong đầu là mình lặp tức ghi chú lại trong điện thoại. Có thể lúc này không dùng đến nhưng trong tương lai sẽ cần”, anh nói.
Youtuber “Giang Ơi” thì cho biết cô bắt đầu sự nghiệp của mình bằng chiếc điện thoại bé xinh và phần mềm dựng video đơn giản để cho ra đời những chia sẻ đầu tiên của cô về “quá trình làm người lớn” của mình.
Theo Giang, nhờ vào công nghệ, những người như cô có thể đi theo hướng mà chưa ai từng làm trước đó.
“Internet là thứ cho phép mình làm bất cứ thứ gì mà mình muốn, kết nối với bất cứ thị trường và bất cứ đối tượng nào mà mình muốn. Các bạn nghĩ đến thời đại 4.0, nghe rất là to tát, thực ra hãy nghĩ đến việc mình có thể sử dụng công nghệ để đáp ứng nhu cầu của thị trường một cách như chưa bao giờ trước đây”, cô nói.
Cô cũng nhấn mạnh chưa có thời đại nào như bây giờ, mà một cá nhân có thể đưa ra thông điệp, nội dung đến với cộng đồng dễ dàng như vậy.
Giang ơi và Denis Đặng là hai điển hình cho thế hệ Gen Z, một thế hệ dám nghĩ dám làm, không ngần ngại dấn thân và được nâng đỡ, hỗ trợ bởi những thiết bị công nghệ tân tiến.
Nhờ vào việc nắm trong tay các công cụ hoạt động và sáng tạo hiệu quả là công nghệ, các mạng xã hội có tính tương tác cao, Gen Z đã trở thành một thế hệ sẵn lòng phá vỡ những quy chuẩn cũ, làm nên những điều không thể. Họ cũng không ngần ngại là một “con cừu đen” trong một bầy cừu trắng toát. Những luật lệ, định kiến, câu chuyện của số đông, không còn là rào cản với thế hệ này.
Khác với thế hệ trước, Gen Z không bị bó buộc bởi những điều xã hội muốn mà họ làm những thứ mà họ cần với cái tôi khác biệt và tận dụng những gì đang có mà công nghệ chính là chiếc chìa khoá cho sự thay đổi này.
Công nghệ với khả năng không bị giới hạn đã trở thành công cụ đắc lực giúp người trẻ vượt qua mọi giới hạn, sống đúng với bản thân mình mà câu chuyện của Giang hay Denis là ví dụ điển hình.
Lao động với sự sáng tạo, đam mê, cống hiến… nhằm kiến tạo một tương lai tốt đẹp hơn đã trở thành chất gen của một thế hệ trẻ Việt Nam ngày nay. Đó cũng trùng khớp với triết lý của các hãng công nghệ lớn, ví dụ như Samsung.
Không phải ngẫu nhiên mà Samsung phát động chiến dịch về một thế hệ làm điều không thể. Với chuỗi sự kiện workshop nghề 4.0, Samsung đã truyền cảm hứng đến hàng ngàn bạn trẻ thông qua các câu chuyện hấp dẫn của các khách mời.
Không chỉ truyền cảm hứng, phần thảo luận, toạ đàm của Samsung cũng chỉ rõ các thách thức, kỹ năng mà người trẻ cần đối mặt để thoả sức vẫy vùng trong không gian nghề nghiệp mới. Ví dụ như khả năng tự học, khả năng quan sát, khả năng ngoại ngữ…Ngoài ra, các bạn trẻ cũng có cơ hội thử trải nghiệm những sản phẩm công nghệ mới để thực hành, thử sức sáng tạo.
Doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc này luôn tâm niệm không ngừng đột phá và tạo ra những chuẩn mực mới. Với triết lý đặt con người ở trung tâm, Samsung cam kết rằng nếu bạn muốn làm điều gì, bất kể mọi rào cản, giới hạn, định kiến, Samsung sẽ đồng hành để cùng kiến tạo. Bởi thường thì chúng ta sẽ hối tiếc về những điều mình không làm hơn là sẽ làm. Vậy nên, tại sao những người trẻ không “giăng buồm và ra khơi”, sống thật với ước mơ, bản ngã và thách thức những giới hạn. Và hãy nhớ, bạn không hề đơn độc!