Bi kịch của người có tài
Lại có người hỏi L. Tôn-xtôi, cái gì ẩn giấu trong chồng tác phẩm đồ sộ của ông, L.Tôn-xtôi đáp: 99% lao động và 1% tài năng.
Như vậy, khát vọng và ý chí bền bỉ, kiên cường trong lao động quyết định mọi thành công trong hoạt động sáng tạo, mà tài năng chỉ nảy sinh trong lao động sáng tạo.
Đã có thời người ta nghĩ cần cù có thể bù tài năng. Nếu đấy là khẩu hiệu đế khích lệ quần chúng cho một mục tiêu lao động nào đó thì cần thiết, nhưng quả thực hiểu tài năng có thể thay thế bằng sự cần cù thì thật tai hại. Cách hiểu ấy đánh đồng sự cần cù của người có tài với sự cần cù của người bình thường, đánh đồng những sản phẩm trí tuệ chất lượng cao với sản phẩm của những trí tuệ trung bình, đánh đồng lao động của L.Tôn-xtôi với lao động của người nông dân Nga cuối thế kỷ XIX.
Có vô vàn biểu hiện của tài năng nhưng đã là người có tài thì ít nhất họ phải có sự hiểu biết sâu rộng trong lĩnh vực chuyên môn của mình, biết chọn được cách hành động tối ưu và có đủ bản lĩnh, giải pháp thực hiện thành công mục tiêu đặt ra nhanh hơn và hiệu quả hơn những người khác.
Tài năng là khát vọng của nhiều người. Càng hiểu biết nhiều, giao tiếp rộng, khát vọng tài năng càng cháy bỏng. Đây cũng là nguồn gốc biết bao bi kịch trong cuộc đời. Trước hết là bi kịch của những tài năng thật sự. Đó là bi kịch của sự cô đơn.
Người có tài thường có những ý tưởng và việc làm táo bạo, mới mẻ bị người xung quanh cho là điên rồ. Khi A. Anh-xtanh công bố Thuyết tương đối, khi Ma-ri Qui-ri tin rằng trong đống quặng bẩn thỉu ở góc phòng cửa bà có nguyên tố phóng xạ ra-đi, khi Men-đen loay hoay với mấy con ruồi dấm để tìm cấu trúc gen di truyền hay có ai đó hôm nay tin rằng ngoài vũ trụ có sự sống… họ đều bị coi là những kẻ lẩm cẩm.
Tài năng còn là đối tượng của sự ganh ghét, sự ganh ghét sẽ trở nên nguy hiểm khi kẻ ganh ghét là cấp trên, là những người có thế lực, có tiền bạc hoặc những kẻ đê tiện lại xảo quyệt. Bị vây hãm trong tấm lưới nhện vu khống, kèn cựa, chọc gậy bánh xe… nhiều người trở nên tuyệt vọng, thoái chí bỏ cuộc. Nhiều tài năng đã thui chột bằng con đường ấy.
Thứ hai là bi kịch của sự hoang tưởng. Một số người có tài, đã gặt hái được một vài thành công, họ được tán dương, được cân nhắc, được quần chúng ủng hộ. Như con gà trống ngỡ mặt trời mọc là nhờ tiếng gáy của mình, họ vơ lấy mọi thành tích của tập thể, coi thường sáng kiến cửa người khác, chống lại mọi sự thay đổi trái ý mình. Trong khi người lãnh đạo ngủ say sưa trên giàn kèn đồng, cơ quan hoặc doanh nghiệp của ông ta cứ sa sút dần, tín nhiệm của ông cũ nó sa sút theo. Cứ đà ấy, người tài năng ngày nào dần da sẽ thành một gã huênh hoang và bảo thủ, nỗi lo sợ của mọi tài năng.
Loại bi kịch thường gặp nữa là bi kịch tài năng giả. Có nhiều thủ trưởng thường trang sức bằng những tài năng mà mình không có, họ dùng tiền công và cả tiền riêng mua về những tấm bằng Tiến sĩ, Giáo sư để hù dọa thiên hạ. Họ gắn tên mình vào các công trình, đề án, giải pháp khoa học của cấp dưới. Họ mông má sáng kiến của người khác biến nó thành của mình. Buồn thay, “những con quạ đội lốt công” như vậy không ít đi mà có vẻ ngày càng đông đúc thêm.
Trên một bia đá Văn Miếu có câu “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. Hiểu được điều đó và vì điều đó quả không dễ.
Theo Vũ Duy ThôngNhà Quản lý