Bao giờ ngành trồng dâu, nuôi tằm Việt Nam mới trở lại thời hoàng kim?

Tác giả: coaynoiĐăng ngày: 09/08/2019Lần cập nhập cuối: 04/01/2021

Tuy nhiên, để nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa trở lại thời hoàng kim và vươn ra nước ngoài còn một chặng đường dài phía trước.

Bao giờ nghề trồng dâu nuôi tằm mới hồi sinh?

Nhiều vùng đất bãi bồi ven sông Thu Bồn qua các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên… nay đã xanh lại với cây dâu

Ngày 8/8, tại TP Hội An, Festival văn hóa tơ lụa, thổ cẩm lần V/2019 đã khai mạc. Tại đây, Ban tổ chức đã có cuộc hội thảo khoa học với chủ đề: “Ứng dụng khoa học – công nghệ trong sản xuất dâu tằm, tơ lụa và văn hóa tơ lụa trong đời sống hiện đại”, quy tụ các bài nghiên cứu nhằm thúc đẩy, hiện đại hóa ngành sản xuất tơ lụa theo kịp thế giới. 

PGS.TS. Lê Tự Hải (Khoa hóa, Trường ĐH Sư phạm – ĐH Đà Nẵng) cho rằng, Quảng Nam được xem là cái nôi của nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa. Thế kỷ 17, tơ lụa Quảng Nam đã đóng góp không nhỏ vào “con đường tơ lụa” trên biển của xứ Đàng Trong.

Bao giờ nghề trồng dâu nuôi tằm mới hồi sinh?

Nuôi tằm trình diễn ở Hội An

Cách đây khoảng 300 năm, tại huyện Đại Lộc (Quảng Nam), một số làng nằm ở ven sông Vu Gia như Giao Thủy, Quảng Huế, Phước Bình, Hà Nha…, nhờ các bãi bồi ven sông đầy ắp phù sa, bên cạnh nghề trồng rau, đậu, lúa, bắp, thuốc lá, người dân nơi đây đã chú trọng đến nghề trồng dâu nuôi tằm.

Vùng đất này mặc dù thường xuyên bị lụt lội, nhưng lại được phù sa bồi đắp hàng năm, rất thích hợp với việc trồng cây dâu; cư dân vùng đất này đã nuôi tằm ươm tơ để bán cho các làng dệt ở đồng bằng, trong đó chủ yếu là ở Duy Xuyên.

Nghề ươm tơ dệt lụa ở các làng Đông Yên, Thi Lai (xã Duy Trinh, Duy Xuyên) ra đời từ thế kỷ 16, gắn liền với sự tích Bà chúa Tằm Tang Đoàn Quý Phi và thế tử Nguyễn Phúc Lan. 

Bao giờ nghề trồng dâu nuôi tằm mới hồi sinh?

Ươm tơ

Làng dệt lụa Mã Châu hình thành từ thế kỷ 15, bên cạnh kinh đô Trà Kiệu, sản phẩm lụa Mã Châu đã nổi tiếng từ bao đời nay. Làng tơ lụa Mã Châu từng được xem như “thủ phủ dâu tằm” xứ Quảng, chuyên cung cấp lụa cho vua chúa, giới quý tộc.

Thời hưng thịnh, Mã Châu có đến 2.000 ha đất trồng dâu nuôi tằm và với hơn 4.000 khung cửi đưa thoi đêm ngày. Các công việc trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa đều được thực hiện trong làng, với sự tham gia của hàng trăm hộ gia đình theo phương thức thủ công.

Khi xứ Đàng Trong mở cửa giao thương với thế giới bên ngoài qua cảng thị Hội An thì tơ lụa Mã Châu là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất. Trải qua bao biến động, thăng trầm, nghề dệt vẫn được truyền lưu giữ trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Bao giờ nghề trồng dâu nuôi tằm mới hồi sinh?

Dệt lụa

Nhưng sau đó, do đầu ra của tơ sợi trên thị trường thế giới gặp nhiều khó khăn, thu nhập từ sản xuất kén thấp so với thu nhập từ nhiều cây trồng trên cùng mảnh đất nên người dân không còn trồng dâu nuôi tằm nữa mà chuyển đổi cơ cấu cây trồng và tìm các nghề khác để sinh sống. Từ đó nghề trồng dâu nuôi tằm ngày càng bị mai một và sản phẩm tơ lụa Quảng Nam cũng dần biến mất trên thị trường.

Theo PGS.TS. Lê Tự Hải, tỉnh Quảng Nam đang tìm giải pháp để hồi sinh, tìm lại vị thế “thủ đô” lụa tơ tằm, đưa những vườn dâu dọc bãi bồi ven sông Vu Gia – Thu Bồn trở lại màu xanh mướt.

Ông Đặng Vĩnh Thọ – Chủ tịch Hiệp hội dâu tằm tơ Việt Nam – cho hay, trong hai năm vừa qua Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên như: Đăk Nông, Đăk Lắc, Gia Lai đã tăng diện tích một cách đáng kể, gần 10.000ha dâu tằm tơ ở Tây Nguyên đã hình thành và phát triển thành một ngành nông công nghiệp hoàn chỉnh từ trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa.

Với lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng và tiềm năng để mở rộng diện tích dâu còn khá lớn trên diện tích đất chưa được khai thác, đất được chuyển đổi từ một số cây trồng khác có hiệu quả kinh tế không cao như cây điều, hồ tiêu…

Ông Đặng Vĩnh Thọ cho rằng, muốn ngành dâu tằm tơ đạt hiệu quả cao tương xứng với giá trị của nó, trước hết cần phải có giống dâu năng suất cao, có quy trình thâm canh cây dâu, kỹ thuật nuôi tằm tiên tiến trên cơ sở chuyển giao công nghệ mới, cho nông dân áp dụng đại trà để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Khi giải quyết được các vấn đề này mới có thể nâng cao được hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích. Từ đó, tăng thu nhập cho người trồng dâu nuôi tằm, tạo vùng nguyên liệu ổn định, thúc đẩy ngành dâu tằm tơ phát triển bền vững.

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay cả nước có gần 100 dãy ươm tơ tự động. Số lượng máy ươm gấp hai lần so với năm 2017. Sản lượng tơ cả nước khoảng 1.600 tấn.

Các chuyên gia cho rằng, nhu cầu tơ lụa và các sản phẩm từ ngành dâu tằm tơ trên thế giới và trong nước ngày càng tăng theo nhịp độ phát triển kinh tế xã hội. Ở các nước kinh tế phát triển, người tiêu dùng có khuynh hướng sử dụng các sản phẩm may mặc tự nhiên, trong đó tơ tằm là một trong những sản phẩm ngày càng được ưa chuộng.

Các nước có truyền thống sử dụng vải lụa tơ tằm như Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan… nhu cầu không giảm; các nước Châu Âu, Bắc Mỹ nhu cầu ngày càng tăng, trong khi đó nguồn cung cấp các sản phẩm tơ lụa có xu hướng giảm.

Bên cạnh đó, các nước sản xuất dâu tằm như Nhật Bản, Hàn Quốc nay sản xuất rất ít, ngay cả Trung Quốc là nước đứng đầu thế giới về sản xuất dâu tằm tơ những năm gần đây sản lượng cũng giảm xuống cùng với quá trình công nghiệp hóa đất nước.

“Từ những nhận định trên, ngành sản xuất dâu tằm tơ Việt Nam trong vài thập kỷ tới vừa có thị trường thế giới, vừa có thị trường trong nước. Đây là điều kiện rất thuận lợi, là cơ sở để xây dựng ngành dâu tằm tơ thành ngành kinh tế quan trọng của đất nước”, Chủ tịch Hiệp hội dâu tằm tơ Việt Nam nhận định.

Công Bính