Báo động tình trạng nữ sinh bỏ nhà đi bụi vì… facebook
1 tháng, 7 nữ sinh bỏ nhà đi bụi
Mới đây, hai bé gái C.T. và N.T. là bạn thân cùng tuổi, ngụ xã Bình Thành, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, đã bị các đối tượng xấu dụ dỗ đưa lên tận TPHCM để phục vụ quán cà phê “mát mẻ”. Rất may các em đã kịp trốn thoát trước khi bị các đối tượng xấu gạ bán.
Theo lời em C.T kể lại, trước hôm bị lừa, em nhận được cuộc gọi từ một số máy lạ. Đầu dây bên kia, một người thanh niên nói nhầm số nhưng ngỏ ý làm quen, mời T. đi uống nước. C.T. rủ bạn là N.T. đi cùng. Người thanh niên dẫn 2 em đến quán rượu ngồi cùng một số thanh niên khác. Cả 2 em không nhậu, đòi về nhà nhưng nhóm thanh niên tìm mọi cách giữ 2 nữ sinh ở lại. Đến tối, hai thanh niên tiếp tục hù doạ “về giờ này sẽ bị cha mẹ đánh” rồi thuê nhà trọ cho 2 em ở đến sáng.
Sáng hôm sau, C.T và N.T đòi về nhưng hai thanh niên tiếp tục hù doạ, hứa giúp 2 em bỏ nhà đi tìm việc làm, có thu nhập cao, cha mẹ sẽ không la mắng. Khi đưa hai em lên TPHCM, chúng đưa hai em vào làm tại một quán nước, chủ quán yêu cầu mặc quần áo “mát mẻ” nhưng 2 em không đồng ý. Sau đó, chúng đưa 2 em vào ở tại khách sạn. Đoán rằng đã gặp người xấu, hai em C.T và N.T. đã tìm cách trốn về nhà.
Một buổi sinh hoạt của Trung tâm Công tác xã hội bảo vệ trẻ em tỉnh Đồng Tháp với các trẻ bỏ nhà đi bụi
Ngoài chiêu dùng điện thoại gọi đến các nữ sinh làm quen, các đối tượng xấu đang tích cực thông qua facebook để dụ dỗ các nữ sinh nhẹ dạ. Như trường hợp em T. (SN 1999, ngụ xã Tân Phú, huyện Thanh Bình), là nữ sinh lớp 9 có học lực khá giỏi. Sau khi làm quen với 1 bạn nam trên facebook, T. đã bỏ nhà đi suốt 3 tháng nay. Cha T. đã dành nhiều thời gian đi tìm em nhưng đến nay vẫn chưa tìm được.
Tình trạng nữ sinh kết bạn qua facebook và bỏ đi theo bạn trai đang gây xôn xao dư luận khi tại trường cấp 2 – 3 Phú Quới (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long), trong 1 tháng có tới… 7 nữ sinh bỏ nhà đi bụi.
Đơn cử như trường hợp nữ sinh Q.H. chỉ mới quen bạn một ngày qua facebook (29/3) đến ngày hôm sau (30/3) đã nghe theo lời bạn bỏ nhà đi “sống chung”. Nhờ các cơ quan chức năng tích cực tìm kiếm, ngày 1/4, gia đình đã đưa được Q.H. về nhà, tố cáo “bạn trai 1 ngày” của Q.H. về tội xâm hại tình dục.
Bà Lê Thị Phiến – Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội bảo vệ trẻ em tỉnh Đồng Tháp – cho biết, từ đầu năm 2014 đến nay, Trung tâm tiếp nhận 13 trường hợp trẻ bỏ nhà đi (năm 2013 chỉ có 2 trường hợp), đa số là nữ giới, trong độ tuổi dưới 16. Trong số này có 3 em đến nay đã về và đi học trở lại, 3 em nghỉ học, 1 em quay về rồi tiếp tục bỏ đi, 4 em chưa trở về, gia đình chưa có thông tin về các em và đang tìm kiếm.
Vì sao các nữ sinh “thích” bỏ nhà đi bụi?
Theo bà Phiến, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các em bỏ nhà đi như: buồn chuyện gia đình nên tự ý bỏ học, bỏ nhà theo bạn đi chơi; thiếu kiến thức và kỹ năng tự bảo vệ nên dễ nghe lời dụ dỗ, xúi giục của bạn bè xấu… Cũng có lý do như hoàn cảnh gia đình khó khăn, thiếu thốn trong khi các em bắt đầu lớn, có nhu cầu được ăn mặc, muốn giúp đỡ cha mẹ nên khi có người dụ dỗ đi kiếm việc làm đã trốn nhà đi làm. Cũng có những trẻ sống trong gia đình có ba mẹ bất hòa, ly hôn, các em không được dạy dỗ chu đáo nên bị ảnh hưởng tâm lý.
Dưới góc độ tâm lý học, lứa tuổi 14 -16 tuổi là tuổi vừa mới lớn, có các đặc điểm tâm lý rất đặc biệt như thích làm người lớn, thích khẳng định mình, dám làm việc khác thường, không sợ nguy hiểm… Đặc biệt là sự xuất hiện cảm xúc giới tính, rung cảm yêu đương rất mới nhưng rất mạnh ở các em, các em nữ ở tuổi này rất nhạy cảm, đồng thời dễ bị cám dỗ bởi cái gọi là “tình yêu”. Do đó, các kẻ xấu lợi dụng điểm này, sẵn sàng giăng bẫy và khi các em gái buồn chuyện gia đình, học hành, cha mẹ la gầy… thì các em sẵn sàng bỏ nhà theo bạn trai dù mới quen biết vài ngày.
Cần sự quan tâm của nhà trường, gia đình
Trước tình trạng ngày càng nhiều nữ sinh bỏ nhà đi bụi, các địa phương đang tích thực hiện các buổi tuyên truyền, tư vấn những kỹ năng cần thiết cho các em học sinh cấp 2 – 3; tác dụng phụ của điện thoại, facebook cho các em học sinh, thầy cô, phụ huynh….
Như vừa rồi, sau sự việc có 7 học sinh nữ bỏ nhà đi bụi, trường cấp II – II8; Phú Quới phối hợp với Công an huyện Long Hồ tổ chức buổi sinh hoạt về việc quản lý học sinh giữa gia đình, nhà trường và cả chính quyền địa phương… trước những thủ đoạn lợi dụng công nghệ của kẻ xấu xâm hại các em. Tại buổi tuyên tuyền này, rất được các phụ huynh nhiệt tình ủng hộ và mong chương trình tiếp tục tan toả.
Tuy nhiên nhiều phụ huynh cũng mong muốn, song song bên công tác tuyên truyền của lực lượng Công an, đội ngũ giáo viên phải nắm quan tâm nhiều hơn đến tình hình học sinh của lớp mình chủ nhiệm, kịp thời thống báo đến gia đình. Và đặc biệt là cần có nhiều buổi tuyên truyền, giáo dục kỹ năng sống cũng như kỹ năng phòng tránh bị lợi dụng, xâm hại cho HS nhất là các con em của chúng tôi ở vùng nông thôn, nhận thức của các em còn chưa chín chắn và dễ nghe lời dụ dỗ ngon ngọt của kẻ xấu.
Ngoài việc, giáo dục giới tính còn bỏ ngõ như hiện nay thì những buổi “bồi dưỡng” kỹ năng sống cho các em học sinh không mấy trường thực hiện.
Bà Trần Ngọc Nở – chuyên viên Trung tâm Công tác xã hội bảo vệ trẻ em tỉnh Đồng Tháp – chia sẻ: “Trẻ bỏ nhà đi khi trở về có tâm lý lo lắng, hoang mang, có những em luôn muốn né tránh, không muốn tiếp xúc với mọi người. Ngoài ra, nhiều gia đình còn dấu sự việc hoặc ngăn cấm các em tiếp xúc với bạn bè và bên ngoài… Do đó việc tiếp xúc với các em là rất khó, phải đến nhiều lần vận động, phụ huynh, các em mới “mở lòng” cho các em đi tham gia các buổi tư vấn tâm sinh lý, sức khoẻ…”.
Giảng viên Vũ Thị Phương, Phó Khoa Tâm lý – Giáo dục và Quản lý giáo dục, Trường Đại học Đồng Tháp khuyên các bậc cha, mẹ, người thân khi phát hiện con bỏ nhà đi nên báo cho công an càng sớm càng tốt, đừng ngần ngại, đừng sợ tiếng xấu mà im lặng che giấu. Đồng thời chủ động lần tìm các mối quan hệ của các em và tự đi tìm các em về. Khéo léo, nhẹ nhàng động viên các em để không làm các em khủng hoảng, sau đó hãy lắng nghe các em rồi lựa lời giải thích để các em hiểu và không tái diễn.
Cũng theo nhiều chuyên gia tâm lý nhận định, ngày nay đa phần các bậc phụ huynh mãi lo công việc làm ăn, không chú ý đến những thay đổi bất thường về tâm sinh lý của các em và nguy hiểm hơn khi các bậc phụ huynh không quản lý được điện thoại, internet…các em dễ dàng tiếp cận với những cái xấu. Còn ở nhà trường vấn đề giáo dục giới tính vẫn còn bỏ ngõ, từ tính to mò về những thay đổi của cơ thể, các em sẽ tìm hiểu và muốn làm theo, chưa kể những kẻ xấu lợi dụng các trang mạng xã hội giăng bẫy các em là hết sức nguy hiểm.
Nguyễn Hành – H.N