Báo động tình trạng đuối nước ở trẻ trong mùa hè
Tăng số lượng nạn nhân đuối nước trong một vụ
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước thương tâm và hầu hết đều xảy ra vào thời điểm học sinh không phải đến trường như vào ngày nghỉ cuối tuần hoặc vào các ngày nghỉ lễ.
Theo báo cáo của Sở LĐTB&XH tỉnh Thanh Hóa, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 16 vụ tai nạn đối với trẻ em. Trong đó, có 11 tai nạn đuối nước và 5 tai nạn thương tích. Mặc dù, con số này có chiều hướng giảm so với thời điểm này năm trước, nhưng hầu hết các vụ đuối nước có thương vong từ 2 – 3 em, thậm chí có vụ 4 em.
Cụ thể, vào ngày 14/4, hai trong bốn học sinh tiểu học ở xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) xuống biển Hải Thanh tắm đã bị sóng cuốn trôi. Chỉ 4 ngày sau, vào ngày 18/4, hai anh em sinh đôi sinh năm 2006, học sinh lớp 7 trường THCS Xuân Hòa, huyện Thọ Xuân cũng đuối nước tại khu vực Đồng Lún tiếp giáp 3 xã Xuân Hòa, Xuân Giang, Xuân Trường.
Thương tâm nhất là vụ đuối nước xảy ra trên địa bàn xã Vĩnh Ninh (huyện Vĩnh Lộc), cướp đi sinh mạng của 4 học sinh lớp 7 vào ngày 6/5. Một nhóm khoảng 10 học sinh ngoài giờ học đã rủ nhau ra sông Mã đoạn chảy qua địa bàn xã Vĩnh Ninh tắm do trời quá nóng. Trong lúc tắm, 4 em bị nước cuốn trôi, số còn lại may mắn thoát chết…
Lý giải nguyên nhân dẫn đến các vụ đuối nước của trẻ, ông Nguyễn Ngọc Thụ, Trưởng Phòng Trẻ em, Sở LĐTB& XH tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Có 3 nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ. Thứ nhất, nhận thức của gia đình và cộng đồng đối với công tác phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước ở trẻ em chưa đầy đủ, phần nào còn xem nhẹ.
Một bộ phận gia đình còn nhiều khó khăn, tập trung lo kinh tế, ít dành thời gian để chăm sóc, giáo dục và giám sát con cái. Bên cạnh đó, môi trường sống của trẻ, đặc biệt là trẻ em ở vùng nông thôn, miền núi còn tồn tại nhiều rủi ro, chưa an toàn. Nhiều địa phương có rất nhiều ao, hồ, sông suối nguy hiểm nhưng không đặt biển cảnh báo. Thứ nữa là trẻ em vẫn thiếu kỹ năng an toàn dưới nước, đã dẫn đến nhiều vụ tai nạn đuối nước thương tâm”.
Còn ông Nguyễn Ngọc Dũng, Trưởng phòng Chính trị, tư tưởng – Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Sở đã tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan để thực hiện hiệu quả chỉ đạo của tỉnh. Bên cạnh đó, ngành Giáo dục yêu cầu Hiệu trưởng các nhà trường, trong các buổi chào cờ đầu tuần thường xuyên quán triệt, nhắc nhở các em trên đường từ nhà đến trường và ngược lại; thời gian nghỉ hè tuyệt đối không được tự ý tắm, chơi đùa gần ao hồ, sông suối tiềm ẩn nhiều nguy cơ đuối nước. Giáo viên chủ nhiệm các cấp, hàng ngày duy trì từ 3 – 5 phút các tiết học cuối, trước khi học sinh tan trường để nhắc nhở, khuyến cáo các em tự bảo vệ bản thân, tránh các tai nạn thương tích và đuối nước. Tuy nhiên, chúng tôi cũng rất tiếc nhiều vụ đuối nước trên địa bàn vẫn diễn ra”.
Gian nan công cuộc chống đuối nước cho trẻ!
Là cơ quan chủ quản trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, năm 2019, Sở LĐTB&XH tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện các hoạt động của Dự án hỗ trợ, can thiệp hiệu quả và bền vững để phòng, chống đuối nước trẻ em tỉnh Thanh Hóa.
Dự án được đại diện các sở, ngành liên quan và 20 xã, thị trấn thuộc 6 huyện tham gia. Cụ thể, các huyện gồm: Triệu Sơn, Nông Cống, Hà Trung, Nga Sơn, Như Thanh, Cẩm Thủy.
Theo đó, 20 xã tham gia dự án sẽ được truyền thông, nâng cao nhận thức về nguy cơ và các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống đuối nước trẻ em tại cộng đồng; tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn, phòng, chống đuối nước cho trẻ em dưới 5 tuổi.
Nhiều nơi, chính quyền địa phương đã tổ chức dạy trẻ bơi miễn phí để tránh tai nạn đuối nước.
Trẻ em từ 6 -15 tuổi ở các xã tham gia dự án sẽ được dạy bơi và nâng cao kỹ năng bơi an toàn trong môi trường nước… Mục tiêu khi kết thúc dự án sẽ có 4.000 trẻ em nhóm tuổi tiểu học và trung học cơ sở tại các xã triển khai dự án được trang bị kiến thức phòng, chống đuối nước và an toàn trong môi trường nước. Ít nhất 2.200 trẻ em (khoảng 25% trẻ chưa biết bơi) từ 6 đến dưới 15 tuổi được học bơi an toàn…
Cùng với sự vào cuộc của của các sở, ngành liên quan, các địa phương trên địa bàn Thanh Hóa cũng tăng cường công tác phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ. Theo đó, nhằm hạn chế tỷ lệ trẻ em bị đuối nước trong dịp hè, Huyện đoàn Lang Chánh đã phối hợp với một số cơ quan đơn vị trên địa bàn tổ chức lớp dạy bơi miễn phí với hơn 100 trẻ em tham gia.
Huyện Đông Sơn phối hợp với Trạm y tế, Ban Văn hóa và các trường học trên địa bàn xã tổ chức buổi ngoại khóa về “Phòng, tránh tai nạn đuối nước năm 2019.
Hai năm nay, bể bơi thông minh được lắp đặt tại nhiều cơ sở trường học để học sinh có thể học bơi ngay trong nhà trường.
Tại buổi ngoại khóa, gần 600 đội viên, học sinh, nhi đồng đến từ các trường tiểu học, trung học cơ sở xã Đông Minh đã được nhắc nhở, khuyến cáo từ nhà đến trường, từ trường về nhà, thời gian nghỉ học, nghỉ hè tuyệt đối không được chơi, đùa nghịch gần ao, hồ, kênh, rạch, hố công trình xây dựng, những nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước…
Ngoài ra, để phòng chống đuối nước cho học sinh, ngành Giáo dục tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tổ chức lắp đặt các bể bơi thông minh đảm bảo tiêu chuẩn ở các trường trên địa bàn để dạy bơi cho học sinh…
“Trong điều kiện kinh phí để xây các bể bơi cố định còn hạn chế, mô hình bể bơi di động được đánh giá là hiệu quả và đáp ứng yêu cầu về dạy bơi trong các nhà trường. Bể bơi này được lắp đặt ngay tại sân trường, với sự hướng dẫn của các giáo viên đến từ Trung tâm thể dục thể thao thành phố Thanh Hóa, giúp các thầy cô và phụ huynh yên tâm khi đưa trẻ tới học. Tại các lớp học bơi, trẻ sẽ được học các kỹ năng bơi lội và xử lý một số tình huống có thể xảy ra khi dưới nước.
Thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp với ngành Thể thao tiếp tục nhân rộng mô hình bể bơi thông minh, trong đó quan tâm đến các trường ở nông thôn, miền núi, nhằm góp phần hiệu quả vào việc phòng chống tai nạn đuối nước ở trẻ em” – ông Nguyễn Ngọc Dũng, Trưởng phòng Chính trị, tư tưởng – Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm.
Bình Minh