Báo động đỏ về “thế hệ nợ nần” ở Mỹ
Nhiều nhà dự báo kinh tế cho rằng những người dưới 35 tuổi sẽ là thế hệ đầu tiên không thể đạt được hoặc vượt qua mức sống của thế hệ trước. Đó là một thực tế không mấy vui cho giới trẻ Mỹ.
Cuộc sống tằn tiện
Zoe Paul đã có rất nhiều sự thay đổi trong cuộc sống. Cô từng là một chuyên viên thiết kế web ở
Để trả khoản nợ 10.000 đô la trong thẻ tín dụng, Zoe phải tiết kiệm từng đồng xu một trong một chiếc ống cạnh giường. Khi mua sắm đồ cho phòng khách, Zoe không dám tới các siêu thị đồ nội thất mà thay vào đó là một cửa hàng giảm giá. Hàng sáng Zoe phải chuẩn bị bữa trưa. Trong nhà không còn được xem truyền hình cáp, không được truy cập cả Internet. Điều đau khổ nhất với Zoe là phải từ bỏ thói quen uống cà phê Starbucks mỗi sáng…
Vì đâu nên nỗi…
Bằng đại học là một điều kiện quan trọng để có được một công việc thu nhập cao. Tuy nhiên, những công việc như vậy lại không nhiều và đến 80% số việc làm mới trên thị trường không cần bằng đại học. Chính vì thế tỷ lệ người trẻ có bằng đại học trong tay phải làm những công việc bình thường, lương thấp là rất cao.
Đã từng có thời kỳ giới trẻ Mỹ bắt chước phong cách sống của những người giàu có và nổi tiếng nên đã rất tích cực mua sắm bằng thẻ tín dụng. Điều đó đã khiến cho nhhững khoản nợ trong thẻ tín dụng của giới trẻ Mỹ tăng lên không ngừng. Theo số liệu của Cục dự trữ liên bang, từ năm 1983 đến 2001, nợ trong thẻ tín dụng của những người trong độ tuổi 25-34 đã tăng gần gấp 3, từ 3.989 đô la lên 12.000 đô la.
Điều tương tự cũng xảy ra với khoản nợ thời sinh viên của giới trẻ. Việc tăng học phí kết hợp với giảm trợ cấp đã khiến nhiều sinh viên phải nợ gần 20.000 đô la. Các số liệu cho thấy một sinh viên mới tốt nghiệp có thể phải nợ tổng cộng 45.000 đô la, trong khi một bác sĩ, luật sư trẻ có thể nợ lên tới 100.000 đô la.
Tình trạng bất ổn của nền kinh tế khiến cho mọi người tăng tiết kiệm, giảm tiêu dùng nhưng thế hệ trẻ hiện nay thì lại khác. Ngành kinh doanh thẻ tín dụng đã từng tung ra khẩu hiệu: “Bạn kiếm được tiền nên bạn xứng đáng được hưởng”. Vì thế nó đã kích thích giới trẻ tiêu tiền bằng thẻ tín dụng như là một cách để thoả mãn thú vui mua sắm. Bề ngoài, họ có một ngôi nhà đẹp, một chiếc ô tô sang trọng, ăn vận quần áo, mỹ phẩm đắt tiền nhưng kỳ thực họ lại đang vay nợ từ tương lai.
Các chuyên gia nghĩ gì?
Carmen Wong Ulrich từng là biên tập viên tạp chí Money đồng thời là tác giả cuốn “Thế hệ nợ nần”, một cẩm nang về tài chính cho người trẻ đã nói rằng: Kiến thức về tài chính và thói quen tiết kiệm của giới trẻ gần như bằng không. Rất nhiều vấn đề tài chính cá nhân là hoàn toàn mới lạ với họ, thậm chí họ còn chẳng quan tâm tới. Đối với giới trẻ, nợ nần là chuyện bình thường và họ luôn có một suy nghĩ rằng: “Mình sẽ giải quyết vấn đề này sau”.
Robert D. Manning, giáo sư tài chính ở Viện công nghệ Rochester hiện phải làm giáo viên giảng dạy về tài chính cá nhân vì ông thấy rằng giới trẻ ngày nay rất thiếu kỹ năng quản lý tài chính cá nhân. Họ gần như không có kiến thức về đầu tư nên thường có tỷ lệ tiết kiệm âm và không có tài sản ở bên ngoài gia đình. Ông khẳng định họ sẽ không được nghỉ hưu sớm.
Tamara Draut, tác giả cuốn “Vì sao người Mỹ trong độ tuổi 20 và 30 không thể giàu lên được” khẳng định những người trẻ rốt cục sẽ phải “cày” tích cực hơn để có lương trả nợ. Bà cũng cho biết, thế hệ này sẽ khó có thể làm việc và nâng cao trình độ lên cấp trung bình. Họ sẽ không thể đạt được mức sống của thế hệ trước bởi vì những khoản nợ, vì lương không tăng và vì giá nhà đất đã đắt hơn rất nhiều so với thời trước.
Thực tế trong vòng 5 năm qua giá nhà đất tăng trung bình 26%/năm trong khi thu nhập của cá nhân tăng thấp hơn 10%/năm. Điều đó khiến cho những người Mỹ trẻ tuổi đã phải từ bỏ ước mơ có được một ngôi nhà riêng. Tình hình cũng xảy ra tương tự với những người phải thuê nhà khi giá thuê nhà đã tăng gấp 3 lần trong vòng 5 năm qua. Kết cục là khoảng 40% số người Mỹ trẻ tuổi phải trở về sống với bố mẹ sau khi tốt nghiệp đại học.
Đăng Minh
Theo MSNBC