Bạn trẻ quan tâm đến tình dục tiền hôn nhân

Tác giả: coaynoiĐăng ngày: 03/12/2007Lần cập nhập cuối: 01/01/2021

Yêu lành mạnh kể cả khi có quan hệ tình dục?

Nhiều bạn coi tình yêu thuộc một loại “việc làm” và sắp xếp lịch cho trái tim mình, theo kiểu em đang học nên tạm thời sẽ chưa yêu. Muốn yêu nhưng lại sợ, sợ “tụt dốc” kết quả học tập, ảnh hưởng đến lao động và nhất là sợ yêu vì nghĩ khi yêu sẽ mù quáng và sẽ phải làm chuyện ấy.

Một bạn nữ giấu tên đã gửi câu hỏi cho một trong những khách mời của buổi giao lưu là Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên: “Em có một người chị họ yêu một người đàn ông đã có vợ. Chị ấy yêu và dâng hiến tất cả và hậu quả là người chị đó mang thai… Nhìn vào đó em thấy sợ quá, chẳng dám yêu ai nữa”.

Bạn Nguyễn Bình Minh (23 tuổi), sinh viên khoa Môi trường, ĐH KHTN – ĐHQG Hà Nội đặt ra khía cạnh về yêu lành mạnh: “Khi mình yêu, sống chung với người mình yêu và đã sử dụng mọi biện pháp an toàn trong quan hệ thì đó có được xem là yêu lành mạnh hay không?”.

Chuyên gia tư vấn tâm lý Đinh Đoàn – người dẫn chương trình “Cửa sổ tình yêu” của Đài tiếng nói Việt Nam – khách mời của chương trình cho rằng nếu khi bạn đã yêu và xác định được việc làm của mình thì không có gì là không lành mạnh. Nó chỉ không lành mạnh nếu đó có sự ép buộc từ một phía hoặc bạn làm việc đó như một cách để giữ bạn trai theo kiểu “nếu không chiều sẽ bỏ”.

Anh Đinh Đoàn nhấn mạnh: Tuy nhiên, bạn hãy suy nghĩ kỹ trước khi làm “việc đó” vì nó có thể làm chai mòn cảm xúc và tâm hồn của bạn. Vì hầu hết các bạn gái khi đã “thử” đều thấy tiếc nuối và nếu cho họ cơ hội quay lại họ sẽ nói “không”!

Con trai – con gái và “việc đã rồi”

Hai khía cạnh được các bạn tranh luận sôi nổi là dành cho các bạn gái là “có nên thú nhận với bạn trai khi mình đã từng quan hệ tình dục” và cho các bạn trai: “Ứng xử như thế nào khi biết bạn gái của mình đã vượt quá giới hạn với người trước”?

Câu hỏi trên làm “đau đầu” các bạn gái vì im lặng cũng không xong nhưng cũng không đủ can đảm để nói ra vì không những sợ bạn trai bỏ rơi mình mà kể cả khi bạn trai chấp nhận cũng sợ khó mà “được yên”.

Bạn Hồ Thị Huyền, K31, ĐH Luật không tìm nổi câu trả lời cho mình nếu đặt bạn vào tình huống này. Huyền băn khoăn: “Nói ra liệu bạn trai có tha thứ cho mình. Còn khi họ tha thứ thì khi ở bên cạnh mình họ cũng sẽ dày vò, bới móc chuyện đã qua của mình. Còn nếu im lặng mà nếu bạn trai mình biết được thì chắc chắn người ta sẽ giết em mất vì thêm tội lừa dối”.

Các bạn trai cũng đã bày tỏ cái nhìn “cảm thông” hơn khi biết bạn gái mình đã trót dại, không một bạn nào chọn giải pháp bỏ rơi bạn gái mình, tha thứ nhưng lại theo kiểu đã yêu rồi nên buộc phải chấp nhận.

Trần Vũ Nam, K50, khoa Tâm lý học, ĐH KHXH&NV bày tỏ suy nghĩ của mình: “Là con trai tất nhiên ai cũng muốn yêu và lấy một cô gái còn trinh. Còn đã trót yêu một cô gái là từng “lỡ dại” thì cũng phải buộc lòng chấp nhận chứ không còn cách nào khác”.

Khi được hỏi lại: “Chấp nhận yêu cô gái như thế nhưng có chấp nhận lấy không?” Nhiều bạn trai cũng đồng tình quan điểm… xem đó là một thử thách của tình yêu: Nếu yêu họ, sẽ tha thứ, còn khi mình không thể tha thứ tức là tình yêu của mình chưa đủ lớn để vượt qua tất cả. Mà đã không yêu thì nên chia tay.

Thậm chí có bạn trai còn biết “bảo vệ” mình khi cho rằng yêu đâu nhất thiết phải cưới. Vũ Văn Chất, K52, Sinh học, ĐH KHTN nói: “Một tờ giấy đăng ký kết hôn chỉ có nghĩa về mặt pháp lý. Quan trọng là hai người yêu nhau, thế là đủ”. Quan điểm này đã bị phái nữ “vặc” lại vì cho rằng như thế là yêu không nghiêm túc, không xác định gì mà chỉ yêu cho vui.

Cô sinh viên Nguyễn Bình Minh “đòi” quyền bình đẳng cho phái nữ khi hỏi: “Tại sao không đặt câu hỏi cho các bạn trai nếu họ cũng đã từng quan hệ tình dục thì họ có thú nhận với bạn gái? Và họ có đặt câu hỏi: “Liệu bạn gái của mình có tha thứ?”. Thật xót xa khi cả hội trường ồ lên bởi “đòi hỏi” của cô sinh viên này.

Câu giải thích của chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn: Nếu con gái muốn “che giấu” thì con trai lại muốn “phô ra”, kể cả khi “chưa biết gì” nhưng sợ bị chê là đù đờ nên họ vẫn trả lời đã “trải nghiệm”. Vì thế bạn gái không nên “tra khảo” người yêu vấn đề này.

Tiếc nuối vì nhiều vấn đề chưa được đưa ra bàn luận, nhiều câu hỏi chưa được trả lời trong buổi giao lưu nhưng bạn trẻ, nhất là các bạn nữ đã cân nhắc hơn đến vấn đề quan hệ tình dục trước hôn nhân vì bao giờ họ cũng sẽ chịu thiệt thòi nhiều hơn.  

Trong buổi giao lưu, Nhà phê bình Văn học Phạm Xuân Nguyên bày tỏ suy nghĩ của mình về tình yêu giới trẻ:

Yêu là lành mạnh, chỉ có không yêu mới không lành mạnh. Cách yêu và bộc lộ tình yêu ở mối lứa tuổi khá nhau, còn bản chất tình yêu chỉ có một. Với bạn trẻ họ có cách yêu gắn liền với công việc, trách nhiệm và sứ mệnh của họ. Tình yêu có lành mạnh hay không là kết quả của sự thu nhận từ mỗi người qua giáo dục từ nhà trường, gia đình, qua sách báo.

Không nên né trách chuyện tình dục, hay sợ tình dục mà không dám yêu, vì tình dục là một phần của tình yêu. Khi hai người yêu nhau đã được một sự hài hoà, hiểu biết thì sự hoà hợp giữa tâm hồn và thể xác thì đó là một nét đẹp.

Việt Nam là một trong những nước tìm kiếm trên Google những từ liên quan đến sex nhiều nhất thế giới. Điều đó báo động điều gì, thưa ông?

Việt Nam nằm trong top tìm sex không có nghĩa chúng ta hư hỏng, đồi truỵ. Bên cạnh một bộ phận nhỏ thích “chiêm ngưỡng” thì phần lớn là mọi người muốn tìm hiểu thông tin về vấn đề này. Đây là một điều đáng lo, đáng báo động về thiếu thông tin trầm trọng của mọi người, nhất là giới trẻ về giới tính, về tình dục.  

 

Hoài Nam