Bản năng, sự tu dưỡng và một thế hệ chấp chới
Tu dưỡng phải là căn cốt
Thứ thưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn vừa chính thức có yêu cầu: “Tất cả các cơ quan báo chí chấm dứt việc đưa thông tin chi tiết về các vụ án giết người”.
Đây là lần đầu tiên một quan chức quản lý truyền thông có động thái quyết liệt với những tờ báo in cũng như báo mạng, truyền hình khai thác quá sâu các vụ trọng án.
Tuy muộn màng, nhưng vô cùng cần thiết.
1. Mấy năm trước, tôi có theo mảng phía sau vụ án. Nghĩa là, ghi lại những tang thương, buồn đau từ cả hai phía trong một vụ trọng án. Làm mảng này, khủng khiếp nhất là nỗi ám ảnh từ nước mắt và tiếng khóc uất nghẹn của những cá nhân mà tôi tiếp xúc.
Tôi vẫn rợn người khi nhớ lại tiếng khóc giữa trưa vắng của người mẹ mất hai con trong vụ thảm án ở huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương. Hung thủ của vụ trọng án ấy là chồng, là cha của nạn nhân.
Nguyên thủy của vụ việc rất đơn giản, chồng làm công nhân cao su, tự nhiên phởn chí chỉ lo bài bạc, vay mượn tứ tán khắp nơi để ném vào những trò đen đỏ, từ đá gà cho đến cờ bạc. Vợ khuyên can nhiều lần không được, giận. Vợ mang hai con trai nhỏ ra rừng cao su ở, căng bạt dựng lều để buôn bán nước giải khát.
Chồng thấy cảnh đó, cho rằng vợ phản bội nên ghen. Nửa đêm, cầm dao xông vào nơi vợ và hai con đang ngủ, đụng ai chém nấy.
Bệnh viện Chợ Rẫy một trưa khác, tôi thấy cô gái ấy khóc tức tưởi trên giường bệnh. Dưới gầm giường, là đôi dép mủ, lấm lem bùn đất. Cô gái bị chồng hắt cả một ca axít vào vùng kín khi đang trên đường buôn bán.
Cô gái xinh xắn cùng chồng từ một tỉnh phía Bắc ly hương vào Sài Gòn, mưu sinh bằng nghề buôn bán vặt. Hai vợ chồng chắt chiu được đồng nào gửi về quê đồng đấy cho ông bà nuôi hai con nhỏ.
Chồng hay ghen, cứ thấy vợ có điện thoại là cật vấn. Cật vấn xong thì đánh. Có lần đánh chưa đã tay thì bị người cùng dãy nhà trọ can ngăn, chồng đành dừng lại. Tối, chồng bảo cô, anh đưa em đi ăn phở nhé, lâu rồi vợ chồng mình chưa ăn tối ở ngoài. Cô gái nghe chồng nói thì cảm động lắm, vội vàng nhận lời. Ngờ đâu, chồng lừa thôi. Chồng chở cô gái đến bãi đất trống, dừng xe để đánh tiếp.
Nhà tạm giam của Công an quận 11, TP .HCM. Cậu nhóc vừa học xong lớp 11, đêm qua đâm chết người đàn ông trong quán ốc. Người đàn ông chứng kiến cảnh cậu nhóc chửi mắng chị ruột, người đàn ông can ngăn. Cậu nhóc chạy đến quán ăn gần đấy, chụp lấy dao thái thịt và tiến đến chỗ ngồi của người đàn ông, vung tay lên hạ dao xuống.
Tôi có hỏi, “Vì sao lại vậy?”. Cậu nhóc trả lời tỉnh bơ: “Em làm thế rồi, anh không hiểu được đâu”.
2. Sau những lần va chạm ấy, tôi từ chối hẳn mảng phía sau vụ án. Vì tính tôi thì nhạy cảm mà cuộc đời sao lắm éo le đến vậy.
Trên truyền thông hàng ngày vẫn ra rả những câu chuyện về tội ác, những nhân thân của hung thủ, những gia cảnh của nạn nhân, phương thức thực hiện hành vi phạm tội…
Có những thông tin, quả tình tôi không dám đọc. Và tôi bắt đầu từ chối theo cách của riêng mình. Như khi tôi viết trên facebook cá nhân, “Tôi thật sự mệt mỏi với những thông tin về các vụ trọng án đã, đang diễn ra. Những tội ác, nguyên nhân, phương thức thực hiện hành vi, hiện trường vụ án, nhân thân nạn nhân và nghi can… được nhiều tờ báo miêu tả chi tiết, dẫn đi dẫn lại. Còn có cả, một cuộc đua thông tin về các vụ án ấy. Tựu trung, các cơ quan truyền thông luôn muốn gia tăng lượng người truy cập. Mặc cho, mỗi lần đọc những thông tin này, chúng ta luôn cảm thấy bí bách, ức chế, hoảng loạn và mất niềm tin vào cuộc sống.
Một trong những quyền cơ bản nhất của con người, là quyền từ chối. Thế nên, tôi nghĩ rằng nếu tất cả chúng ta cùng chung tay từ chối những thông tin trọng án được đưa theo lối bất chấp của các cơ quan truyền thông như ở thời điểm hiện tại, bằng cách không click vào thông tin đó. Nếu tất cả chúng ta cùng nhau sử dụng quyền từ chối của mình, tôi tin rằng chúng ta đủ sức mạnh khiến các cơ quan truyền thông phải đưa tin có chọn lọc và tiết chế hơn. Hãy vì chính bạn và người thân của bạn. Hãy cùng tôi sử dụng quyền từ chối vào việc này”.
3. Tôi không nghĩ, truyền thông góp phần vào sự thúc đẩy cái ác. Nhưng rõ ràng, cái ác được cập nhật liên tục dễ vô tình đẩy đám đông vào trạng thái dửng dưng, vô cảm với cái ác. Việc tiếp xúc với quá nhiều thông tin như vậy sẽ khiến người ta trơ lì về mặt cảm xúc. Mặc dù, tôi không có ý xúc xiểm hay phê phán những đồng nghiệp đang làm báo khác. Hiện tại, báo chí đang ở thời điểm muôn trùng nguy khó.
Tôi vẫn nghĩ, cái ác chỉ được loại trừ khi cả xã hội cùng chung tay. Và tín hiệu của Thứ trưởng Trương Minh Tuấn có thể xem là một cách chung tay với đám đông.
Quan trọng hơn nữa, miễn nhiễm với cái ác phải dựa trên sự tu dưỡng của bản thân. Vạn sự đều phải lấy sự tu dưỡng làm căn cốt. Nếu không có sự tu dưỡng, người ta dễ dàng để cho bản năng một cơ hội để bộc phát.
Những vụ trọng án mà chúng ta đã biết đến, không phải là một dạng bản năng cuồng tín hay sao? Chính từ sự buông lơi bản năng, người ta dễ dàng trút sự uất ức, bi phẫn của cá nhân mình sang người khác. Chính sự buông thả bản năng, người ta mới có thể thực hiện những hành vi thú tính như vậy, từ Bình Dương, Bình Phước cho đến Nghệ An, Yên Bái.
Sự tu dưỡng phải có một quá trình tích lũy, và quá trình này phụ thuộc cơ bản vào gia đình, thành trì của mỗi cá nhân.
Một cá nhân được sinh ra và lớn lên trong một gia đình đề cao sự yêu thương, tôn trọng, chăm sóc lẫn nhau sẽ rất khó xảy ra khả năng cá nhân ấy sẽ biến thành nguy cơ đối với xã hội.
Tôi chưa từng hồ nghi về quan điểm, gieo mầm thiện sẽ gặt được thiện tính.
Muốn có được điều này, các bậc làm cha làm mẹ bắt buộc phải quan tâm chăm sóc con cái nhiều hơn. Đừng phó mặc con cái cho xã hội, cho nhà trường… Vì sinh con ra, đã phải hiện hữu trách nhiệm rồi.
Đừng đổ thừa cho hoàn cảnh, đừng thoái thác cho đời sống.
Không còn cách nào cả đâu nếu muốn mọi thứ trở nên tốt đẹp, mỗi gia đình phải là suối nguồn yêu thương để thành viên có thể tắm mát.
Việc này, phải bắt nguồn ngay tự bây giờ.
Xin phép nói thêm điều này, nếu là không cần thiết mong bạn đọc bỏ quá cho. Mọi người nhớ lưu số điện thoại của cơ quan công an xã, phường vào danh bạ.
Minh họa: Hữu Khoa
Thử nghĩ về chữ nhẫn
Ngay sau những ngày nghỉ Tết Âm lịch 2015, chúng ta đã đón nhận thông tin không mấy vui vẻ đầu năm, rằng: có đến 6.200 người nhập viện vì đánh nhau trong những ngày Tết! Rồi đọc báo hàng ngày, chúng ta thấy nhan nhản những câu chuyện về cái ác, cái xấu diễn ra, từ đánh nhau gây thương tích đến những vụ thảm sát dã man, chung quy chỉ là vì tình, vì tiền và vì mâu thuẫn.
Ngày nay, người ta cũng dễ dàng giết cả những người thân yêu của mình, cha giết con, vợ giết chồng, người tình giết người tình, rồi đến học trò cũng sẵn sàng đâm chém nhau… Tất cả tạo nên cảm giác, bạo lực và hận thù đang tràn lan trong cuộc sống.
Từ lâu, các nhà xã hội học, tâm lý học hay đạo đức học đã bàn luận khá nhiều về nguyên nhân dẫn đến bạo lực, cái ác tràn lan. Đó có thể vấn đề của đạo đức xã hội xuống cấp; là hệ quả của thời đại cuộc sống gấp gáp, vội vàng; là vấn đề của giáo dục xuống cấp, từ giáo dục gia đình cho đến nhà trường, xã hội… Song, ít ai phân tích đến việc hết sức cụ thể là, vậy bản thân mỗi người phải làm gì để bảo vệ mình, những người thân của mình trước cái ác, cái xấu? Bởi trong cuộc sống hằng ngày, làm sao tránh những lúc va chạm, làm sao biết trước được điều gì sẽ xảy ra, làm sao tránh được hết những điều bất thiện trực tiếp đến với mình… Vậy khi đó, ta phải đối mặt với nó ra sao?
Trong đoạn kinh Pháp cú mà tôi hay đọc, có đoạn rất hay rằng: “Ít bạn đường, nhiều tiền/ Người buôn tránh đường hiểm/ Muốn sống, tránh thuốc độc/ Hãy tránh ác như vậy”. Rõ ràng, điều đầu tiên để mỗi người tự bảo vệ mình và người thân một cách hữu hiệu nhất trước cái xấu, cái ác đó là… hãy tránh xa nó. Điều này cũng giống như việc người buôn có nhiều tiền thì phải biết tránh đường hiểm để tránh kẻ cướp, hay người muốn sống thì phải tránh xa thuốc độc mà bài kinh trên đã chỉ dạy vậy!
Nhưng tất nhiên, tránh xa như vậy thôi chưa đủ, tôi nghĩ bản thân mỗi người còn cần phải tránh những tác động có thể dẫn đến cái ác, cái xấu đối với bản thân mình. Nếu để ý đến những vụ cướp giật ngoài đường, rồi đến cả những vụ án giết người cướp của, chúng ta sẽ thấy rằng, không ít nạn nhân đã vô ý khi trưng ra trước mắt kẻ gian tham của cải, vật chất của mình. Đó là một thực tế mà xã hội cần cảnh báo. Hằng ngày đi đường, tôi dễ dàng thấy rất nhiều người để túi xách trên xe một cách rất qua loa. Rồi đến cả những người đi xe máy sang, vàng đeo kín cổ tay… Như vậy, chẳng phải chúng ta đã vô tình làm mồi cho kẻ xấu ác?
Người ta hay nói, lời nói có thể hại người tựa gươm đao, đầu lưỡi tuy mềm nhưng có thể làm tổn thương người khác. Có thể trong lúc tức giận, chúng ta buông ra lời cay nghiệt với đối phương, nhưng không hề biết rằng đây cũng chính là mầm mống của bạo lực.
Thực tế xã hội cho thấy, có những vụ ẩu đã rồi đến cả án mạng xảy ra cũng chỉ từ những câu nói thiếu cân nhắc dành cho nhau. Nên người xưa dạy: “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” là vậy! Rồi nhiều khi, cách hành xử của chúng ta trong cuộc sống hằng ngày cũng rất có thể dẫn đến sự hận thù mà chúng ta không hề ý thức được.
Chẳng hạn như có rất nhiều vụ án mạng xảy ra chỉ vì gia đình bên này cấm cản con mình yêu con của nhà bên kia, vì lý do gì đó. Nhưng thay vì người lớn nhẹ nhàng khuyên bảo thì có người lại xua đuổi, nặng lời, miệt thị con nhà kia. Và việc “trả thù” sau đó là rất dễ xảy ra khi mà sự tuyệt vọng và thù hằn dâng cao vì bị đối xử tệ! Tất cả hoàn toàn không phải là câu chuyện hình sự mà thực sự là một vấn đề của xã hội khi mà người ta quá dễ dàng xuống tay lấy đi tính mạng đồng loại.
Cuối cùng, đó là vấn đề của chữ Nhẫn. Tôi để ý thấy mấy ngày Tết, chữ “Nhẫn” bán rất chạy, chạy hơn cả chữ “Phúc, Lộc, Thọ”. Chúng ta buộc phải thừa nhận rằng ngày nay, con người rất thiếu nhẫn. Do thiếu kiềm chế, kiên nhẫn nên chỉ cần cái nhìn, cười, liếc mắt, lời nói,… cũng đã đưa đến ẩu đả hay án mạng rồi.
Đặt ví dụ, khi ra đường, bạn bị người khác va quệt xe, người kia không xin lỗi mà trái lại còn chửi mắng mình, bạn sẽ ứng xử ra sao? Đây cũng là trường hợp xảy ra hằng ngày trên đường, nhất là vào những giờ cao điểm xe cộ chen chúc nhau và ai nấy cũng đều rất vội vàng. Nếu thiếu kiềm chế, sau khi va quệt, lời qua tiếng lại là xô xát nhau. Nhẹ nhàng thì trầy xước, nặng hơn thì có khi phải nhập viện trong sự bẽ bàng, thậm chí tính mạng có thể bị tước đoạt vô cớ cũng chỉ vì va quệt nhỏ này!
Hẳn người ta cũng không xa lạ vì với những vụ án mạng kiểu, cậu này rút dao đâm chết cậu kia chỉ vì nghĩ cậu kia đang nhìn đểu mình; hay cậu này đang ngồi nhậu, người kia chạy xe máy vào vô tình để đèn chiếu vào mắt cậu này, thế là ghế gỗ bay vào đầu và người trên xe máy gục xuống… Rất nhiều những án mạng như vậy đã xảy ra. Song, sự hung hăng, thiếu kiềm chế không phải chỉ là hành động bản năng của sự nóng nảy ở những gã trai trẻ người, non dạ, hay những kẻ thất phu nát rượu mà nó có thể tồn tại trong bất cứ ai nếu thiếu nhẫn.
Từng có những trường hợp như, hai ông già đầy uy tín trong ngành thủy sản ở Cà Mau đã choảng nhau như những kẻ du thủ du thực nơi công cộng, khi ông này trút bầu tâm sự dở dang vào cái bình trà ném thẳng vào mặt ông kia; hay, có hai thầy giáo nọ ở Trà Vinh cũng sẵn sàng choảng nhau tại sân trường, trước những học sinh thân yêu của mình…! Tất cả họ đều là người lớn, có học thức!
Có thể, khi đứng ở vai trò chỉ là người quan sát, ta rất dễ nhận ra rằng, không nên hành xử làm vậy. Song, khi là người trong cuộc thì mọi chuyện khác, lúc này tất cả phụ thuộc vào chữ nhẫn của mỗi người. Mới hôm rồi, thầy tôi có đọc cho tôi nghe bài thơ về chữ Nhẫn rất hay, tôi xin chép ra đây để hầu bạn đọc như sau: “Nhẫn nhịn là của báu/ Không nhịn là họa tai/ Lưỡi mềm nên còn hoài/ Răng gãy tại cứng cỏi/… Chỉ một giây không nhẫn/ Phiền não sinh trọn đời”.
Một thế hệ chấp chới
Hẳn bạn đã từng ngạc nhiên khi thấy trên mạng đăng tin hai cô bé hẹn nhau ra đường Nguyễn Huệ “xử” mà có hàng ngàn “người hâm mộ” đến xem. Hay những học sinh mặt còn non sữa đánh bạn rồi quay clip post lên mạng. Điều gì đang diễn ra ngoài xã hội kia, đang xảy ra với những người trẻ – con em chúng ta thế nhỉ?
Minh họa: Hữu Khoa
1. Gia đình anh bạn của tôi một hôm tá hỏa vì cậu con trai bỗng biến mất. Hỏi bạn bè cùng lớp không ra. Mà cháu sống khép kín nên cũng không nhiều bạn. Phải đến khi anh nhờ một chuyên gia IT mở mật khẩu truy cập vào máy tính cả nhà mới bật ngửa. Hóa ra, cậu con trai củ mỉ cù mì suốt ngày chăm chăm với máy tính lại có những mối quan hệ nhằng nhịt trên thế giới ảo. Lần đó, mất mấy ngày, gia đình anh bạn mới tìm thấy con trai đang offline cùng một clan (bang hội trong một game online) tại TP HCM. Thời gian gần đây, hỏi anh về cậu con trai, anh chỉ cười cười. Nhưng giờ sau giờ làm việc, anh ít tham gia các hoạt động của “anh em chiến hữu” mà về nhà chơi với con.
Không khó khi tìm kiếm trên mạng những bài viết về ảnh hưởng của game online đến sự hình thành nhân cách của con trẻ. Nhiều cô bé, cậu bé sau khi mắc vòng lao lý cho biết, nhiều lúc trong cuộc sống, các em vẫn có cảm giác hành xử, đánh nhanh giống như nhân vật trong game online. Tức là cũng thích đâm chém, bắn giết, sử dụng công cụ gây thương tích như trong thế giới ảo, dù đang sống ở đời thực. Theo lý giải của chuyên gia tâm lý thì do các em không dám khám phá, chinh phục đời thực nên tìm đến nhân vật trong game. Và chẳng biết từ bao giờ, những cô bé, cậu bé biến mình thành một nhân vật trong game, đắm chìm trong thế gới ảo và không biết đến thế giới thực hay không phân biệt nổi thế giới thực với thế giới ảo.
Trong một nghiên cứu về điều kiện khiến người chưa thành niên phạm tội, khi khảo sát 2.599 đối tượng vi phạm pháp luật hình sự được giáo dục tại 4 trung tâm giáo dưỡng của Bộ Công an ở các tỉnh, thành phố Ninh Bình, Đà Nẵng, Đồng Nai và Long An, kết quả cho thấy, có tới 70% số đối tượng thích chơi game mang tính bạo lực, trong đó có 25% nghiện game nặng, tức là mỗi ngày nếu các em không được chơi game từ 1 – 3 giờ thì không thể chịu được. 70% các em thường xuyên xem phim hoặc chơi các loại game sex (nhất là các em ở lứa tuổi 12 – 16).
Không chỉ riêng gia đình anh bạn tôi. Nếu bạn có con đến tuổi biết sử dụng máy tính, bạn có thể bắt gặp đứa con “nhỏ bé” của mình đang là một con người khác trên mạng xã hội: Một game thủ đứng đầu bang hội, một hot blogger, một Facebooker có ảnh hưởng… Và nếu truy cập được vào những cuộc trò chuyện, những đoạn chat, những topic trên mạng có thể bạn sẽ “đứng hình” khi bắt gặp những câu chửi thề, những phát ngôn kỳ quái không hề phù hợp với lứa tuổi.
2. Không thể phủ nhận, Internet đã len lỏi vào cuộc sống của mỗi gia đình. Từ việc truy cập, tìm kiếm thông tin cần thiết đến việc giải trí, tham gia mạng xã hội hay chỉ đơn giản là tìm một clip phù hợp để con ăn bột. Cộng thêm sự phát triển của các thiết bị cầm tay, người lớn và trẻ em có thể “sống trên mạng” gần như toàn thời gian (có lẽ chỉ trừ lúc ngủ): Ăn trước máy tính, vừa nói chuyện vừa lướt trên smartphone, thậm chí cầm cả iPad vào toilet…
Tại các nước cũng có tình trạng tương tự: Các bậc cha mẹ khuyến khích con sử dụng kho tàng Internet để truy cập thông tin hữu ích nhưng không ngờ đang trao con vào một thế giới khác mà không hề giám sát, chỉ dẫn. Trong khi cha mẹ nghĩ rằng con trẻ đang tìm kiếm thông tin để hoàn thành một bài tập về nhà, thì “bọn trẻ con” đó có thể bỏ ra hàng giờ chơi trò chơi trực tuyến hay lướt web. Không có bộ lọc kỹ thuật nào hiệu suất 100% nên những trang web này lẫn cả những trang web không phù hợp với những hình ảnh khiêu dâm, video sex, thông tin cổ vũ việc sử dụng các loại thuốc hay rượu hoặc những thông tin đầy rẫy nội dung bạo lực.
3. Chúng ta, có nghĩa là cả xã hội, nhà trường và gia đình đang tuột đi mất những người trẻ. Bận bịu, các bậc cha mẹ thường “khoán trắng” con cái cho nhà trường. Nhà trường thì bận với những cải cách nhằm tăng khối lượng kiến thức phải nhét vào đầu học sinh hơn là việc hướng dẫn chúng những cư xử chuẩn mực trong cuộc sống.
Một xã hội với nhiều hiện tượng “lệch chuẩn” càng khiến những người trẻ cảm thấy bối rối, cô đơn. Khoảng cách với bố mẹ, anh chị em, thầy cô xa ngái những người trẻ ngày nay không còn thần tượng đúng nghĩa. Thần tượng của họ ở trên mạng. Đó có thể là nick name của một người nổi tiếng ngoài đời thực, có thể là một fanpage đông người hâm mộ hay có khi chỉ là một hot facebooker nào đó. Chưa có sự trưởng thành đầy đủ, muốn thể hiện mình, thói a dua, rất nhiều bạn trẻ đã tự biến mình thành “anh hùng bàn phím”, mù quáng thành “cái máy” like và share.
Nếu “sống ảo” chỉ như vậy thì đi một nhẽ. Nhưng hãy nhìn cách những người trẻ tham gia vụ 2 cô gái chuẩn bị “nói chuyện phải quấy” trên đường Nguyễn Huệ. Hãy nhìn cách những bạn trẻ chia sẻ clip học sinh đánh nhau. Thậm chí những cú like, share có thể dẫn đến một cái chết như trường hợp nữ sinh N.T.A.T. (SN 2000, ngụ huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai). Sau khi bị bạn trai tung “clip sex” lên mạng và đứng trước cơn bão chia sẻ và những lời chỉ trích, chửi mắng ngoa ngoắt của cư dân mạng, thiếu nữ này đã tự tử.
Trước khi tự tử, A.T. đã lên trang facebook của mình viết: “Mọi người có thôi ngay không, em sai em nhận hết. Đừng bàn tán nữa, im cả đi. Mấy người không biết nghĩ à, mấy người ép người khác vào đường cùng đúng không? Tôi van lạy mấy người hãy tha cho tôi”.
Nói gì về trường hợp này? Nhiều lắm mà cũng chẳng có gì cả. Cư dân mạng chỉ xúc động một thời gian, lắng xuống một thời gian rồi lại điên cuồng like, share những câu chuyện chưa được kiểm chứng trên mạng, những clip được cho là hot. Căn bản, họ, những người trẻ thuộc một “thế hệ chấp chới” – chưa thực sự trưởng thành nhưng không còn bé mọn nữa, lại không có một thần tượng hay ngọn “hải đăng” nào dẫn lối, chập chờn giữa thế giới thực và thế giới ảo. Những người trẻ thuộc “thế hệ chấp chới” đang trên con đường tự khẳng định mình. Không phải trong đời thật thì trên mạng ảo.
Thế các bậc cha mẹ phải làm gì? Rút dây mạng máy tính của con, tịch thu iPad hay ra lệnh cấm truy cập Internet? Có thể. Nhưng trước những động thái đó, các bậc làm cha, làm mẹ hãy tự bỏ smartphone của mình để nhìn thấy con cái (cả nghĩa đen và nghĩa bóng), để bữa ăn hay buổi nói chuyện gia đình không bị gián đoạn bởi những ting ting tin nhắn về một lời nhắc trên facebook. Chính bố mẹ, chứ không phải con trẻ phải tập thói quen quan tâm đến người khác ngay cả trong gia đình mình. Bởi, với Internet, với muôn vàn cám dỗ trên mạng thì: “Mối nguy hiểm lớn nhất đối với người trẻ lại nằm trong nhà riêng tưởng như an toàn”.
Một thế giới hấp tấp với công việc, những stress và lo âu đã khiến con người xù lông, trú ẩn vào cái vỏ ốc sên của mình. Hiện tượng này tại Nhật Bản gọi là hikikomori mà theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản thì hikikomori là những người không chịu ra khỏi nhà, tự cô lập mình khỏi xã hội trong ít nhất nửa năm.
Dù bắt nguồn từ Nhật Bản thì hikikomori cũng đã xuất hiện rải rác ở Hoa Kỳ, Tây Ban Nha, Italia, Pháp và cả Hàn Quốc.
Theo Ngô Nguyệt Lãng – Hoàng Lãng – Anh Tú
An ninh thế giới cuối tháng