Bác sĩ già 25 năm chữa bệnh miễn phí cho người nghèo
Tiến sĩ Y học Nguyễn Văn Chương sinh năm 1934, với 60 năm bề dạy kinh nghiệm công tác trong ngành y. Năm 1992, sau khi nghỉ hưu ở bộ Y tế năng lượng, Tiến sĩ Chương đã từ chối nhiều lời mời của các bệnh viện lớn, để trở về nhà và tự mở cho mình một phòng khám nhỏ với mong muốn giúp đỡ người bệnh, đặc biệt là những bệnh nhân nghèo được điều trị trong điều kiện tốt nhất có thể.
Phòng khám của ông ở địa chỉ số 7 Đông Hồ, ngõ 424 Thụy Khuê – Tây Hồ – Hà Nội. Nhiều bệnh nhân đến đây không chỉ để được khám chữa bệnh miễn phí mà còn để được khám chữa bệnh bởi một vị lương y tài giỏi, đức độ.
“Thầy thuốc giỏi cốt ở tấm lòng”
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Chương năm nay đã bước sang tuổi 84 nhưng vẫn đầy nhiệt huyết với đời, với nghề. Ông vẫn thường được bệnh nhân gọi với cái tên thân mật là: “Ông Chương”, ông Chương cũng thích cách gọi đó bởi nó khiến ông gần gũi với bệnh nhân của mình hơn.
Phòng khám nhỏ của ông lúc nào đến cũng có 3 – 4 bệnh nhân ở đó, họ ăn mặc thoải mái, tự do đi lại quanh tầng một nhà ông và chủ động trong việc sử dụng các thiết bị máy móc. Phòng khám này chỉ có mình ông Chương là chủ nên ông luôn coi mọi bệnh nhân đến đây như người nhà.
Cô Trúc (ở Hoàng Quốc Việt) – một bệnh nhân của ông Chương cho biết: “Cô chưa từng đến một phòng khám nào lại có cảm giác gần gũi như thế này. Mọi người nói chuyện thoải mái với nhau, bác sĩ Chương điều trị rất có tâm, không chỉ ân cần với bệnh nhân mà đôi lúc cũng rất hóm hỉnh nữa”.
Nhà ông Chương có 3 tầng thì toàn bộ tầng một rộng khoảng 50m2 được ông sử dụng làm phòng khám với đầy đủ các thiết bị khám chữa bệnh, có hai phòng khám và một khu vực vệ sinh. Các thiết bị trong phòng khám của ông phần nhiều được ông mua từ khi mới mở phòng khám bằng số tiền ông tự dành dụm được sau khi nghỉ hưu. Đến nay một số đã được ông thay mới để phục vụ bệnh nhân tốt nhất.
Ngày mở phòng khám này, ông chỉ có một mong muốn duy nhất là được khám chữa bệnh cho người dân, giúp cho bệnh nhân của ông bớt những cơn đau nhức và có được sức khỏe tốt nhất mà vẫn không phải mất quá nhiều chi phí.
Bởi vậy ông đưa ra những quy định về giá rất rõ ràng cho những bệnh nhân đến phòng khám này. Người nào có lương ông lấy 150.000đ một lần điều trị, người không lương 100.000đ, trẻ em và người già ông lấy 50.000đ hoặc 50% của 150.000đ. Đối với những bệnh nhân khó khăn, ông khám miễn phí cho đến khi khỏi bệnh.
Ông Chương chia sẻ: “Thực ra tôi cũng cần tiền, có ai mà không cần tiền đâu. Nhưng làm thầy thuốc phải sống bằng cái tâm chứ không thể sống vì tiền được. Đừng đổ thừa tại hoàn cảnh, tất cả phải xuất phát từ tấm lòng của người thầy thuốc thì bệnh nhân người ta mới yên tâm chữa trị được”.
Ngoài việc chữa bệnh miễn phí cho người nghèo ở phòng khám, ông Chương còn tham gia nhiều hoạt động tình nguyện ở khu, phố như: kêu gọi quyên góp tiền hỗ trợ đồng bào lũ lụt, cùng nhà chùa tổ chức hoạt động nấu cháo cho bệnh nhân lao phổi…
Gần 30 năm nay không biết đã có bao nhiêu lượt bệnh nhân đến với phòng khám của ông, không biết có bao nhiêu người coi ông là ân nhân cứu mạng khi những căn bệnh mãn tính được cứu chữa. Nhưng ông Chương nhất định từ chối nhận danh xưng ấy, ông bảo: “Tôi cũng giống như những người thầy thuốc khác thôi, cứu người là chuyện phải làm, vả lại ngoài kia còn nhiều người tốt hơn tôi lắm”.
Cống hiến trọn đời cho y học
“Ông trời còn thương, cho tôi sức khỏe, trí tuệ minh mẫn thì tôi còn làm nghề, còn tiếp tục bệnh cứu người cho đến khi tôi sức cùng lực kiệt”, bác sĩ Chương chia sẻ. Ông đã theo nghề hơn 60 năm nay những chưa ngày nào ông muốn từ bỏ. Phòng khám được mở ra một phần vì muốn giúp đỡ người dân nghèo khổ, phần cũng để tiếp tục nuôi dưỡng những tâm huyết của ông với nghề y.
Không ngại mưa nắng, công việc riêng tư, ông Chương vẫn ở cửa phòng khám đều đặn mỗi ngày từ 7h30’ sáng đến 20.00 tối, cả thứ 7, chủ nhật
Chuyên chữa trị các bệnh mãn tính từ dạ dày, gan thận, thần kinh đến xổ mũi, viêm họng đặc biệt là các bệnh về xương khớp, ông Chương luôn nghiên cứu tìm hiểu những cách chữa trị phù hợp và hiệu quả nhất cho bệnh nhân. Ông sử dụng phương pháp đông – tây y kết hợp, ban đầu là châm cứu thông thường sau đó sẽ điều trị bằng vật lý trị liệu.
“Ở đây máy móc tuy thô sơ, nhưng liệu trình chữa trị lại rất hiệu quả, trước đây tôi bị tai biến liệt nửa người đến đây điều trị giờ đã có thể đi lại được. Tôi rất mừng và biết ơn bác sĩ”, bà Nguyễn Thị Bình (Sóc Sơn, Hà Nội), một bệnh nhân của ông cho biết.
Hiện nay, phòng khám nhỏ của ông Chương vẫn đón tiếp từ 5-6 bệnh nhân mỗi ngày. Ông bảo được làm việc mỗi ngày là niềm vui lúc tuổi già, nhưng ông không mong bệnh nhân đến đông, ông chỉ muốn phòng khám vắng khách vì như vậy tức là ai ai cũng khỏe mạnh rồi.
Hơn 80 năm cuộc đời mình, tiến sĩ bác sĩ Nguyễn Văn Chương đã cống hiến trọn vẹn cho nền y học nước nhà, và dành trọn cái tâm, cái ân tình của mình cho những cảnh đời khó khăn trong cuộc sống. Ông truyền cảm hứng cho mọi người về lòng tốt , ông giúp cho chúng ta tin rằng trên đời này vẫn còn rất nhiều những trái tim nhân hậu.
Thanh Thúy