“Tôi từng run rẩy khi đứng trước những cảnh quay của Bi, đừng sợ…”

Tác giả: coaynoiĐăng ngày: 03/12/2010Lần cập nhập cuối: 15/04/2021

 
“Tôi từng run rẩy khi đứng trước những cảnh quay của Bi, đừng sợ…” - 1
Quay phim Phạm Quang Minh
 
Có một cách nói vui (và thật) về nghề quay phim ở Việt Nam, đó là những người luôn ngồi trong bóng tối. Khi một bộ phim được vinh danh, người bước ra với ánh sáng vinh quang đầu tiên bao giờ cũng là diễn viên, rồi đến đạo diễn, biên kịch… sau nhiều “gạch đầu dòng” giới thiệu mới đến quay phim. Bởi thế, tuy đã có 12 năm gắn bó với phim truyền hình, Phạm Quang Minh vẫn là cái tên xa lạ với… công chúng. Nhắc đến Ma làng, nhắc đến Dòng sông phẳng lặng, Những ngọn nến trong đêm, Những giấc mơ dài, nhắc đến Nhà có 3 chị em,… khán giả sẽ nhớ ngay đến nội dung phim, nhớ ngay đến diễn viên tham gia, (có thể) nhớ ngay đến tên đạo diễn, nhưng sẽ ít người biết, quay phim cho tất cả những bộ phim truyền hình nổi tiếng ấy là Phạm Quang Minh. 

Bi, đừng sợ của đạo diễn Phan Đăng Di từng dành hai giải thưởng của tuần lễ phê bình tại LHP Quốc tế Cannes (Pháp), từng đoạt giải Special Mention của LHP Quốc tế Vancouver (Canada), giải Phim hay nhất tại LHP Châu Á – Hong Kong hôm 8/11, và tiếp tục đoạt 2 giải quan trọng cho Phim đầu tay xuất sắc và Quay phim xuất sắc tại LHP Quốc tế Stockholm (Thụy Điển), ngày 27/11.

Phạm Quang Minh, sinh năm 1970, đã có 12 năm là tay máy của Trung tâm sản xuất phim truyền hình (VFC). Anh là “người đứng trong bóng tối” của nhiều bộ phim truyền hình dài tập nổi tiếng do VFC sản xuất. Cùng với phim Đèn vàng (đạo diễn Mai Hồng Phong), Phạm Quang Minh từng đoạt giải quay phim tại lễ trao giải thưởng dành cho phim truyền hình của tạp chí truyền hình. Bi, đừng sợ, là bộ phim nhựa đầu tiên Phạm Quang Minh được tham gia cầm máy. Đạo diễn Phan Đăng Di vốn là bạn học của Phạm Quang Minh thời còn theo học tại ĐH Sân khấu Điện ảnh. 

“Tôi và Di vẫn hay tụ tập, trò chuyện rông dài với nhau về phim ảnh. Kịch bản Bi, đừng sợ, Di đã ấp ủ từ rất lâu. Ngay từ khi kịch bản mới hình thành, Di đã nói với tôi. Chúng tôi đã cùng bàn bạc với nhau sẽ quay bối cảnh ở đâu, sẽ mời ai là diễn viên. Khi mới bắt đầu, em bé vào vai Bi chỉ mới 4 tuổi, đến khi phim chính thức bấm máy, em bé đã 6 tuổi, vừa vào học lớp 1. Nói như vậy để thấy, bộ phim Bi, đừng sợ đã có cả một quá trình dài ấp ủ, và chuẩn bị. Đây là một kịch bản tốt, và tôi rất thích”- Phạm Quang Minh tâm sự.  

Hai người bạn cũ hiểu nhau đã làm nên những thước phim “nên thơ, giản dị và tinh tế đến mức hoàn hảo” (lời bình trên website chính thức của LHP Stockholm 2010  http://www.stockholmfilmfestival.se/en/festival/2010/winners/).  Ngày 27/11 vừa qua, bộ phim đầu tay của đạo diễn Phan Đăng Di đã giành được 2 giải thưởng quan trọng, “Phim đầu tay xuất sắc” và “Quay phim xuất sắc” tại LHP quốc tế Stockholm 2010, Thụy Điển. 
 
“Tôi từng run rẩy khi đứng trước những cảnh quay của Bi, đừng sợ…” - 2
 
“Tôi từng run rẩy khi đứng trước những cảnh quay của Bi, đừng sợ…” - 3
Bi, đừng sợ tái hiện cuộc sống của một gia đình với những góc khuất của nhiều thế hệ.

Kể lại những ngày quay Bi, đừng sợ, Phạm Quang Minh chia sẻ “Trong công việc, tôi và Di rất hiểu nhau. Những cảm xúc, những ý tưởng khi Di nói ra, tôi đều hiểu, cách tôi làm cũng khiến Di hài lòng, tâm đắc. Có nhiều kỷ niệm khó quên đối với tôi khi quay Bi, đừng sợ. Tôi nhớ có một cảnh, nhân vật do Hoa Thúy thủ vai tắm cho cậu bé Bi. Bé Bi nghịch ngợm, lấy xà phòng trên người thổi bong bóng. Tôi muốn quay cảnh, bé Bi thổi phồng quả bong bóng lên như thế nào. Tôi thực sự đã run rẩy khi đứng trước cảnh quay ấy. Tôi cứ cầu mong cho quả bóng đừng vỡ, đừng vỡ… Nhưng quay đến 9 đúp, đều hỏng. Đến khi tất cả đã mệt phờ, tự nhiên, trong khi bé Bi đang tiếp tục nghịch, tôi bất ngờ quay được, Bi thổi quả bong bóng cứ to dần, to dần, rồi vỡ tan… Để có một cảnh quay như ý, đôi khi phải cần đến sự may mắn”. 

Gọi nghề của mình là “người tổ chức hình ảnh”, Phạm Quang Minh đề cao tính chân thực, và những cảm xúc có được khi đứng trước một cảnh quay. Trong 12 năm đứng sau máy quay, Phạm Quang Minh vẫn nhớ rõ sự xúc động của mình khi đứng trước bối cảnh quay một trận càn ở Huế khi làm Dòng sông phẳng lặng với đạo diễn Đỗ Đức Thành. Phạm Quang Minh vẫn nhớ đã sợ… ma tới mức nào khi quay Ma làng cùng đạo diễn Hữu Phần. Và anh vẫn nhớ cả những sự run rẩy của mình khi đứng trước nhiều cảnh quay của Bi, đừng sợ

Trước câu hỏi “Có ý kiến cho rằng, những cảnh nhạy cảm trong Bi, đừng sợ dễ khiến người ta liên tưởng đến những cảnh nóng trong phim Xuân, Hạ, Thu, Đông rồi lại Xuân… 12 năm trong nghề, đã khi nào anh có ý tưởng về một sự vay mượn nào đó từ các bộ phim nước ngoài đã xem?”, Phạm Quang Minh cho biết “Điện ảnh Việt Nam đi sau các nền điện ảnh thế giới hằng mấy chục năm. Tất cả mọi thứ đều lạc hậu hơn. Bởi vậy, rất khó để thực hiện được những cảnh quay như trong phim nước ngoài. Khi làm Bi, đừng sợ, chúng tôi đã cố gắng tái hiện lại một đời sống Việt Nam nhất. Và tôi nghĩ, BGK của LHP quốc tế Stockholm đã chấm cho Bi, đừng sợ chính vì chất Việt Nam ấy. Người nước ngoài họ đủ tinh tế và hiểu biết, nếu phim chịu ảnh hưởng, hay vay mượn từ nền điện ảnh khác, tôi tin BGK sẽ nhận ra ngay”. 
 
“Tôi từng run rẩy khi đứng trước những cảnh quay của Bi, đừng sợ…” - 4
 
“Tôi từng run rẩy khi đứng trước những cảnh quay của Bi, đừng sợ…” - 5
Những góc máy “giản dị và tinh tế” của Phạm Quang Minh

Phạm Quang Minh sinh ra và lớn lên trong một gia đình 6 anh em trai tại Hải Phòng. Gia đình anh có truyền thống về nghề nhiếp ảnh. “Thuở nhỏ, tôi vẫn thường thích ngồi trong phòng tối xem phóng ảnh đen, trắng. Nghề quay phim cũng có thể là nghề của những người luôn đứng trong bóng tối. Nhưng tôi thích. Tôi thích căn phòng tối ấy, tôi thích được làm công việc của một người tổ chức hình ảnh.” 

Và một ngày, trong căn phòng tối của mình, Phạm Quang Minh đã bất ngờ đến ngạc nhiên khi nhận được giải thưởng dành cho bộ phim nhựa đầu tiên tham gia. Mọi việc trong đời vốn vẫn luôn nằm ngoài sức tưởng tượng như thế, một anh quay phim của truyền hình bỗng nhận được giải thưởng lớn về phim nhựa, tại một LHP quốc tế. Sự run rẩy ấy với Phạm Quang Minh hẳn sẽ khác biệt rất nhiều với khi anh cầm máy.
 
 
Hiền Hương