Những cú điện thoại lúc nửa đêm
Đêm, nhịp sống như ngưng đọng. Nhưng đâu đó điện thoại vẫn không ngừng đổ chuông, các link điện thoại của tư vấn viên tâm lý từng lúc vẫn “sốt” lên bởi những tâm sự đang rối bời của người trong cuộc, trong đó có không ít cuộc từ các bạn trẻ.
Nửa đêm có “chuyện bất thường” xảy ra
“Không phải ca trực mà bị dựng dậy nửa đêm là chuyện bình thường. Đêm là khoảng thời gian con người trở về thật với con người mình nhất, với trăn trở, lo lắng cô đơn và bế tắc. Phải suy nghĩ kĩ lắm, phân vân lắm họ mới làm phiền đến tư vấn lúc đêm khuya.
Có đủ mọi chuyện, từ bạn bè gia đình, tình cảm yêu thương, hận ghét… Mỗi cú điện thoại là một cảnh đời, một tình huống, một nỗi đau, lo lắng dồn nén đến mức cao nhất…”. Anh Trần Song Khoa, admin của trang www.hiv.com.vn, tình nguyện viên Liên hiệp quốc, tư vấn HIV/AIDS đưa cho chúng tôi xem danh sách khách hàng anh tư vấn đã lên gần con số gần 1.000 ca.
Từ chuyện “Tại sao ba mẹ lại thương em hơn con?”, “Tại sao con sai, hay có lỗi một tí là mẹ la, trong khi chị đi chơi hoài mà mẹ lại hổng la?” đến “Con thương anh ấy nhưng biết phải làm sao bây giờ khi anh ấy đã có người yêu?” và những chuyện liên quan “lửa gần rơm” nóng hổi: “Con trai, con gái ngủ với nhau có bị “làm sao” không ạ?”.
Hay, có một anh chàng đang ngủ bỗng giật mình thức giấc vì nửa đêm có chuyện bất thường xảy ra: “người bạn nhỏ” đột ngột biểu tình mà hổng biết cầu cứu ai, bèn cầu cứu tư vấn viên, giọng đầy hốt hoảng: “Chuyện này là sao, em có bị gì không? Hay là em sắp chết?”.
“Em chỉ muốn chết thôi!”
“Cứu em với, em không biết làm sao…” Tiếng khóc thật dài, nức nở vang lên trong ống nghe điện thoại lúc 2 giờ sáng khi tư vấn viên vừa định ngả lưng xuống giường (các tư vấn viên sau 12 giờ khuya được tổng đài chuyển link về nhà – PV). Câu chuyện của cô bé 16 tuổi học lớp 11 này đã khiến tư vấn viên Song Khoa nhớ mãi.
X. học hành khá, giỏi, chăm ngoan. X. quen và thương một người tên Y. trong xóm. Cả hai đã lén quan hệ tình dục nhiều lần. Mẹ X biết con mình quen Y. nên ra sức ngăn cản. Vì làm việc ở phường nên do vô tình bà biết được Y nhiễm HIV và đang được theo dõi bệnh. Lo lắng cho con, bà dắt X đi khám và phát hiện cô bạn đã nhiễm HIV.
Đất trời sụp đổ. Bà ngất trong khi X như chết điếng. Thông qua một người bạn, X đã gọi cho Song Khoa, khóc và nói em chuẩn bị tự tử. “Nghe mà lòng mình đau như cắt. Em ấy còn quá trẻ, còn cả tương lai và cuộc đời phía trước” – Khoa kể lại. Ngay tối đó, Khoa đi tìm và đưa cô bé về nhà, giúp đỡ và sau đó cứu em thoát khỏi nhiều lần tự tử.
“Con chỉ muốn chết thôi, không muốn gì nữa cả” – Ca tư vấn giữa đêm ở link nhà bác sĩ Lê Thúy Tươi không kém phần kịch tính. “Con học hành không giỏi, ba mẹ hay la rầy, không có ai tâm sự, buồn quá, chỉ muốn chết thôi”. Bạn nghĩ xem, nửa đêm có người gọi điện cho bạn và khóc… nói mình muốn chết. Bạn sẽ phải làm gì bây giờ?
Bác sĩ Lê Thúy Tươi an ủi cô bé: “Chuyện đó chỉ là chuyện nhỏ thôi con ơi. Cuộc sống còn nhiều người bất hạnh, kém may mắn hơn con nhưng đâu phải ai cũng ùn ùn đòi chết! Cô nghe giọng con rất dễ thương, chắc là con có nhiều bạn trai mến phải không…”.
Được “gãi” đúng chỗ cô bạn tâm sự một lèo, quên luôn ý định kia, cái buồn cũng tự nhiên mà hết.
Một chỗ giải bày…
Đâu ai muốn “quấy rầy” người khác lúc nửa đêm. Chẳng qua là chẳng đặng đừng, chịu hết xiết và không biết làm gì họ mới tìm nhà tư vấn. “Thời gian làm tư vấn viên qua điện thoại, các cuộc gọi nhiều đến mức gần như không thể buông máy” – tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn tâm sự. “Cái khó của nhà tư vấn là chỉ tư vấn chứ không bám theo thân chủ của mình để thấy được hiệu quả tư vấn”.
“Mình tư vấn một lần, hai lần cho người ta. Xong họ lại gọi đến, nhiều khi chỉ để khóc, để tìm một người nghe, một người chuyện trò” – anh Khoa cho xem nhật kí về người khách có số thứ tự 662. “Anh ấy có đứa con trai vướng vào ma túy. Nhiều đêm, ba bốn giờ sáng anh ấy gọi đến chỉ để được khóc, để tâm sự, và có một người lắng nghe”.
Tiếng chuông reo giữa đêm cho thấy một góc khác của cuộc sống, lặng lẽ mà đầy sóng ngầm. Những đường link không ngừng nóng lên, hối hả…
Theo Mực Tím