Những kẻ “nhìn đời một mắt”
“Tớ khoái… sâu!”
Truy cập vào trang “Ảnh côn trùng: sâu, bọ, dòi, nhặng, kiến, giun, gián…” trên diễn đàn có tên “Nghệ thuật nhiếp ảnh” của trang web www.ttvnol.com, phải giật mình trước vẻ đẹp của các loài vốn được coi là “gớm ghiếc”. Qua ảnh của các tay máy nghiệp dư, bọ xít, ong, sâu róm, châu chấu, chuồn chuồn… hiện lên với màu sắc rực rỡ và đường nét khi cứng cỏi khi mềm mại, quyến rũ đến ngỡ ngàng.
Tự nhận là dân chơi ảnh nghiệp dư, nhưng rõ ràng con mắt nhìn của mấy “tay máy” này rất có nghề, thời gian bỏ ra để “rình chộp” cũng không hề ít. Và tiền bạc họ đầu tư cho “đồ nghề” cũng chẳng nhẹ tay chút nào, bởi để có thể chụp cận cảnh sắc nét từng đường nét của những con bọ bé tí này, những chiếc máy ảnh không phải hạng xoàng.
Tấm ảnh rất “nét” về con bọ ngựa của một thành viên forum Góc Hà Nội – hanoicorner.com.
Nhưng chẳng cần phải “có điều kiện” mới có thể chơi ảnh. Cánh học sinh sinh viên chưa có tiền để sắm máy xịn, kinh nghiệm nghiệp dư vẫn có thể tập tành làm quen với môn nghệ thuật xưa kia được mệnh danh là cực “đốt tiền” này.
Mới bắt đầu, chụp gì? Thôi thì đủ cả. Ví dụ như… bát bún riêu ăn buổi sáng. Thế mà bức ảnh chẳng có gì cao siêu nhưng độ mời mọc thì khiến người xem nuốt nước miếng ừng ực ấy cũng mở đầu cho vài trăm bức ảnh “bà con” gửi về quy tụ lại thành “Câu lạc bộ Mỏ khoét” trên một diễn đàn khá đình đám.
Ban đầu, đề tài dễ thực tập và được nhiều bạn chọn nhất là tĩnh vật, cây cỏ, hoa lá, phong cảnh… Những thứ này có ưu điểm là… ít động đậy, cho các bạn có nhiều thời gian để ngắm nghía, căn chỉnh về tốc độ, ánh sáng, bố cục trước khi bấm máy.
Và những câu chuyện đường dài…
Với những bạn trẻ ham du lịch, thì chiếc máy ảnh hầu như đã trở thành vật bất ly thân, thậm chí không có máy ảnh là… miễn khởi hành. Có lần, trong chuyến du lịch bụi từ Sài Gòn lên Đà Lạt, dù đã đi khỏi thành phố 40 km, cô bạn Thanh Huyền vẫn nằng nặc bắt anh bạn cầm lái quay đầu xe ngược trở lại vì cô trót quên mất cái ống kính tele ở nhà, chịu chấp nhận tới nơi lúc đêm khuya chứ nhất định không thể đi mà không đầy đủ “đồ nghề”.
“Săn được những tấm ảnh ưng ý là một nửa thành công của mỗi chuyến đi của mình” – Huyền nói. Mà công việc chuyên môn của cô bạn trẻ ham chụp ảnh này chẳng có chút gì liên quan gì đến nhiếp ảnh cả, cô làm phiên dịch.
Còn với những nhóm “du lịch chuyên nghiệp” có tiếng trong giới trẻ như Tây Bắc, CBN, FXP610 thì “độ sửng sốt” trong những bài viết về những chuyến đi xuyên rừng, xuyên Việt, xuyên Đông Dương… của họ sẽ giảm đi khá nhiều nếu thiếu đi những bức ảnh chân thực dọc đường.
Có lẽ chẳng cần lời nào để giải thích cho những thử thách đường trường đặt ra cho những người trẻ mà thú “xê dịch” đã ngấm vào máu khi nhìn những tấm ảnh họ chụp: người và xe phân khối lớn đặt trên chiếc mảng mỏng manh để băng ngang con suối lớn, “con xế” lăn xuống vực và người thì đẩy người thì kéo lên…
Còn Thanh Dung, một tay ham chơi ảnh đất Đà Nẵng thì đợt bão Chanchu vừa qua là dịp cô phát huy giá trị của hình ảnh. Cùng với chiếc máy ảnh cà tàng, cô bạn nhỏ nhắn này xông xáo dọc bãi biển trong nhiều ngày để ghi nhận không khí căng thẳng, đau thương của thân nhân những gia đình ngư dân.
Những bức ảnh không xuất sắc về kỹ thuật nhưng rất chân thực và thời sự này được cộng đồng trên mạng theo dõi hằng ngày, nhiều trang web của người Việt tại nước ngoài đăng lại. “Những tấm ảnh này giúp mọi người cảm nhận rõ hơn những mất mát, và là lời kêu gọi quyên góp ủng hộ đồng bào…” – cô bạn, sụt thêm vài ký sau đợt “xông pha” này, tâm sự.
Vậy đấy! Nếu cuối tuần này, bạn không ngủ vùi, không lên mạng chat chit, không ngồi đồng cà phê cà pháo, mà dắt lưng chiếc máy ảnh, cưỡi xe máy sục sạo ngõ ngách thành phố hoặc lăn lê bò toài trên những vệ cỏ ngoại ô… Chẳng có gì lạ, vì sở thích của bạn cũng giống như đông đảo những người trẻ đã trót làm “tín đồ” của môn “nghệ thuật của ánh sáng” rồi!
Theo Phương NguyênThanh Niên