Thư ngỏ gửi Thủ tướng của một nghiên cứu sinh

Tác giả: coaynoiĐăng ngày: 03/10/2005Lần cập nhập cuối: 14/04/2021

Houston, ngày 29/ 9/2005

Kính gửi: Thủ tướng Phan Văn Khải!

Là một thanh niên Việt Nam đang sống và học tập xa tổ quốc, tôi rất cảm động và phấn khích trước lời kêu gọi hiến kế của Thủ tướng: “Làm gì để đưa khoa học – công nghệ nước ta trở thành động lực”. Tôi viết thư này xin gửi tới Thủ tướng với tư cách là một nhà khoa học trẻ của Việt Nam, bày tỏ những quan điểm về các yếu tố cần thiết để khoa học và công nghệ nước nhà phát triển.

CẦN GIAO ĐẤT ĐẾN TẬN TAY CÁC NHÀ KHOA HỌC

Bài phát biểu của Thủ tướng Phan Văn Khải “Phải có tư duy mới để tạo ra khoán 10 trong KHCN”, tại buổi làm việc với hơn 400 nhà khoa học trong cả nước ngày 24/9 không những là thách thức đối với các nhà khoa học Việt Nam, mà còn là thông điệp khẩn gửi đến toàn thế hệ các nhà khoa học trẻ Việt Nam đang học tập và nghiên cứu trong nước cũng như trên toàn thế giới.

Để nghiên cứu khoa học thực sự là chìa khoá trong công cuộc đổi mới của đất nước, đặc biệt có tính cạnh tranh trong xu thế toàn cầu hoá, tôi muốn tập trung đề cập hai vấn đề quan trọng: Cách dụng nhân tài và cơ chế.

I. Tuyển chọn những cá nhân xuất sắc

Vấn đề nan giải nhất hiện nay tại các Viện nghiên cứu và các trường ĐH ở Việt Nam là khâu tuyển lựa cán bộ nghiên cứu còn mang nặng tính hình thức, không thực sự tuyển đúng cán bộ có năng lực, quá trình tuyển chọn bị chi phối bởi các mối quan hệ như gửi gắm và thân quen.

Việc chọn lựa một số vị trí lãnh đạo về quản lý khoa học đôi khi dựa theo cảm tính do chưa định hết được giá trị trí tuệ. Khi xem xét một số vấn đề, chẳng hạn như khen thưởng, vẫn còn dựa vào “thâm niên công tác”, từ đó làm giảm động lực phấn đấu của các nhà khoa học trẻ. Bên cạnh đó, như GS. Viện sỹ Vũ Tuyên Hoàng có nhận xét “tính đố kỵ, thiếu trung thực và không đoàn kết đang làm cản trở sự nghiệp khoa học”

Tuyển chọn những cá nhân xuất sắc chính là yếu tố then chốt để cải cách nền khoa công nghệ nước nhà. Thời điểm này, chúng ta phải nhìn nhận và đánh giá đúng “hiền tài ở nguyên khí của quốc gia”. Phải định giá trị chính xác về trí tuệ các nhà khoa học làm công tác lãnh đạo, và nhà khoa học làm nghiên cứu dựa trên tài năng và thành tích.

Tại sao từ trước đến nay ở các viện nghiên cứu, trường ĐH và các cơ quan quản lý về khoa học và công nghệ ở Việt nam chúng ta chỉ thấy “tuyển nhân viên”, mà không thấy “tuyển lãnh đạo”. Các doanh nghiệp tư nhân hoặc nước ngoài tại Việt Nam đều có hình thức “tuyển Giám đốc, Trưởng phòng…” và trả lương cao gấp nhiều lần, thậm chí, nhiều chục lần các cơ quan nhà nước.

Do vậy, cách tốt nhất để phát triển một viện nghiên cứu hoặc trường ĐH chính là tuyển lựa chính xác nhà khoa học làm công tác lãnh đạo (Giám đốc, Hiệu trưởng, Trưởng khoa…) bằng hình thức “thi tuyển mở”, đi kèm với vị trí là trách nhiệm và quyền lợi. Ứng cử viên có thể là các nhà khoa học đang làm công tác nghiên cứu và giảng dạy tại các trường ĐH, viện nghiên cứu, và các doanh nghiệp ở trong và ngoài nước.

Hình thức này đã được áp dụng phổ biến tại các nước có nền khoa học công nghệ tiên tiến như Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Singapore. Nhiều nhà khoa học ở châu Âu, khi được nhận giải thưởng Nobel hoặc có công trình nghiên cứu xuất sắc đã được tuyển lựa vào làm các chức vụ quan trọng tại các viện hoặc trường ĐH danh tiếng tại Mỹ.

Tôi may mắn có dịp nói chuyện với hầu hết các nghiên cứu sinh Quỹ giáo dục Việt Nam (VEF). Phần lớn đều có khát vọng được nghiên cứu khoa học tại Việt Nam sau khi hoàn tất chương trình đào tạo. Trong 3-5 năm tới, chương trình này sẽ có hàng trăm tiến sĩ được đào tạo chuyên sâu về các ngành khoa học công nghệ (Công nghệ thông tin, Công nghệ sinh học, Y tế công cộng…), và khoa học cơ bản như Toán, Lý, Hoá tại các trường danh tiếng của Mỹ như MIT, Princeton, Stanford, Johns Hopkin, Yale. Với nguồn nhân lực chất lượng cao như vậy, chúng ta “dùng” các tiến sĩ này vào việc gì?.

Nếu cơ chế làm việc hiện nay không thay đổi, thì quả là chưa có “đất” để thế hệ các nhà khoa học trẻ phát huy hết tài năng. Vậy, “cơ chế khoán 10 trong KHCN” chính là giao đất đến tận tay các nhà khoa học. Đất ở đây chính là cơ chế. Nếu nhà nước không tạo ra cơ chế có tính đột phá thì làm sao chúng ta tránh khỏi nạn chảy máu chất xám? Chính phủ phải cương quyết xoá bỏ cơ chế “bao cấp”, bình quân chủ nghĩa, giao quyền tự chủ đến các viện và trường ĐH, và xây dựng nên một “cơ chế đổi mới”.

Các nghiên cứu sinh Việt Nam tại Mỹ gặp gỡ tại hội thảo khoa học

II. Đi tìm cơ chế

Sau khi Thế chiến II kết thúc, các nhà kinh tế tập trung nghiên cứu tìm ra giải pháp nhằm nâng cao mức sống ở một số nước kém phát triển thuộc khu vực châu Phi, châu Á và khu vực Nam Mỹ. Những phương thức xóa đói phổ biến bao gồm: nhận nguồn tài trợ từ bên ngoài, đầu tư máy móc, tăng cường giáo dục, khống chế tỷ lệ tăng dân số, và mượn khoản tiền cứu trợ, thậm chí một số nước quá nghèo còn được xoá nợ. Nhưng, tất cả các giải pháp này đều không giúp được các nước kém phát triển thoát khỏi cảnh đói nghèo. Giáo sư kinh tế học William Easterly, cố vấn cao cấp cho Ngân hàng Thế giới và hiện đang giảng dạy tại trường ĐH New York cho rằng: “Đầu tư xây dựng năng lực khoa học và công nghệ là biện pháp hữu hiệu nhất để phát triển kinh tế bền vững ở những nước đang phát triển”.

Xây dựng cơ chế đổi mới yêu cầu sự tham gia của nhiều thành phần trong xã hội: nhà khoa học, chính phủ, các doanh nghiệp và các chuyên gia quốc tế. Để các nhà khoa học tự do sáng tạo trong khoa học và nghiên cứu, Chính phủ cần trao quyền tự chủ cho các trường và viện, đồng thời có chế độ chính sách đãi ngộ thoả đáng cho các nhà khoa học.

Tuy nhiên, kinh nghiệm từ những nước phát triển như Hàn Quốc, Singapore thì chỉ những yếu tố này chưa tạo đủ động lực cho sự phát triển KHCN. Cạnh tranh là yếu tố cơ bản nhất để phát triển. Để có yếu tố cạnh tranh, chúng ta cần tập trung xây dựng một số trung tâm đào tạo và nghiên cứu chất lượng cao. Chính phủ tập trung quản lý vĩ mô bằng cách định ra những thước đo chuẩn mực: đánh giá chất lượng đào tạo, khen thưởng, bổ nhiệm chức vụ… và đồng thời tạo ra cơ chế thúc đẩy tính cạnh tranh cho các trường và viện.

Do vậy, cơ chế cần tập trung vào một số yếu cầu như sau:

1. Khuyến khích nghiên cứu ứng dụng để phục vụ sản xuất

Chúng ta không nên tập trung nghiên cứu những gì quá cao siêu, mà “bỏ quên” nghiên cứu ứng dụng để nâng cao giá trị các sản phẩm có tính đặc trưng của Việt Nam. Nhật Bản và Trung Quốc là 2 cường quốc đi đầu trong việc dùng công nghệ để cải tạo nông nghiệp, và các mặt hàng truyền thống như gốm sứ, hàng dệt may… để tạo ra sản phẩm có chất lượng, đồng thời có sức cạnh tranh xuất khẩu rất cao.

Ví dụ: trong nông nghiệp, chúng ta thường nhập bò sữa ở Úc, Hà Lan, Cuba với giá thành rất cao. Sau một thời gian chăn nuôi, bò không có khả năng cho sữa do tính thích nghi của những giống bò này với khí hậu Việt Nam kém. Do vậy, với đa phần các dự án chăn nuôi bò sữa, khả năng thành công là rất thấp, vì chúng ta vẫn chưa chủ động tạo ra con giống tốt.

2. Đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học trẻ có trình độ đẳng cấp quốc tế

Trong chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Phan Văn Khải, Thủ tướng dành một ngày để gặp gỡ và thảo luận với các GS tại Đại học Havard và Viện công nghệ MIT về giáo dục. Buổi thảo luận đi đến nhất trí rằng: Việt Nam muốn phát triển kinh tế và xã hội bền vững, thì nhất thiết phải có nguồn nhân lực có trình độ khoa học cao. Để đạt mục tiêu này, chúng ta cần thành lập một trường Đại học đẳng cấp quốc tế tại Việt Nam. Đây sẽ là môi trường lý tưởng để nuôi dưỡng các thế hệ tài năng trẻ, thu hút chất xám của những nhà khoa học tài năng cả trong và ngoài nước, và như một chiếc cầu nối giữa Việt Nam và quốc tế.

3. Thành lập các trung tâm xuất sắc

Sáng kiến Khoa học Thiên niên kỷ (MSI), một tổ chức quốc tế chuyên về các trung tâm Xuất sắc, giúp các nước đang phát triển xây dựng năng lực về Khoa học và Công nghệ hiện đại. Nhóm Sáng kiến Khoa học (SIG), một tổ chức khoa học tại Hoa Kỳ, chuyên định hướng chiến lược, đánh giá chất lượng, và hướng dẫn khoa học cho Sáng kiến Khoa học Thiên niên kỷ. Với sự trợ giúp của các tổ chức này, các Trung tâm Tài năng đang hoạt động rất hiệu quả ở Chile, Brazil, Mexico, và đang thành lập ở các nước đang phát triển khác như Cameroon, Tanzania, Bangladesh, Latvia…

Chương trình Quỹ học bổng VEF đã ký những thoả thuận hợp tác với Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Nhóm Sáng kiến Khoa học ngày 17/11/2004 tại Washington D.C. Đến nay, Bộ Khoa học và Công nghệ, với trợ giúp của VEF và SIG, đang khảo sát và đánh giá một số mô hình hợp lý để xây dựng các Trung tâm Xuất sắc của Việt Nam. Các Trung tâm này sẽ tập trung nghiên cứu các ngành khoa học mũi nhọn bao gồm: Công nghệ sinh học, Công nghệ thông tin, Khoa học vật liệu và Toán ứng dụng.

“Trung tâm xuất sắc” là nói đến trí tuệ của các nhà khoa học, chứ không phải là một cơ quan cụ thể. Một nhóm nghiên cứu có thể là bác sĩ, kỹ sư, nhà khoa học hoặc các doanh nghiệp tập trung làm hướng nghiên cứu gì đó, thì được gọi là Trung tâm xuất sắc. Với hình thức này, tất cả mọi thành phần trong xã hội đều có cơ hội để khám phá và nghiên cứu. Tiêu chuẩn chính để quyết định một nhóm nghiên cứu (trung tâm xuất sắc) có được cấp tài chính để nghiên cứu hay không phụ thuộc rất nhiều vào kết quả nghiên cứu có ứng dụng trong sản xuất hay không.

Để tránh lãng phí trong nghiên cứu, huy động tối đa nguồn lực trí tuệ và liên kết giữa đào tào – nghiên cứu – sản xuất, chúng ta cần xây dựng các “Trung tâm xuất sắc”. Các trung tâm này sẽ như mô hình chuẩn để các trường và viện khác trong cả nước học tập về cơ chế quản lý, chính sách đãi ngộ, môi trường làm việc, tuyển chọn và đánh giá các công trình nghiên cứu.

4. Tôi xin tiến cử 4 người…

Trong thế kỷ XXI, sự cạnh tranh giữa các quốc gia để khẳng định vị thế và tên tuổi của mình chính là cuộc chạy đua về khoa học công nghệ. Công cuộc đổi mới trong nghiên cứu khoa học công nghệ cần có lộ trình phát triển trong 5 năm, thậm chí 10-20 năm tới, chúng ta sẽ đạt được tiêu chí cụ thể gì, và đất nước ta nằm ở vị trí nào so với thế giới.

Thủ tướng và Chính phủ cần có Ban hoạch định chiến lược phát triển khoa học công nghệ. Ban này cần hoạt động độc lập, thực sự là những đại diện xuất sắc nhất của chính phủ – nhà khoa học – doanh nghiệp của Việt Nam (khoảng 9 -11 thành viên), và có sự tham gia của các nhà khoa học và doanh nghiệp quốc tế (3-5 thành viên).

Tôi xin mạnh dạn tiến cử những nhà hoạch định chiến lược quốc tế dưới đây:

Về công nghệ sinh học: GS. Harold Varmus đoạt giải Nobel Y học năm 1989, Giám đốc Viện Y tế Quốc gia (NIH) thời Tổng thống Bill Clinton, hiện là Chủ tịch Trung tâm Ung thư Memorial Sloan-Kettering tại New York. Ông đã đến Việt Nam trong nhóm Sáng kiến Khoa học và luôn sẵn lòng cộng tác với Việt Nam.

Về ứng dụng khoa học cơ bản: TS. Chung Kim hiện là chủ tịch Viện Nghiên cứu Cấp cao của Hàn Quốc, thành viên Hội đồng Quản trị VEF và SIG, và đã đến Việt nam để trao đổi kinh nghiệm xây dựng các trung tâm tài năng. Ông là một trong những người thiết kế nên sự thành công khoa học của Hàn Quốc.

Khoa học Hàng không – Vũ trụ: TS. Eugene Trịnh, tốt nghiệp Cử nhân vật lý tại trường ĐH Columbia, sau đó nhận hai bằng Thạc sĩ về khoa học và triết học, và Tiến sĩ về vật lý ứng dụng tại ĐH Yale(10). Ông được đánh giá là một trong những nhà khoa học gốc Việt thành công nhất tại Mỹ, hiện là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Vật lý tại NASA. Ngày 25/6/1992, ông cùng các nhà du hành vũ trụ trên chiếc tàu con thoi Columbia STS-50 lên không gian để tiến hành các nghiên cứu về Vật lý, Công nghệ sinh học và Khoa học vật liệu.

Về công nghê thông tin: Chủ tịch tập đoàn Microsoft, ngài Bill Gates. Nhân chuyến thăm Mỹ vừa qua, Thủ tướng Phan Văn Khải đã đến thăm và làm việc rất thành công với Chủ tịch tập đoàn Microsoft Ngài Bill Gates, và đặc biệt Thủ tướng đã mời ngài đến thăm Việt Nam.

Thủ tướng kính mến!

Trên đây là những ý kiến của tôi, mong Thủ tướng dành chút ít thời gian xem xét.

Cuối cùng, tôi xin kính chúc Thủ tướng luôn mạnh khoẻ và thành công trong lãnh đạo đất nước.

Tôi xin trân trọng cảm ơn.

Kính thư!

Nguyễn Văn Thắng (NCS chuyên ngành Công nghệ sinh học, Trung tâm Nghiên cứu Ung thư M.D.Anderson, Houston – Hoa Kỳ, email: thang_vn10@yahoo.com)

Theo VietnamNet