Hai tháng quyết định một số phận?

Tác giả: coaynoiĐăng ngày: 20/09/2005Lần cập nhập cuối: 14/04/2021

Đó là những dòng mở đầu bức thư kêu gọi giúp đỡ bạn Nguyễn Thị Thanh Hương – một du học sinh bị ung thư máu ở tuổi 21, đang dũng cảm chiến đấu với tử thần – của bạn Nguyễn Hồng Nhung, một thành viên tích cực của Diễn đàn Hội thanh niên sinh viên Việt Nam tại Nhật (www.vysa.jp).

 

Cô bé của những nỗi đau

 

Hương sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh đặc biệt, từ nhỏ phải sống với ông bà nội, thiếu vắng bàn tay chăm sóc vỗ về của người mẹ. Khi em vừa bước sang tuổi 11 thì mẹ đột ngột qua đời vì tai nạn giao thông. Bố đi bước nữa, bốn chị em Hương đành dắt díu nhau ra ở riêng và tự chăm sóc nhau. Hoàn cảnh ấy tạo nên tính cách cương nghị, mạnh mẽ của cô bé út Hương.

 

Năm 2004, Hương sang Nhật du học theo diện tự túc từ khoản tiền bán nhà cộng với chút tiền vay nợ. Dù khó khăn nhưng anh chị Hương vẫn quyết cho cô út đi du học, mong cho em thoát khỏi cuộc sống vất vả, lam lũ. Bản thân Hương cũng mong muốn học thật tốt, sau này đi làm kiếm tiền để giúp đỡ anh chị. Vậy mà sang tới Nhật, mới chỉ học tiếng được gần 9 tháng, em phải nhập viện bởi căn bệnh ung thư máu hiểm nghèo.

 

Cả tương lai sụp đổ trước mắt em, niềm hy vọng của cả gia đình vụt tắt. Thay vào đó là sự lo lắng và bối rối tột độ. Em được thông báo đã mắc bệnh ung thư máu, cấp độ 7, cấp độ nặng nhất. Ngay lập tức, nhà trường và bệnh viện đã mời gia đình em sang, không phải để lo chữa trị mà là chuẩn bị lo việc hậu sự cho em!

 

Bố Hương vốn mắc bệnh tim, nay lại thêm lo lắng vì bệnh tình của con, bệnh tái phát phải nhập viện. Bệnh của bác vẫn còn cần thời gian điều trị, nhưng giờ đối với gia đình Hương, tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy, bố em đành xin ra viện về nhà nằm.

Hương nhập viện trong tình trạng hôn mê, gần như không biết gì. Cả gia đình, thầy cô và bác sỹ đều làm hết sức mình để giành giật lại em từ tay tử thần. Điều thần kì đã xảy ra! Đợt hoá trị thứ 3 đã có phản ứng tốt. Em đã tỉnh táo hoàn toàn, có thể tự ăn cơm và đọc sách, nói chuyện với mọi người. Tóc đã mọc trở lại, còn đen và dầy hơn trước.Các tế bào ung thư quái ác đã trong tầm kiểm soát, nhưng tuỷ sống, nơi thường xuyên sản sinh các tế bào máu thì vẫn tiếp tục sản sinh các tế bào ung thư. Muốn chữa triệt để, em cần thay tuỷ để diệt tận gốc các tế bào ung thư đó. Chi phí cho một ca phẫu thuật ghép tuỷ tại Nhật là từ 3.000.000 tới 5.000.000 yên (khoảng 450 – 700 triệu VNĐ). Một con số quá lớn đối với gia đình em, nhất là sau 8 tháng trời ròng rã nằm viện vừa qua. Nhưng nếu không cấy ghép được tuỷ, sự sống của em hoàn toàn phụ thuộc vào hoá chất và bị giam cầm trong căn phòng cách li của bệnh viện cho tới khi gia đình không còn khả năng thanh toán viện phí. Theo lời của Thanh, chị gái Hương, gia đình có lẽ chỉ cầm cự được khoảng 2 tháng nữa nếu không có sự giúp đỡ của mọi người. Nhìn cô gái trắng trẻo tươi cười ngồi trên giường bệnh, không ai có thể cầm nước mắt khi nghĩ: chỉ 2 tháng nữa thôi, ống truyền hoá chất sẽ bị rút ra khỏi tay em, người ta sẽ đưa em ra khỏi bệnh viện và em sẽ lại trở về trong vòng tay mẹ ở một nơi thật xa xăm.Em đã sẵn sàng cho chuyện đó và còn bông đùa: “May mà tóc đã mọc trở lại, nếu vẫn trọc như trước thì chắc là mẹ chẳng nhận ra đâu!”. Tất cả những ai gặp Hương đều sửng sốt trước sự bình thản của em và ngưỡng mộ sự dũng cảm của em, rồi chợt nhận ra “mình phải làm cái gì đó”! Và tin, nếu hợp sức lại, có thể sẽ mở cho Hương cánh cửa hi vọng về một ca ghép tuỷ thành công, hay ít nhất cũng giúp em và gia đình xoá bỏ cái cột mốc 2 tháng khủng khiếp trước mắt.

Cùng Hương trong cuộc chiến tử thần

 

Hai tháng quyết định một số phận?  - 1

Poster và thùng quyên góp đã được các bạn du học sinh làm xong. Họ sẽ mang đi nhiều nơi để kêu gọi sự giúp đỡ.

Khi câu chuyện của Hương được một thành viên diễn đàn VYSA đưa lên mạng, gần như ngay lập tức, một hiệu ứng dây chuyền xảy ra. Người trích một chút tiền trong phần sinh hoạt phí eo hẹp của mình, người nhận thay phiên chăm sóc Hương… Tất cả mọi người đang làm hết sức, kể cả liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam ở Nhật, móc nối với các bác sĩ trong các bệnh viện, lên mạng tìm những thông tin liên quan đến căn bệnh hiểm nghèo này ngõ hầu có thể mang đến cho cô em gái nhỏ này một điều kỳ diệu.

 

“Ước vọng về một ca phẫu thuật thay tủy sống ngày một xa vời và tính mạng của Hương ngày càng trở nên mong manh. Khuôn mặt mà bệnh tật nghiệt ngã không xóa được nét rạng ngời của niềm tin kia, ánh mắt tràn ngập khát khao sống mãnh liệt kia rồi sẽ ra rao? Điều gì sẽ xảy ra với một người bạn của chúng ta trong hai tháng nữa?Không, chúng ta không thể đứng nhìn tử thần ngang nhiên cướp đi một người bạn của chúng ta, một người con của gia đình đã phải chịu đựng nhiều mất mát. Chúng ta có thể cùng hợp sức. Chúng ta có thể cùng Hương và gia đình giành lại cuộc sống từ tay tử thần”.Tấm lòng của Ban điều hành Hội Thanh niên và Sinh viên Việt Nam tại Nhật ngay lập tức đã nhận được sự hưởng ứng. Mọi sự giúp đỡ và động viên Thanh Hương trong lúc này, bạn có thể tham khảo thông tin cụ thể tại website chính thức của Hội: www.vysa.jp.

…Ngày lại ngày, có rất nhiều bạn trẻ người Việt trên đất Nhật đang cầu mong, và không chỉ cầu mong mà đã ra tay hành động để một sớm ngày kia, Hương sẽ lại được hít thở không khí của đất trời, được sống, được bước đến cổng trường đại học, được thực hiện bao ước mơ và hoài bão hằng ấp ủ.

 

Thanh Hương sinh ngày 21/2/1984, ở Việt Trì – Phú Thọ. Hương là lưu học sinh trường tiếng Nhật Ichikawa, tỉnh Chiba, Nhật Bản.

 

Hương nhập viện từ ngày 27/1/2005. Tám tháng cầm cự, giành giật sự sống cho em là cả một sự cố gắng đến kiệt sức của gia đình Hương và của cả chính em. Hương đã được bác sỹ nói cho biết bệnh và hiểu tình trạng hiện giờ của mình. Nhưng Hương không mất đi niềm tin, trong đôi mắt biết cười của em có vẻ mệt mỏi của những cơn đau nhưng vẫn tràn đầy niềm tin và nghị lực.

 

“Bản thân tôi cũng đã từng làm y tá 4 năm tại bệnh viện. Tôi đã từng chứng kiến những người bệnh phải chịu đau đớn về mặt thể xác cũng như tuyệt vọng về tinh thần. Nhưng em gái mà tôi vừa gặp thì không hoảng sợ trước số phận. Cũng có thể em đang cố giấu những giọt nước mắt, dấu nỗi buồn của mình để người chị gái khỏi phải lo lắng thêm nữa. Nghị lực và niềm tin của em làm tôi vô cùng khâm phục. (Thành viên sakuranbo)

 

“Nếu bạn đã đến thăm em, nhìn em trong căn phòng cách ly chật chội kín mít bốn bề, xung quanh giường bệnh toàn máy móc dây rợ lằng nhằng mà em vẫn đủ nghị lực và niềm tin để tiếp chuyện bạn vui vẻ như vậy thì tôi tin rằng bạn sẽ đồng cảm với chúng tôi, sẽ cùng chúng tôi chuyển thông điệp kêu gọi quyên góp này tới những người bạn ở khắp nơi để giúp em”. (Thành viên nangthuytinhjp)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

  

Mai Lan

Theo VYSA